Trong vài năm gần đây, nhờ chủ trường chuyển đổi cây trồng, ở xã Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã có nhiều mô hình trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải nhắc đến mô hình trồng cây sachi của gia đình ông Vũ Xuân Trường.
Theo ông Trường, trước đây, ông cũng như bao người dân khác ở quanh vùng, chỉ trồng chè, keo hay những cây ăn quả truyền thống trên khu đất đồi nhà mình.
"Trồng chè, và những cây lâm nghiệp, cây ăn quả truyền thống, cho thu nhập rất thấp, trong khi đó công sức bỏ ra lại nhiều. Chính vì vậy, tôi luôn muốn tìm cây gì đó để chuyển đổi, giúp kinh tế gia đình tăng lên", ông Trường chia sẻ.
Cơ duyên của ông đến với cây sachi bắt đầu từ năm 2015, khi ông xem tivi, thấy người dân ở nhiều nơi trồng cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ này.
"Nghe tên gọi thì lạ lẫm, quả hình ngôi sao đẹp mắt, lại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, tôi quyết định tìm hiểu và xuống Hà Nội mua hạt giống với giá 2 triệu đồng/kg để trồng", ông Trường chia sẻ.
Ông Trường kể, từ khi quyết định chuyển đổi sang trồng cây sachi, không kể mưa nắng, đêm hôm, vừa thuê người, ông vừa cặm cụi bên đồi để dỡ bỏ khoảng 1ha đất đồi trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả truyền thống. Sau gần 1 tháng, ông đã có "mặt bằng sạch" để trồng cây Sachi.
Do cây sachi là cây mới, nên vừa làm, ông vừa theo dõi, viết nhật ký cho cây, vừa đọc thêm sách báo, tài liệu để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Tuy nhiên, vì mọi kiến thức về cây sachi chỉ biết qua sách vở, chưa có kinh nghiệm trồng cây sachi nên thời gian đầu, ông cũng gặp phải một số sai sót.
Ông Trường chia sẻ, cây sachi ưa ẩm nhưng không chịu được úng. Đặc biệt, không thể để cây sachi thiếu nước vì cây sẽ yếu, sinh trưởng kém hoặc là sẽ chết.
Ngoài ra, sachi là cây thân leo, vì vậy khi cây mới phát triển, cần làm giàn cho cây sachi bám, phát triển. Giàn trồng cây sachi hình chữ T, cao 1,5 – 1,8m. Trụ đỡ được đóng sâu từ 40 – 60cm, bên trên trụ có 2 hàng dây thép cách nhau 50 – 60cm để cây leo, tạo tán và đón được nhiều ánh sáng.
Để chắc chắn hơn, ở đầu và cuối hàng, ông đóng những cọc to hơn, sau đó dùng dây lèo các cọc nhỏ vào, tạo thành hàng thẳng, chắc chắn.
"Thời gian đầu, tôi dùng cọc tre để làm giàn, chưa được 1 năm thì đã bị gió quật đổ. Vì vậy, tôi đã quyết định chuyển sang làm cột bê tông", ông Trường tâm sự.
Khi cây sachi cao 1m, ông tiến hành hãm ngọn để cây phát triển cành, thân, nhanh chóng phủ tán. Những năm về sau, khi cây đã phát triển thì có thể cắt cành dưới gốc, giúp cây dành chất dinh dưỡng cho cành mới và quả tốt hơn.
Ngoài ra, ông bón phân cho cây sachi 2 đợt/năm. Đợt đầu vào khoảng tháng 2 – 3, ông sẽ bón phân chuồng và NPK, đợt 2 là vào tháng 8, ông sẽ bón thêm Kali và phân vi sinh cho chắc quả.
Theo ông Trường, qua 6 năm, ông nhận thấy cây sachi chưa phát hiện bệnh trên diện rộng, chỉ phát hiện ít bệnh nấm ở cành và rễ. Trồng cây sachi 6 – 8 tháng là có thể được thu hoạch.
Cây sachi ra hoa quả quanh năm, cho thu hoạch có thể trên 15 năm. Năm đầu, cây sachi cho thu hoạch 0,7 - 1 tấn/ha, từ năm thứ 3 trở đi, cây sachi cho thu hoạch từ 5 – 7 tấn/ha tùy theo mật độ trồng cây.
"Giá hạt sachi khá ổn định, khoảng 50.000 đồng/kg hạt khô. So với trồng chè hay cây ăn quả khác ở địa phương thì cây sachi cho thu nhập gấp đôi. Thời gian tới, tôi sẽ phát triển, mở rộng diện tích thêm 1 – 2ha nữa", ông Trường vui vẻ khoe.
Theo Bình Hùng/danviet.vn
https://danviet.vn/phu-tho-trong-cay-nguon-goc-nam-my-qua-hinh-ngoi-sao-cuc-la-ong-nong-dan-thu-nhap-khung-20210327122955499.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã