Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi dê của gia đình, ông Thống phấn khởi nói: "Hôm trước, gia đình tôi vừa xuất bán 100 con dê thương phẩm ra Ninh Bình, lãi gần 100 triệu đồng. Hiện trong chuồng còn hơn 80 con đang được nuôi nhốt trong 6 chuồng trại khô ráo, sạch sẽ".
Ông Thống tâm sự: "Khi mới khởi nghiệp, gia đình tôi nuôi bò, gà với quy mô nhỏ. Đầu tư nhiều nhưng lãi không thấy đâu. Sau khi tham quan, học hỏi nhiều mô hình kinh tế trong huyện và các huyện lân cận.
Mô hình nuôi dê của ông Hồ Sỹ Thống, Diễn Châu, Nghệ An.
Trong một lần đi tham quan, học hỏi, tôi ấn tượng mô hình nuôi dê ở huyện Nam Đàn, lãi cao, dễ nuôi. Sau đó, tôi về quyết định bán hết bò, gà, vay thêm người nhà hơn 100 triệu xây dựng chuồng trại để nuôi dê thương phẩm".
Với phương châm, vừa nuôi vừa tự học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, thời gian thực hiện mô hình nuôi dê gặp không ít khó khăn, dê bị bệnh, lâu lớn, chết nhiều.
Nhờ tính cần cù, chịu khó, tìm tòi, học hỏi kiến thức nuôi dê trên trên tivi, báo đài… ông Thống từng bước nắm vững kỹ thuật chăm sóc, từ đó, đàn dê của ông không ngừng tăng số lượng qua mỗi đợt, dê lớn nhanh. Lúc cao điểm, đàn dê của ông Thống gần 200 con.
Giống dê được ông Thông nhập các tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận… Đây là những giống thích hợp với thời tiết tại Nghệ An. Với diện tích hơn 200m2 làm chuồng trại, khoảng cách từ mặt đất cho đến chuồng phải cao 70cm.
Cũng theo ông Thống, dê là loài động vật không ưa độ ẩm cao, chuồng trại phải đảm bảo sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Chuồng được ông Thống xây theo kiểu chuồng sàn, vệ sinh hàng ngày. Dưới mỗi chuồng ông còn đầu tư hệ thống vừa tận dụng chất thải của dê làm phân bón, vừa đảm bảo yếu tố môi trường.
"Để dê nhanh lớn, to khỏe, thịt chắc, thơm ngon, gia đình tôi thường làm cỏ ủ. Nguyên liệu chủ yếu là men sinh học, mật mía, các loại cỏ sau đó muối ủ lên, ủ càng lâu thì càng ngon. Đây là loại thức ăn đảm bảo an toàn, có thể tích trữ được lâu và được dê rất ưa chuộng" – ông Thống bật mí.
Dê là động vật ăn tạp, có thể tận dụng nhiều nguồn thức ăn xung quanh. Đặc biệt loài này có khả năng sinh trưởng khá nhanh, 3 tháng có thể xuất chuồng bán lấy thịt, một năm cho xuất chuồng 3 lứa dê thương phẩm.
Trung bình, mỗi con dê đạt 40 - 45kg là có thể bán ra thị trường. Giá dê trên thị trường hiện tại là 150.000 - 170.000 đồng/kg.
Theo ông Thống, dê thả mới hay bị bệnh, còn dê nhốt ít bệnh. Những bệnh thường gặp của dê như: Nấm mồm, đau mắt, nếu mình có kinh nghiệm, việc nuôi dê đơn giản, từ tiêm vắc xin cho đến việc nuôi nhốt mới hiệu quả.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, chị Chu Thị Hà – Hội Nông dân xã Diễn Lâm, cho biết : "Hiện nay mô hình nuôi dê trong hội viên nông dân phát triển mạnh. Đặc biệt, mô hình nuôi dê của ông Hồ Sỹ Thống có quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ vào quá trình chăm sóc, phòng bệnh bài bản nên hiệu quả kinh tế mang lại cao.
Chúng tôi xem đây là mô hình tiêu biểu để chỉ đạo Hội Nông dân các xã có lợi thế phát triển chăn nuôi dê tổ chức cho hội viên đến tham quan, học tập và làm theo".
Theo Lê Thơ/danviet.vn
https://danviet.vn/lao-nong-nghe-an-chi-nuoi-con-keu-be-be-ma-lai-hang-tram-trieu-dong-moi-nam-20210322225534497.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã