Mô hình trồng chuối xen cao su hoặc trồng chuyên canh chuối trên đất cao su là một trong những cách làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả thiết thực, đang được các đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam triển khai nhân rộng.
Tại tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long đang sở hữu trang trại trồng chuối xen cao su rộng 180ha.
Ông Lê Văn Vui – Tổng Giám đốc Công ty cho biết, công ty đã thử nghiệm nhiều mô hình trồng xen khác nhau nhưng hiệu quả không cao.
Đến nay, chỉ có mô hình trồng xen canh chuối già Nam Mỹ giữa các lô cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản là hiệu quả nhất.
Ngay trong quy trình canh tác cũng có sự thay đổi. Lúc đầu công ty khoan giếng để lấy nước tưới. Để tiết kiệm nước tưới trên diện tích lớn, công ty chuyển sang sử dụng nước từ hồ thủy lợi đưa về.
Sau đó, nước tưới và phân phân bón được đưa đến từng gốc chuối thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Sau 1 năm, ông Vui đánh giá, mô hình trồng chuối xen cao su vừa tạo giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích đất vừa giúp cao su trồng xen phát triển tốt hơn trồng cao su đơn thuần.
Theo đó, một hàng chuối sẽ được trồng xen với một hàng cao su, giúp tiết giảm nhân công chăm sóc cao su.
Nhờ "hưởng ké" nguồn nước và phân bón cho cây chuối, cây cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản (6 năm tuổi trở lại) sẽ phát triển tốt hơn.
"Bằng chứng là cây cao su trồng xen năm vừa qua có tốc độ tăng vanh (tăng chu vi thân cây) lên 1cm nhanh hơn so với vườn cao su trồng chuyên canh", ông Vui nói.
Với sản phẩm từ chuối, công ty hợp đồng liên kết tiêu thụ với một công ty khác để xuất khẩu chuối sang thị trường Hàn Quốc. Công ty liên kết sẽ chịu trách nhiệm phân phối, tiêu thụ. Còn Công ty cao su Bình Long đầu tư vốn, phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu theo giá cả và tiêu chuẩn chất lượng định sẵn.
Ông Vui nhẩm tính, mô hình trồng chuối xen cao su đem lại lợi nhuận từ 3,5-4 triệu đồng/ha. Nếu trồng tốt có thể đạt 5 triệu đồng/ha. Còn nếu trồng chuối đông đặc (chuyên canh), lợi nhuận cố định hàng năm khoảng 40 triệu/ha.
Với khoản đầu tư cho vườn cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản hơn 50 triệu đồng/ha, thì nguồn lợi từ mô hình xen canh là nguồn đầu tư trở lại cho vườn cây cao su.
Định hướng trong 10 năm tới, Công ty cao su Bình Long đặt kế hoạch phát triển diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 1.000-2.000ha.
Trước mắt (giai đoạn 2020-2025), công ty sẽ phát triển khoảng 500ha diện tích trồng chuối, kể cả trồng xen canh lẫn trồng đông đặc.
Cũng chuyển đổi theo hướng làm nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích đất cao su, công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng ở Bình Dương thì trồng chuối cấy mô theo hướng chuyên canh.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, nếu chỉ có một đơn vị sẽ không đủ năng lực, nhân lực để thực hiện cả chuỗi cung ứng.
Vì thế, Công ty cao su Dầu Tiếng chọn hợp tác với Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm) để phát triển sản phẩm chuối cấy mô xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia.
Theo ông Việt, năng suất mủ cao su của Việt Nam đã thuộc top cao nhất thế giới, ở mức 2 tấn/ha.
Có nhiều năm, lợi nhuận mỗi tấn mủ cao su mang lại chỉ khoảng 1 triệu đồng. Nghĩa là, cả một ha đất rộng lớn, lợi nhuận mang lại cả năm chỉ khoảng 2 triệu đồng.
"Chuyển sang trồng chuối, Công ty cao su Dầu Tiếng kỳ vọng đạt được mức lợi nhuận cao hơn nữa trên mỗi ha đất. Thực tế, 50-60 triệu đồng/ha/năm là mức lợi nhuận mà công ty đã đạt được", ông Việt cho biết.
Năm 2016, dự án trồng chuối cấy mô của Công ty cao su Dầu Tiếng bắt đầu chỉ với 117ha. Hiện công ty đang dự kiến phát triển dự án trồng chuối cấy mô này lên hơn 1.330ha.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam, những năm gần đây, giá mủ cao su giảm dẫn đến lợi nhuận chưa đạt như kỳ vọng. Diện tích đất nông nghiệp cũng bị thu hẹp do áp lực đô thị hóa, công nghiệp hóa. Ngoài ra còn có tình trạng thiếu hụt lao động thủ công…
Những khó khăn trên đòi hỏi Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải có phương thức sản xuất thích ứng và ưu việt hơn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng phù hợp.
Từ năm 2016, Tập đoàn VRG đã khuyến khích và tạo hành lang cho một số công ty thành viên triển khai thí điểm mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Các đối tượng cây trồng trên đất cao su rất đa dạng từ chuối, sachi, dưa lưới, bưởi da xanh, đến các loại cây có múi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cây chuối vẫn là cây chủ lực với 40 ha (chiếm gần 83%); và mít là 83ha (chiếm hơn 17%).
Theo Nguyên Vỹ/danviet.vn
https://danviet.vn/la-ma-hay-trong-chuoi-gia-nam-my-xen-cay-vang-trang-cao-su-nhanh-lon-chuoi-ra-toan-qua-dep-20210322161600741.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã