Học tập đạo đức HCM

5 năm tài cơ cấu ngành Nông nghiệp: Kỳ tích gọi tên cây Lúa, quả Chanh

Thứ ba - 23/03/2021 03:15
“Nhìn lại 5 năm nhiệm kỳ vừa qua (2016-2020), có thể nói ngành trồng trọt đã lập được kỳ tích sau khi triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hàng loạt kỳ tích đã đạt được dành cho lúa gạo, cà phê, rau củ, nhất là mảng chế biến nông sản.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong nội ngành trồng trọt đã có thay đổi và chuyển biến nhanh chóng khi sản xuất lúa gạo được mùa được giá nhất từ trước đến nay, xuất khẩu và chế biến rau quả đạt kim ngạch tới 4 tỉ USD/năm, cà phê cũng đang "lột xác" nhờ chương trình tái canh bền vững hợp lý… Có được những thành tựu này là do tập thể lãnh đạo Bộ, cá nhân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo, điều hành thông suốt, quyết liệt tới toàn ngành nông nghiệp cả nước.

Thưa Thứ trưởng, là một trong những lĩnh vực được đánh giá chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng theo đánh giá, ngành trồng trọt đã thực hiện quá trình chuyển dịch, tái cơ cấu thành công, nhất là trong một số ngành hàng như lúa gạo, cà phê. Thứ trưởng có nhận định gì về quá trình chuyển dịch của ngành trồng trọt trong những năm qua?

- Phải khẳng định, những năm qua, Bộ NNPTNT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện rất có hiệu quả chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có cơ cấu lại từng ngành hàng, lĩnh vực theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng với nhu cầu của thị trường.

Kết quả trong 5 năm vừa qua đã chứng minh cho những giải pháp mang tính đồng bộ và rất cụ thể mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang triển khai.

Các bạn cũng có thể thấy rất rõ, giai đoạn 5 năm vừa qua, ngành nông nghiệp đối mặt với những thách thức, khó khăn chưa từng có, thậm chí chưa từng có tiền lệ. Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, biến động của kinh tế thế giới khiến năm 2016 ngành nông nghiệp lần đầu tiên có tăng trưởng âm. Tôi nhớ năm đó, hạn mặn lịch sử trong vụ đông xuân 2015 – 2016 ở Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến chúng ta mất 1 triệu tấn thóc. Hay vụ đông xuân 2019 – 2020, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, thậm chí còn vượt cả kỷ lục của vụ đông xuân 2015 – 2016.

Trong khi đó, dịch bệnh cả trên cây trồng, vật nuôi , dịch bệnh trên người cũng ngày càng diễn biến khó lường. Chỉ trong mấy năm trở lại đây, ngành nông nghiệp phải ứng phó với nhiều loại dịch bệnh mới như: Dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu… Dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn.

Nhưng chính trong khó khăn đó, ngành trồng trọt đã nỗ lực vươn lên, thực hiện tái cơ cấu thành công từ chính kinh nghiệm của những tổn thương do biến đổi khí hậu, dịch bệnh gây ra cho sản xuất.

Đến nay, ngành trồng trọt đã xác định được các cây trồng lợi thế chủ lực, phù hợp với các vùng miền, đã có những ngành hàng dẫn đầu thế giới về thị trường, thương mại như lúa gạo, cà phê, tiêu, trái cây...

Từ một ngành được đánh giá gặp nhiều bất lợi, khó khăn trong quá trình cơ cấu lại nhưng vài năm trở lại đây, ngành lúa gạo đã cho thấy một sức bật vô cùng ấn tượng, thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng nâng cao, điển hình là giống lúa ST25 đã đạt giải hạt gạo ngon nhất thế giới, nhiều giống lúa chất lượng khác cũng đang được đưa vào sản xuất. Theo Thứ trưởng đâu là nguyên nhân của thành công này?

- Theo đánh giá, ngành lúa gạo đã thực hiện tái cơ cấu đúng hướng và rất thành công dù những năm qua, diện tích lúa đã giảm để nhường chỗ cho các ngành kinh tế khác. 

Có thể thấy rất rõ là những năm qua, chất lượng, năng suất lúa đã có sự nhảy vọt, bình quân trên 6 tấn/ha. Điều đáng nói là năng suất này phủ đồng đều trên diện tích 7,7 triệu hecta gieo cấy lúa. Nghĩa là, khoa học kỹ thuật, chất lượng giống lúa đã giúp chúng ta lấp được các vùng trũng về năng suất. Chất lượng lúa gạo Việt Nam ngày càng được khẳng định, khi tỷ lệ giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đã chiếm đến 80%, có những địa phương chiếm đến 100%.

Nhưmg theo tôi, thành quả quan trọng nhất của ngành hàng lúa gạo trong những năm qua là đã tìm ra được lời giải cho bài toán khắc chế, sống chung với hạn mặn ngày càng diễn biến phức tạp và kéo dài. Tôi cho đó là một thành công mang tính cách mạng.

Còn nhớ vụ đông xuân 2015 – 2016, khi hạn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, hàng trăm nghìn hecta lúa của vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng. Sau thiệt hại này, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã rút ra bài học kinh nghiệm, chuyển đổi cơ cấu thành công, những vùng không thể trồng lúa do tác động của hạn mặn được bà con chuyển sang trồng cây ăn trái.

Tôi nhớ khi tôi đến huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) thời điểm năm 2021 – 2016, cánh đồng lúa xơ xác vì hạn mặn, nhưng chỉ sau vài năm, đến năm 2019, khi tôi trở lại, nơi đây đã trở thành vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Hay vụ đông xuân 2019 – 2020, xâm nhập mặn được dự báo còn khốc liệt hơn rất nhiều so với năm 2015 – 2016, dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm chúng ta phải tạm dừng xuất khẩu gạo để đánh giá lại sản lượng gạo trong nước có đảm bảo an ninh lương thực không. 

Lúc đó, thay mặt Bộ NNPTNT, tôi đã báo cáo với Chính phủ ngành nông nghiệp vẫn đang sản xuất tốt, đảm bảo đủ sản lượng khoảng 43 triệu tấn lương thực, đảm bảo cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Kết quả, năm 2020, xuất khẩu gạo đã đạt con số kỷ lục, 3,1 tỷ USD, giá gạo Việt Nam cao nhất nhì thế giới.

Những thiệt hại do xâm nhập mặn đã được giảm đáng kể nhờ ngành nông nghiệp đã chủ động đẩy sớm lịch xuống giống, "né mặn" thành công, người dân chủ động tích trữ nước. Nếu như vụ đông xuân 2019 – 2020 vẫn còn một số diện tích nhỏ bị thiệt hại thì bước sang vụ đông xuân 2020 – 2021 những thiệt hại này không còn.

Ngoài lúa gạo, theo Thứ trưởng ngành hàng nào trong lĩnh vực trồng trọt cũng đã thực hiện tái cơ cấu thành công, tạo dấu ấn đáng kể trong bức tranh ngành nông nghiệp?

 - Tôi cho đó là ngành hàng cà phê và trái cây. Hiện, diện tích cà phê của cả nước đạt 670.000ha, năng suất bình quân 2,8 tấn/ha, cao nhất thế giới. 

Có được kết quả đó là nhờ những năm qua chúng ta đã thực hiện chương trình tái canh cà phê vô cùng hiệu quả bằng những bộ giống cà phê của Việt Nam. 

Mục tiêu đặt ra của chương trình đến năm 2020 là tái canh được 120.000ha nhưng đến nay đã tái canh được 150.000ha. Điều đáng ghi nhận là tái canh nhưng năng suất cà phê không bị ảnh hưởng, thậm chí còn tăng.

Nói thì dễ nhưng thực sự tái canh cà phê không phải là việc làm đơn giản. Phần lớn diện tích cà phê của các địa phương trọng điểm đã già cỗi, mắc nhiều bệnh nên khi khép tỷ lệ chết cao. Sau đó, Bộ NNPTNT đặt hàng các nhà khoa học xây dựng quy trình tái canh phù hợp, nhờ đó chúng ta đã làm chủ gói kỹ thuật ghép cải tạo, giúp nâng cao chất lượng cà phê, cải thiện năng suất.

Đối với ngành hàng rau quả, nếu như năm 2012 mới xuất khẩu được 1 tỷ USD thì năm 2020 đã đạt gần 4 tỷ USD. Điểm nhấn của ngành hàng rau quả không chỉ là ngày càng có nhiều loại trái cây của Việt Nam được thị trường thế giới ưa chuộng mà còn nở rộ các dự án chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Một điểm nhấn ấn tượng của ngành nông nghiệp nói chung ngành trồng trọt nói riêng là phát triển các nhà máy chế biến. Thứ trưởng nhận định như thế nào về hiện tượng này?

- Đó là một xu thế tất yếu, bởi chế biến sâu sẽ tạo thêm được thị trường. Trong nhiệm kỳ vừa qua, một trong những điều mà ngành nông nghiệp làm được đó chính là phát triển các nhà máy chế biến nông sản. 

Bộ NNPTNT mà đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã phối hợp cùng các địa phương tạo động lực cho các doanh nghiệp tìm về nông nghiệp đầu tư các dự án chế biến sâu. 

Chỉ tính riêng trong năm 2020, ngành nông nghiệp có 16 dự án chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản được triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng. Tính chung, trong 4 năm qua đã có 67 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực này được đưa vào hoạt động. 

Ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2030, sản phẩm nông nghiệp chế biến chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành và dần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có sản phẩm nông nghiệp được chế biến chiếm tỷ trọng lớn.

Những năm qua, tỷ lệ chế biến sâu của ngành hàng cà phê, cây ăn quả tăng nhanh, tạo ra được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đối với ngành hàng lúa gạo, có được kết quả ấn tượng như những năm qua chính nhờ coi trọng công tác chế biến.

Trước đây, cứ nói đến trồng lúa là nghèo, là đói, có lúc chúng ta chỉ mong cho nông dân trồng lúa có lời tối thiểu 30%. Song theo khảo sát của PV Báo NTNN/Dân Việt, thời điểm này giá lúa tươi đang được thu mua tại ruộng có giá dao động từ 6.000-7.000 đồng/kg giúp nông dân có lời lớn. Nguyên nhân căn bản của sự thay đổi ở đây là gì, thưa ông?

 - Tôi đánh giá kết quả này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và việc đạt được không hề đơn giản. Ngành trồng trọt có đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp, GDP xấp xỉ 50%, xuất khẩu cũng chiếm 50% về kim ngạch của ngành. 

Trong khi đó, ngành này gắn bó với 100% hộ nông dân, việc sản xuất trải rộng trong không gian lớn nên chịu nhiều tác động ngoại cảnh. Trong khi đó, quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, hộ gia đình, do vậy việc đạt được những thành tích trên là một kỳ tích.

Đơn cử như ngành hàng lúa gạo, đây là ngành hàng quan trọng vì phải gánh trên vai trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân trong khi diện tích đất sản xuất có xu hướng thu hẹp.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã có tổng kết và ra kết luận mới về đảm bảo 3,5 triệu hecta lúa. Tôi cho rằng, việc sử dụng đất lúa phải áp dụng mềm dẻo bởi với thế giới, vai trò của hạt gạo Việt rất quan trọng.

Trong khi đó, với vùng ĐBSCL lúa gạo vẫn là lợi thế, theo tính toán với năng suất khoảng 7 triệu tấn/ha, người dân có thể thu về từ 65-70 triệu đồng/ha, trong khi đó chi phí chỉ khoảng 16-17 triệu đồng/ha, tức có lời tới 70%, tương đương khoảng 50 triệu đồng/ha, là mức lợi nhuận cao nhất đối với ngành trồng lúa từ trước đến nay.

 Có được kết quả này là do chúng ta đã có quá trình dài đầu tư căn cơ cho hệ thống hạ tầng thủy lợi, các tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu mùa vụ, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu hay nói đúng hơn là phải "thuận thiên"…

Trong 5 năm qua, dấu ấn chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ NNPTNT, cá nhân đồng chí Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường được thể hiện rất rõ ở những giải pháp vô cùng linh hoạt, sát và trúng. Theo Thứ trưởng, đâu là bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác chỉ đạo điều hành?

 - Theo tôi, đã đưa ra hướng chỉ đạo, điều hành là phải sát, trúng và  nắm chắc phần thắng, có như thế, các địa phương, doanh nghiệp mới đồng lòng nhất trí.

Để có được kết quả trong hoạt động điều hành, với riêng ngành trồng trọt, cụ thể như cá nhân tôi được giao phụ trách lĩnh vực này, tôi đã khâu nối được 3 đơn vị là: Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật cùng phối hợp để đưa ra những giải pháp thực hiện hiệu quả. 

Ví dụ, với công tác ứng phó với hạn mặn, dựa trên dự báo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ NNPTNT thành lập tổ công tác, chủ trì là Cục Trồng trọt đi từng địa phương, xác định rõ nguy cơ sau đó đưa ra thời điểm xuống giống cho từng vùng.

Bằng sự tìm hiểu, phân tích cơ sở khoa học, chúng ta đã làm chủ được mùa vụ, từ năm 2015 đến nay không có sơ suất gì. Nếu không bám cơ sở, chỉ đạo sát chúng ta không thể có được kết quả đó.

Tôi chỉ lấy ví dụ thế này để thấy, Chính phủ, Bộ NNPTNT đã quyết liệt thế nào trong công tác chỉ đạo. Riêng sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL ứng phó với hạn mặn tổ chức đến 3 hội nghị, quyết định thời vụ, giống cho từng vùng, bản đồ hạn mặn cũng được xây dựng để các địa phương có căn cứ.

Theo đó, từ vụ đông xuân 2019 – 2020, các địa phương ĐBSCL chủ động xuống giống sớm 400.000ha để né mặn, bà con chủ động tích nước, khi mặn vào thì cơ bản đã thu hoạch xong. Xuống giống sớm nên đảm bảo nguồn cung cho thị trường, nhờ đó 2 năm trở lại đây, giá lúa vụ đông xuân rất cao, năm nay đạt kỷ lục, trung bình 7.000 đồng/kg.

Quan điểm của Bộ là chỉ đạo chắc từng vụ, từng vùng. Năm 2020, vụ đông xuân ở miền Bắc chưa bao giờ gặp phải hình thái thời tiết đỏng đảnh đến thế.  Tháng tư còn không khí lạnh, tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn bùng phát, trong khi lệnh phong tỏa, giãn cách do dịch Covid-19 khiến lãnh đạo Bộ không thể trực tiếp đến địa phương chỉ đạo, điều hành. 

Ngay lập tức, Bộ triển khai hội nghị trực tuyến, trong bối cảnh dịch bệnh như thế mà chưa hội nghị nào có đến 27/31 lãnh đạo tỉnh, thành phố của miền Bắc tham dự, bởi nếu sơ sẩy thì miền Bắc mất khá nhiều diện tích lúa do bệnh đạo ôn, cuối cùng nhờ chỉ đạo sát, địa phương vào cuộc nên vụ đông xuân ở miền Bắc được mùa. 

Tỉnh Hà Tĩnh, năm 2017 bệnh đạo ôn hoành hành, hàng nghìn hecta lúa bị ảnh hưởng, rút kinh nghiệm cho năm 2020, cả hệ thống chính trị vào cuộc nên thắng lớn.

Do vậy, tôi cho rằng, với nông nghiệp thì chỉ đạo phải rất sâu sát, phân tích trên cơ sở khoa học, lập phương trình nhiều biến để có chỉ đạo thường xuyên, kịp thời.

Với cá nhân đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tôi đánh giá, Bộ trưởng là người có những chỉ đạo rất sâu sát với toàn ngành nông nghiệp, chứ không phải chỉ là chỉ đạo riêng trong Bộ NNPTNT.

Qua đó, cả hệ thống ngành nông nghiệp đã cùng vào cuộc triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huy động nguồn lực toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản.

Qua đánh giá kết quả 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong thời kỳ vừa qua cho thấy, vai trò của các lãnh đạo địa phương là rất quan trọng. Trên thực tế, lãnh đạo địa phương nào quyết liệt, sâu sát với ngành nông nghiệp, thì ít để xảy ra tình trạng nông dân lao đao vì mất mùa, mất giá. Ông đánh giá như thế nào về vai trò chỉ đạo, điều hành của các đồng chí lãnh đạo là Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp?

 - Đúng là như vậy. Tại sao chỉ sau vài năm Sơn La vụt sáng, trở thành vựa trái cây của miền Bắc, được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường coi là một "hiện tượng" trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. 

Đó là nhờ lãnh đạo tỉnh không ngại lăn xả với nông dân, cầu thị trong việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng cho họ, tôi rất ấn tượng với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Công Chất, đó là một người rất sâu sát thực tế và có những chỉ đạo đột phá nhằm làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp của Sơn La, để mọi người biết đến Sơn La không chỉ có củ sắn, bắp ngô mà còn có trái cây, quả chanh xuất khẩu.

Tôi được biết, hàng năm Sơn La đều tổng kết các mô hình hợp tác xã điển hình, nông dân sản xuất giỏi, tôn vinh hàng nghìn người, từ đó tạo động lực, cảm hứng cho người dân nỗ lực phát triển sản xuất.

Hay như Gia Lai, để tạo sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi liên kết, họ có chủ trương trong hợp tác xã phải có một thành viên là người của doanh nghiệp để biết doanh nghiệp làm gì, cần gì để sản xuất cho đúng.

Sự bài bản của những địa phương này đã góp phần thu hút được nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp, trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình của Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco). 

Họ đã lựa chọn đối tượng đúng, phát triển đồng bộ từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến, cộng với công nghệ quản trị tốt nên đã xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường khó tính.

Hiện trung bình, cứ mỗi năm Doveco khởi công xây dựng thêm được 1 nhà máy chế biến rau quả. Vì thế, mặc dù dịch Covid-19 vẫn hoành hành nhưng trong năm 2020, Doveco đã đạt doanh thu kỷ lục tới 1.950 tỷ đồng, hiện nay nhiều mặt hàng của họ đã được các bạn hàng đặt hết, còn không cung cấp đủ cho các đơn hàng xuất khẩu.

Đầu tư vào chế biến nông sản đã khó, nhưng có đủ nguyên liệu để đáp ứng cho xuất khẩu nông sản còn khó hơn. Trên thực tế, nhiều nhà máy chế biến nông sản sau khi khánh thành rơi vào tình trạng "đói" nguyên liệu chế biến. Vấn đề này cần được giải quyết ra sao, thưa ông?

- Trong những năm qua, chúng ta đã rất thành công trong việc kêu gọi và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các nhà máy chế biến nông sản với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đúng là vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến.

Để làm được điều này, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự liên kết, tiếp cận vùng nguyên liệu trước và trong khi xây dựng các nhà máy chế biến. 

Tôi thấy, cách làm của Doveco rất hay và điển hình, như tại Gia Lai, để có chanh leo chế biến, họ đã liên kết với 20-30 hợp tác xã trong vùng, tại các HTX đều có đại diện của doanh nghiệp tham gia, để từ đó họ định hướng cho HTX sản xuất như thế nào, số lượng bao nhiêu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Vì thế, chỉ riêng ở Gia Lai hiện mỗi ngày Doveco bỏ ra tới 4 tỉ đồng để thu mua nguyên liệu cho bà con nông dân. Tôi cho rằng đây là mô hình rất điển hình, cần được áp dụng rộng hơn.

Tới đây, tôi cũng đang có dự kiến sẽ làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La để nắm bắt việc triển khai xây dựng vùng nguyên liệu rau quả đến đâu, bởi chỉ riêng tại Sơn La hiện đã có 2 nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn của Doveco và Tập đoàn TH. Sơn La được kỳ vọng sẽ là thủ phủ trái cây của miền Bắc trong tương lai với kim ngạch xuất khẩu kỳ vọng đạt 1 tỷ USD/năm.

Ngành nông nghiệp đang bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu sắc, theo Thứ trưởng, trong giai đoạn tới, đâu là ưu tiên của ngành?

 Tôi đánh giá, chỉ cần mấy năm nữa bức tranh của ngành nông nghiệp sẽ khác, hiện chúng ta đã định được hình hài, giờ là giai đoạn hoàn thiện, phát triển lên tầm cao mới.

Các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết sẽ tạo cơ hội cho nông sản Việt mở rộng thị trường, quan trọng là phải đẩy mạnh chế biến sâu. Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng đề án phát triển chế biến cây ăn quả, hy vọng sẽ tạo được bước ngoặt lớn.

Hướng tới, ngành trồng trọt không nên chạy theo quy mô diện tích, bởi lợi thế đã bày rõ, nhưng cần thực hiện tái cơ cấu theo 2 trụ cột: đẩy mạnh khoa học công nghệ và tái cơ cấu nội ngành; không tập trung vào nâng cao năng suất vì dư địa không còn nhiều mà đẩy mạnh chế biến sâu để mở rộng thị trường.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, bởi hiện tại vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón lãng phí, bón nhiều hơn nhu cầu, lượng giống gieo sạ còn lớn. Từ đó, phải đẩy mạnh công tác khuyến nông, triển khai các gói kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, bởi đây chính là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Danviet.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập99
  • Hôm nay36,919
  • Tháng hiện tại275,127
  • Tổng lượt truy cập92,652,791
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây