Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số loại rau củ, hoa quả tại Đồng Nai đang bị ùn ứ số lượng lớn nên nhiều địa phương phải đưa ra phương án "giải cứu". Nhưng "giải cứu" không phải là giải pháp lâu dài. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai cùng các sở, ngành liên quan đang đưa ra nhiều phương án để tiêu thụ nông sản ổn định, tránh việc phải "giải cứu".
Trước mắt tỉnh Đồng Nai đã tìm đường đi lâu dài cho nông sản thông qua việc đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản. Xây dựng nhiều cánh đồng lớn nông sản liên kết từ đầu vào đến đầu ra để nông sản có chỗ tiêu thụ ổn định.
Cụ thể, tại Đồng Nai, các loại rau củ quả thường xuyên "trúng mùa dội chợ" là chuối, bưởi, thanh long, dưa hấu,… Đặc biệt gần đây nhất, UBND huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã phải làm văn bản gửi đến nhiều cơ quan, đoàn thể của tỉnh Đồng Nai và TP.HCM nhờ hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện tiêu thụ bưởi đào.
Theo "thỉnh cầu" của huyện Cẩm Mỹ, 2 xã Xuân Tây và Xuân Đông của huyện bị ứ đọng lại khoảng 550 tấn bưởi đào đang chín rục ngoài vườn mà không có thương lái thu mua.
Lãnh đạo huyện Cẩm Mỹ nhấn mạnh nguyên nhân khiến nông dân trồng bưởi rơi vào cảnh phải "kêu cứu" là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến không thể xuất khẩu, cung vượt cầu,…
Tuy nhiên theo đánh giá chung, nguyên nhân thực sự của câu chuyện trái bưởi bị ùn ứ tại Đồng Nai, không có nơi tiêu thụ là do thời gian qua, diện tích trồng bưởi tăng nhanh trong khi thị trường tiêu thụ giảm mạnh.
Hiện tại Đồng Nai, diện tích bưởi đã phát triển lên hơn 8.000ha, tăng gấp đôi so với ba năm trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến đặc sản bưởi da xanh, bưởi Tân Triều,… của Đồng Nai cũng mất giá ngay cả trong Tết, dù bình thường đây là loại hàng luôn có giá cao, được săn đón mạnh.
Bà Hoàng Thị Hoan, thương lái chuyên thu mua nông sản tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, dịch Covid-19 đang gây khó khăn rất lớn cho thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Hàng hoá bị tắc biên, không xuất ra nước ngoài được dẫn đến bị ứ đọng, dội chợ, giá thấp.
Còn nông dân Nguyễn Thị Phương, ngụ huyện Cẩm Mỹ chia sẻ: "Hiện nay khó khăn về đầu ra do cung vượt cầu cũng là câu chuyện chung của nhiều loại nông sản, trong đó có bưởi.
Chúng tôi cũng muốn ngành chức năng có hướng đi lâu dài cho trái cây.
Năm nay, rất nhiều nông sản phải giải cứu, và người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân. Chỉ riêng năm nay nhà tôi đã mất trắng hơn 200 triệu đồng, không đủ chi phí trả nợ, lãi ngân hàng. Hi vọng sắp tới giá cả sẽ ổn hơn".
"Một thực tế là nông dân chưa biết xây dựng thương hiệu cho rau, củ, quả. Thường xuyên trồng chạy theo giá, diện tích tăng, cung vượt cầu nên giá thấp", bà Hoan buồn bã nói thêm.
Phương án tránh giải cứu nông sản
UBND tỉnh Đồng Nai, các huyện cũng như sở ban ngành liên quan đã đưa ra nhiều phương án để hỗ trợ nông dân.
Trước mắt sau khi kêu gọi giải cứu bưởi, thì đến nay huyện Cẩm Mỹ đã đưa ra các phương án tập trung mời gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi đào, chú trọng đề xuất các mô hình đầu tư vào chế biến như làm nước ép bưởi, rượu bưởi...
Tiếp tục vận động người dân không mở rộng diện tích trồng bưởi; sản xuất theo quy trình và ghi chép nhật ký sản xuất để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ.
Ngoài ra để thúc đẩy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản và giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Phát (huyện Trảng Bom) đã đề nghị tỉnh Đồng Nai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chủ động tổ chức lại các HTX, tổ hợp tác làm đầu mối kết nối với doanh nghiệp, qua đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, ông Trần Lâm Sinh nói rằng Đồng Nai đã có phương án lâu dài cho sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ nuôi, trồng đến tiêu thụ.
Sau nhiều năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 16 dự án cánh đồng lớn đã được phê duyệt với tổng diện tích trên 5.000ha và kinh phí hỗ trợ dự kiến gần 70,3 tỷ đồng.
"Chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp, HTX trên địa bàn triển khai nhiều dự án xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với nhiều mặt hàng chủ lực của địa phương. Dù vậy hiện nay các chương trình vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân là do một số dự án, cánh đồng lớn cũng chưa có nhiều đơn vị tham gia.
Từ đó lượng nông sản được bao tiêu trong chuỗi liên kết còn rất khiêm tốn so với tổng sản lượng nông sản trên địa bàn tỉnh. Vì thế sắp tới trong lĩnh vực trồng trọt, Đồng Nai sẽ xác định các vùng trồng, khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất phải gắn với tiêu thụ sản phẩm", ông Trần Lâm Sinh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Phi nói: "Để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án cánh đồng lớn, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đồng Nai tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước; chú trọng thu hút đầu tư trong lĩnh vực sơ chế, chế biến; hỗ trợ làm chứng nhận GAP; xây dựng thương hiệu hàng hóa... để nông sản không chỉ đáp ứng tốt ở thị trường nội địa mà còn đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất. Tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay".
Theo Nha Mẫn/danviet.vn
https://danviet.vn/khong-the-cho-giai-cuu-nong-san-lanh-dao-tinh-dong-nai-hop-tim-dau-ra-on-dinh-20210317174833312.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã