Liên quan đến vấn đề "Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới", vừa qua UBND TP.HCM đã có chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện cần xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn.
Hoang sơ "mỏ vàng"
Đề án khuyến khích hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch nêu nhiều giải pháp thực hiện, như: Cung cấp thông tin các văn bản quy định của Nhà nước; các quy chuẩn về du lịch; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người dân tham gia làm du lịch; hỗ trợ hình thành sản phẩm du lịch, kết nối thị trường, quảng bá tiếp thị…
TP.HCM có 5 huyện ngoại thành là Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đang cùng phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, như: Nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề truyền thống, vườn sinh thái, vườn trái cây, làng hoa…
Hàng năm, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến thành phố khá lớn nên có thể khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, đó cũng là định hướng phát triển du lịch nông nghiệp hiện tại và trong thời gian tới.
Với tốc độ tăng trưởng mỗi năm đều ở mức 20 - 30%, xu hướng dịch chuyển của khách du lịch hiện tại và thời gian tới thích gắn với cộng đồng, với nông thôn để trải nghiệm thiên nhiên. Theo Sở Du lịch TP.HCM, năm 2018, có hơn 500.000 lượt khách tham quan các điểm du lịch nông nghiệp ở thành phố.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, từ trung tâm thành phố đến các điểm du lịch nông nghiệp rất thuận lợi về giao thông, cả đường bộ lẫn đường sông. Bên cạnh đó, các điểm du lịch đều có không gian rộng lớn, nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú… phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch.
Bà Hoa cho rằng, nông nghiệp có thể nói là "mảnh đất vàng" để khai thác sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, mặc dù tại 5 huyện của thành phố đang có những điểm du lịch sinh thái, nhà vườn rất tốt, nhưng du lịch miệt vườn còn khá manh mún, tự phát và chưa được liên kết nên thiếu hiệu quả kinh tế. Hiện nay, các điểm du lịch nông nghiệp của TP.HCM chủ yếu dựa trên sản xuất là chính chứ chưa đầu tư tương xứng với tiềm năng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Nhà vườn, làng nghề còn phân bố nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết. Nông dân còn yếu kiến thức, kỹ năng trong việc phát triển du lịch. Tại các điểm tham quan chưa có nhà ăn, vui chơi giải trí, mua sắm, hệ thống nhà vệ sinh... để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền - Giám đốc HTX Hoa lan Huyền Thoại (Củ Chi) cho biết, mặc dù đã có 3 năm làm du lịch nhà vườn, nhưng điểm du lịch sinh thái này vẫn chưa hoạt động thành công. HTX đã kêu gọi hỗ trợ đầu tư khu tham quan nhưng không có công ty du lịch nào phối hợp, địa phương cũng không hỗ trợ đất để mở rộng.
Tạo kỹ năng khai thác "mỏ vàng"
Hiện, có nhiều chương trình du lịch sinh thái, nông nghiệp ở TP.HCM, như: Một ngày làm nông dân, màu xanh trên vùng đất thép; trải nghiệm sông nước; Sài Gòn bức họa đồng quê; nét văn hóa xưa của Sài Gòn tại các làng nghề truyền thống kết hợp với trải nghiệm sinh hoạt nông nghiệp, nông thôn; trang trại Nông trang xanh; khu sinh thái giáo dục về quê; nông trại Hoa Lúa…
Để khai thác "mỏ vàng" du lịch nông thôn, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn Thanh Xuân cho biết, Hội Nông dân thành phố sẽ triển khai Đề án gắn nông dân với hoạt động du lịch. Nông dân sẽ được trang bị các kỹ năng, kiến thức về du lịch, ý tưởng làm du lịch, sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch…, và ứng dụng phần mềm thông minh để quảng bá điểm du lịch.
Ban đầu, đối tượng chính sẽ là chủ trang trại làm du lịch, lãnh đạo HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp… Đây là những người hiểu và đã có kinh nghiệp làm ăn. "Hội sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ nông dân làm du lịch bằng kỹ năng, kiến thức và đồng vốn" - bà Xuân chia sẻ.
Trong khi đó, UBND TP.HCM cũng đã ban hành Đề án khuyến khích hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch trên địa bàn giai đoạn 2019-2020; trong đó, xác định tập trung vào các đối tượng, như: Người trực tiếp tham gia hoạt động du lịch; người dân ở các khu vực sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch; người dân ở các làng nghề, các khu, điểm du lịch cộng đồng...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã