Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới triển khai các nhiệm vụ đề ra, Hội Làm vườn Bắc Quang (Hà Giang) đã vừa đẩy mạnh tuyên truyền hội viên phòng chống dịch, vừa triển khai phong trào sản xuất VAC giỏi kết hợp bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.
Năng động, sáng tạo
Là huyện phía Nam của tỉnh Hà Giang, Bắc Quang có điều kiện thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp, nhất là mô hình kinh tế VAVR.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nông dân nói chung, hội viên Hội Làm vườn nói riêng, bị ảnh hưởng khá nhiều. Tuy nhiên, Hội Làm vườn Bắc Quang đã chủ động hướng dẫn các cơ sở Hội, hội viên phát huy tính năng động, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, nội lực trong sản xuất, kinh doanh, nhờ đó, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại VAC-R mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đỗ Văn Hiển (thôn Vĩnh Ban), hội viên Hội Làm vườn xã Vĩnh Phúc, cho biết, với 2ha cam Vinh, kết hợp nuôi lợn, năm 2020, gia đình thu lãi trên 800 triệụ đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hiển còn hỗ trợ 800 cây giống cam Vinh, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho 4 hộ trong thôn. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ hai hội viên vay vốn không tính lãi trong hai năm với số tiền 30 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế.
Là hội viên tiêu biểu, ông Cam Thanh Huynh (dân tộc Tày, thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành) làm giàu từ mô hình VAR. Với 10ha cam sành, 5 ha keo lai, 0,5 ha ao nuôi cá, trừ chi phí, mỗi năm ông có thu trên 3 tỷ đồng. Năm 2018, ông được đi dự Hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Hay ông Sùng Diu Sì (dân tộc Mông, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc), với mô hình trồng cam sành, nhãn lồng kết hợp nuôi cá, hàng năm thu nhập trên 1,4 tỷ đồng, trong đó từ nhãn lồng 300 triệu đồng.
Ông Sì đã giúp trên 20 hộ hơn 1.000 cành giống, cây giống trị giá 13 triệu đồng và tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Đặc biệt, đình gia đình ông đã tạo việc làm ổn định cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 30 triệu đồng/người/năm; thời điểm vụ mùa, tạo việc làm cho 30 lao động. Năm 2018, ông Sùng Diu Sì vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Làm vườn gắn với xóa đói giảm nghèo
Theo ông Đặng Tiến Cường, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp huyện Bắc Quang, phong trào làm kinh tế VAC được gắn với nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát huy được tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau thoát nghèo, làm giàu.
Từ phong trào làm kinh tế VAC, Bắc Quang đã xuất hiện nhiều hộ làm ăn giỏi, biết khai thác tiềm năng đất đai, sức lao động, sử dụng đồng vốn hiệu quả, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao mức sống của người nông dân.
Thông qua phong trào thi đua, nhiều gia đình hội viên Hội Làm vườn làm kinh tế VAC trở thành mô hình điển hình để cho bà con đến tham quan học tập và làm theo, giúp cho nhiều người có định hướng làm giàu.
Giới thiệu với chúng tôi về diện tích cam sành của gia đình mới được trồng mới, ông Phạm Quang Lân, Chi hội trưởng Hội Làm vườn xã Vĩnh Hảo, cho biết, gia đình trồng trên 30ha cam, sản lượng hàng năm đạt trên 200 tấn, thu nhập gần 3 tỷ đồng/năm.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Làm vườn xã Vĩnh Hảo, ông đã vận động hội viên tuân thủ 5K trong phòng chống dịch Covid-19, tham gia ủng hộ Quỹ vắc – xin phòng, chống Covid-19…; phát huy tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, chủ động liên kết với 7 đầu mối ở ngoài tỉnh tiêu thụ cam cho nhà vườn...
Ông Lân cho biết thêm, tất cả hội viên của Chi hội Làm vườn đều có thu nhập cao từ VAC, trong đó, phải kể đến mô hình kinh tế của hội viên Lã Văn Bắc. Tuy gia nhập Hội muộn hơn hội viên khác, nhưng nhờ cần cù, chịu khó, ông Bắc đã trồng được 10ha cam sành, 2ha cam Vinh, 4ha cam đường Canh theo quy trình VietGAP, thu nhập có năm đạt trên 4 tỷ đồng.
Dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng hội viên Hội Làm vườn huyện Bắc Quang không ngừng nỗ lực vươn lên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế theo mô hình VAC-R. Từ phong trào này, nhiều gia đình hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đến nay, toàn huyện có trên 5.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương 30 hộ, cấp tỉnh 342 hộ, cấp huyện 403 hộ, cấp cơ sở 4.230 hộ.
Trên 200 lượt hộ nghèo được các hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ bằng các hình thức: chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cho vay vốn không tính lãi để nuôi trâu, bò sinh sản, giúp giống cây trồng..., nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định, góp phần thiết thực vào công tác xoá đói giảm nghèo của huyện Bắc Quang.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Theo Chí Cường - Hữu Thắng/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/hoi-lam-vuon-huyen-bac-quang-xay-dung-nhieu-mo-hinh-kinh-te-vac-hieu-qua-post44654.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã