Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thiện Tâm |
Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết chương trình Mỗi xã một sản phẩm- OCOP giai đoạn 2018- 2020, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội là địa phương thực hiện Chương trình OCOP chậm so với cả nước (ngày 08/7/2019, UBND Thành phố mới phê duyệt Chương trình), nhưng mục tiêu lại cao, đến hết năm 2020 tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 800 đến 1.000 sản phẩm. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị tư vấn, sự vào cuộc đồng bộ của nhân dân, đến nay Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch Thành phố giao. Trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%), của 72 Doanh nghiệp, 82 HTX và 101 Hộ sản xuất kinh doanh, giải quyết được trên 5.000 lao động khu vực nông thôn. Trong tổng số 1.054 sản phẩm OCOP được công nhận có 686 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,1%), Đồ uống 35 sản phẩm (chiếm 3,2%), Thảo dược 7 sản phẩm (chiếm 0,7%), Vải, may mặc 27 sản phẩm (chiếm 2,6%), sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí 299 sản phẩm (chiếm 28,4%).
Cùng với đó, Thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; miền Trung và Tây Nguyên; đồng bằng Nam bộ) tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Đồng thời xây dựng một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Năm 2020, thực hiện nhiệm vụ của UBND Thành phố, Sở Công Thương đã lựa chọn và khai trương đưa vào hoạt động được 14 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố. Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nêu trên đều là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên bao gồm: Sản phẩm lụa tơ tằm, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ quả an toàn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đã xây dựng dự thảo Đề án xây dựng “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiêu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại thành phố Hà Nội” phù hợp với các định hướng chỉ đạo của Trung ương và điều kiện thực tiễn của Hà Nội nhằm tạo điều kiện phát triển, ươm mầm tài năng thiết kế sáng tạo hình ảnh, con người, sản vật của Việt Nam với Thế giới. Đồng thời là nơi trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội với cả nước và bạn bè quốc tế; là nơi tổ chức các sự kiện lớn, giao lưu văn hóa vùng miền của cả nước và thế giới.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, để tạo điều kiện trong tổ chức thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đồng thời hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình đẩy mạnh xúc tiến giao thương sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025; Hà Nội đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP; quy định Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 2; quy định mức thưởng cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; quy định mức chi đối với đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia, thành viên Hội đồng, Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cơ sở đến cấp tỉnh; hỗ trợ kinh phí các điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP.
Đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó bỏ tiêu chí Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu địa phương. Theo quy định Nhóm 1 (Thực phẩm tươi sống và Thực phẩm thô, sơ chế) yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 75% trở lên; nhóm 2 (Thực phẩm chế biến (đồ ăn nhanh), gia vị, chè, cà phê, ca cao) yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 50% trở lên. Như vậy sẽ hạn chế việc liên kết giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên kết bao tiêu sản phẩm. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền tại các tuyến phố đi bộ của Hà Nội; Xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn; triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch sinh thái của Quốc gia tại Thủ đô Hà Nội”.
Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại địa phương từ ngân sách Trung ương và đại phương, cụ thể: (Hỗ trợ lắp đặt biển hiệu nhận diện, giá kệ trong cửa hàng, hỗ trợ công tác tuyên truyền, thành lập các chuỗi điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ vận hành và duy trì điểm bán.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-vuot-chi-tieu-phan-hang-san-pham-ocop
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã