Sáng nay (23/3) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), giai đoạn 2018 - 2020.
Dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, ngoài những địa phương có chiều sâu về Chương trình OCOP như Quảng Ninh, Hà Nội thì những tỉnh ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cũng triển khai OCOP nhanh chóng, tích cực và hiệu quả. Điều đó cho thấy sự phù hợp của chương trình, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở các khu vực còn khó khăn.
Phó Thủ tướng nhớ lại, năm 2017, tại tỉnh Quảng Ninh – tỉnh phát kiến đầu tiên chương trình OCOP, ông đã cùng Bộ Trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng chủ trì Hội nghị rất quan trọng để phát triển triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Tại hội nghị này đã nhận diện chương trình OCOP là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong thúc đẩy kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Sau Hội nghị này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ NNPTNT quyết định báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai, nhân rộng chương trình OCOP ra toàn quốc.
"Đến nay Chương trình OCOP đã mang lại những kết quả rất quan trọng, mặc dù tiến độ triển khai trên cả nước còn chậm so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đã có 63/63 tỉnh, thành phố bắt tay triển khai, trong đó 59 tỉnh, thành tiến hành đánh giá xếp hạng sản phẩm" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chương trình OCOP đã góp phần thúc sản xuất, đóng góp rất lớn vào xây dựng nông thôn mới ở các khu vực còn khó khăn.
"Đã có hơn 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản phẩm OCOP, trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 59%, doanh nghiệp 27% còn lại là kinh tế tập thể, HTX. Từ đó cho thấy mục tiêu của chương trình rất đúng hướng, đây là cơ sở, thành tố kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn" - Phó Thủ tướng nói.
Đặc biệt, trong thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng những sản phẩm OCOP vẫn được cung ứng rất tốt cho thị trường với sự tăng trưởng về doanh thu, giá bán. Đây là minh chứng cho thấy tiềm năng, hiệu quả của chương trình OCOP.
Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong cả nước triển khai Chương trình OCOP. Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai thực hiện chương trình, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, để có thể triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP thì việc ban hành các văn bản, chính sách, các quy định trong chỉ đạo quản lý điều hành là việc trọng tâm, trong đó việc ban hành chu trình OCOP thường niên có vai trò hết sức quan trọng.
Chu trình OCOP gồm 6 bước: Thông tin tuyên truyền- Đề xuất ý tưởng sản phẩm - Lập kế hoạch sản xuất kinh doanh - Triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh - Thi đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp huyện và cấp tỉnh - Và hoạt động xúc tiến thương mại...
Nhờ triển khai có hiệu quả Chu trình OCOP thường niên nên Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Quảng Ninh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể.
Hà Nội là địa phương thực hiện Chương trình OCOP chậm so với cả nước nhưng đến hết năm 2020, TP đã tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 800 đến 1.000 sản phẩm.
Để đạt được những kết quả trên, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội đã phối hợp với Bộ NNPTNT, các tỉnh tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền tại các tuyến phố đi bộ của Hà Nội.
Cùng với đó, xây dựng một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang xây dựng "Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại thành phố Hà Nội".
"Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiêu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại thành phố Hà Nội sẽ là nơi tạo điều kiện phát triển, ươm mầm tài năng thiết kế sáng tạo hình ảnh, con người, sản vật của Việt Nam với Thế giới và là nơi trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP" - Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị bộ ngành, địa phương tích cực hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia Chương trình OCOP, đặc biệt là hợp tác xã và doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, khoa học công nghệ… để tạo điều kiện cho chủ thể phát triển sản phẩm OCOP…
Phó Thủ tướng đề nghị tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.
Trong quá trình triển khai, Phó Thủ tướng lưu ý, tuyệt đối không được làm theo phong trào, thậm chí xảy ra tình trạng “xuê xoa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của các sản phẩm OCOP khác.
Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), giai đoạn 2018 - 2020, Bộ NNPTNT cũng công bố Hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP Quốc gia (Website: http/ocopvietnam.gov.vn).
Theo Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2018 - 2020, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã có 59 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm (57 tỉnh đã có quyết định chính thức công nhận kết quả).
Trong đó, 2.439 chủ thể tham gia có sản phẩm được công nhận OCOP (38,3% là HTX, 27,5% là doanh nghiệp, 31,5% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác) với 4.469 sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã