Học tập đạo đức HCM

Lào Cai: Vì sao trời chưa sáng, đồng bào Bản Liền đã tất bật rủ nhau lên núi hái chè cổ thụ?

Thứ hai - 29/03/2021 02:53
Khi hoa mận, hoa lê đã tàn, cây nảy lộc, những cơn mưa xuân đã dày hơn thấm vào đất để đồng bào lên nương làm rẫy trồng ngô, xuống ruộng cấy lúa, cũng là lúc đồng bào Tày ở xã Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) tất bật rủ nhau lên núi hái chè xuân.

Nhiều năm nay, những cây chè Shan tuyết cổ thụ đã trở thành niềm tự hào của người Tày Bản Liền, cũng là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Lào Cai...

Nằm cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30km, xã Bản Liền có khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai thích hợp để trồng chè. Những người già nhất ở Bản Liền cũng không nhớ nổi đồi chè cổ thụ có từ bao giờ. Chỉ biết khi lớn lên đã thấy những cây chè Shan tuyết cao quá đầu người, nhiều cây ôm cả một vòng tay không hết.

Niềm tự hào của người Tày ở Bản Liền

Nâng tầm giá trị chè đặc sản Bản Liền - Ảnh 1.

Nông dân xã Bản Liền vào mùa thu hoạch chè xuân. Ảnh: T.X.C

Ông Phạm Quang Thận - Giám đốc HTX Chè hữu cơ Bản Liền cho biết: "Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm HTX thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi của xã viên, sau đó chế biến thành các sản phẩm: Hồng trà, trà sấy, trà đen, trà trắng, trà bánh… Sản lượng trà khô xuất khẩu mỗi năm đạt khoảng 100 tấn.

Đặc biệt, hiện duy nhất sản phẩm trà bánh của Bản Liền có thể xuất khẩu sang châu Âu để sử dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm".

Ông Vàng A Sự - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết, cây chè cổ thụ nằm rải rác ở các thôn Đội 1, 2, 3, 4 trong vùng chè, với diện tích trên 500ha. 

Chè ngon nhất là hái vào vụ xuân, khi đã tích đủ tinh khí đất trời, mồ hôi, nước mắt, tình người vùng cao. Chè Shan tuyết ngon phải được hái lúc còn đẫm sương đêm, vì đây là thời điểm hương vị chè được tích tụ cao nhất.

Chính vì vậy, giá chè vụ xuân cũng luôn cao hơn các vụ còn lại, thường được người tiêu dùng trong nước đặt hàng trước. Trung bình giá chè xuân loại thường có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, chè búp từ 200.000 - 300.000 đồng/kg.

Toàn xã Bản Liền có 7 thôn với 486 hộ dân, thì có đến 310 hộ tham gia liên kết sản xuất cùng HTX Chè hữu cơ Bản Liền. Đến nay, Bản Liền có khoảng hơn 500ha chè Shan tuyết, trong đó hơn 400ha được công nhận đạt tiêu chuẩn chè hữu cơ. Nhờ lợi thế độ cao và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, chè Shan tuyết ở đây có chất lượng cao, khi pha chè có màu nước xanh, vị ngọt hậu và hương thơm tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Năm 2020, sản lượng chè búp tươi toàn xã đạt 2.300 tấn, tăng 595 tấn so với năm trước, chế biến chè búp khô được 230 tấn.

Theo ông Sự, trước đây người Tày ở đây chưa biết quý cây chè, cứ để mặc cây tự lớn với nắng mưa, sương gió, chủ yếu hái về rồi sao lên để gia đình uống. Nhưng bây giờ thì khác, từ ngày trồng chè Shan tuyết hữu cơ, HTX chè Bản Liền được thành lập và hoạt động hiệu quả từ năm 2004 đến nay, nhà nào có chè cũng học cách chăm sóc cây và thu hái đúng mùa vụ theo hướng dẫn. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè.

Đặc biệt, năm 2019, chè hữu cơ Bắc Hà do HTX Chè hữu cơ Bản Liền sản xuất đã được Hội đồng OCOP Trung ương cấp chứng nhận đạt OCOP hạng 5 sao đầu tiên của Lào Cai.

Khai thác tiềm năng cây chè đặc sản

Nâng tầm giá trị chè đặc sản Bản Liền - Ảnh 3.

Ngoài bán chè tươi cho HTX với giá ổn định từ 16.000 – 17.000 đồng/kg chè tươi, các gia đình ở Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) còn chế biến chè sao khô bán cho khách với giá từ 120.000 – 300.000 đồng/kg.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè Shan tuyết, đầu năm 2021, xã Bản liền đã triển khai trồng dặm, cải tạo 5ha chè. Từ những đồi chè cổ thụ xanh mơn mởn, người dân địa phương đã biết cách khai thác tối đa giá trị kinh tế khi gắn với các mô hình du lịch trải nghiệm đồi chè, thăm khu chè Shan cổ thụ, khám phá nét đẹp văn hoá dân tộc Tày.

Gia đình anh Vàng A Bình (27 tuổi, ở thôn Đội 4) là hộ tiêu biểu khi biết kết hợp trồng chè hữu cơ gắn với mô hình du lịch homestay. Hiện, nhà anh Bình có trên 12ha cây chè Shan, trong đó có 5ha chè cổ thụ từ 50 - 60 năm tuổi. Đây là nguồn thu chính của gia đình anh và cũng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Anh Bình chia sẻ: "Trồng lúa và chăn nuôi thì chỉ hết đói, còn vẫn nghèo. Được bố để lại cho cây chè cổ, nhất là khi tham gia vào HTX Chè hữu cơ Bản Liền, gia đình tôi đã tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích trồng chè Shan. 

Ngoài bán chè tươi cho HTX với giá ổn định từ 16.000 – 17.000 đồng/kg chè tươi, gia đình còn chế biến chè sao khô bán cho khách với giá từ 120.000 – 300.000 đồng/kg, tùy loại chè búp non 2 mầm, 3 mầm hay chè búp thường… 5 năm nay, mỗi năm thu nhập từ cây chè của gia đình đạt trên 100 triệu đồng".

Từ năm 2020, gia đình anh Bình đã làm thêm chè lam gác bếp phục vụ khách du lịch. Để làm được loại chè này, anh Bình cho biết, những ngày xuân phải dậy sớm lên đồi hái những búp chè non còn đẫm sương sớm, sau đó về sao suốt, chọn ống tre nhỏ nhắn, đậm, nhét búp chè đã sao vào rồi bịt kín, hơ trên bếp lửa cho vàng ống để hương chè xuân hòa quyện hương tre non. Tiếp đó đem treo trên gác bếp, càng treo lâu càng ngon. Loại này rất được khách du lịch ưa chuộng, nhiều khách sạn, chủ homestay đặt mua từ trước.

Đưa chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất của HTX Chè hữu cơ Bản Liền, ông Vàng A Sự - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xác định cây chè Shan tuyết hữu cơ là cây chủ lực, giúp đồng bào giảm nghèo bền vững nên xã đã ra nghị quyết chuyên đề phát triển, phối hợp với HTX Chè Bản Liền xây dựng và phát triển vùng chè Shan tuyết hữu cơ chất lượng cao, chuyển giao khoa học công nghệ, cải tạo nâng cao chất lượng chè, tiêu thụ ổn định cho bà con nông dân. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay xã đã có 310 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho HTX".

Hiện, sản phẩm chè Bản Liền đã đạt Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. Đây là những tấm "visa" đưa sản phẩm chè Bản Liền bay xa hơn đến các thị trường lớn. 

Theo Tráng Xuân Cường/danviet.vn
https://danviet.vn/lao-cai-vi-sao-troi-chua-sang-dong-bao-ban-lien-da-tat-bat-ru-nhau-len-nui-hai-che-co-thu-20210328172542304.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập88
  • Hôm nay24,745
  • Tháng hiện tại217,838
  • Tổng lượt truy cập92,595,502
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây