Học tập đạo đức HCM

Lo đầu ra cho quả vải

Thứ sáu - 21/05/2021 18:39
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, làm nông dân các địa phương thêm lo lắng đầu ra cho quả vải. Đây là vấn đề cần được các cấp, ngành sớm quan tâm hỗ trợ, giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
dien-1591407771351860119654.jpg
Nông dân đang lo lắng về đầu ra cho quả vải trước ảnh hưởng đại dịch Covid - 19.

Hưng Yên: Nông dân đang trông chờ vào sự hỗ trợ trong việc tiêu thụ quả vải

Bước vào đầu vụ thu hoạch vải, Giám đốc HTX nông nghiệp Thắng Lợi (xã Tam Đa, huyện Phù Cừ) Nguyễn Tiến Thiều lo lắng, HTX nông nghiệp Thắng Lợi có khoảng 500 thành viên, tổng diện tích trồng vải lai chín sớm  khoảng 70ha, vụ này cho sản lượng khoảng 1.000 tấn. Vải lai chín sớm của HTX nông nghiệp Thắng Lợi được sản xuất theo quy trình VietGAP, chất lượng quả vải ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; hằng năm có nhiều doanh nghiệp, tư thương đến đặt hàng để bán trong hệ thống siêu thị hoặc các chợ đầu mối.

Tuy nhiên, vụ vải năm nay khách hàng đến thăm thưa, đặt hàng ít hơn, giá vải đầu vụ cũng thấp hơn năm trước. Giám đốc Nguyễn Tiến Thiều cho biết thêm, theo một số khách hàng, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc vận chuyển, tiêu thụ vải ở một số chợ đầu mối, một số tỉnh gặp khó khăn, việc xuất khẩu cũng vậy nên từ nay đến cuối vụ (khoảng giữa tháng 6), diễn biến giá quả vải không biết như thế nào. Nông dân đang trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh và huyện trong việc tiêu thụ quả vải.

image009_20210518105438.jpg
Thăm vườn vải lai chín sớm ở xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Phù Cừ là huyện nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên, có hơn 6.600ha đất nông nghiệp, nông dân trong huyện đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị cao, như: vùng trồng cây vải lai chín sớm, vùng trồng cây vải trứng, vùng trồng cây có múi  và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (trồng dưa trong nhà lưới)…

Theo UBND huyện Phù Cừ, toàn huyện trồng được hơn 900ha vải; trong đó, có hơn 700ha vải lai chín sớm; gần 180ha vải chứng. Năm nay, vải được mùa, sản lượng của huyện Phù Cừ ước đạt khoảng 9.000 tấn. Các địa phương có diện tích cây vải lớn: xã Tam Đa với 241ha, ước cho sản lượng khoảng 3.900 tấn; xã Minh Tiến, hơn 318ha,  sản lượng 3.800 tấn; xã Tiên Tiến, hơn 58ha, sản lượng 250 tấn…

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu chứng nhận vải lai chín sớm Phù Cừ; vải lai chín sớm Phù Cừ được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Vải trứng Hưng Yên, được trồng nhiều ở các xã: Phan Sào Nam, Minh Tân, Minh Hoàng, Đoàn Đào, dự kiến thời gian thu hoạch  từ ngày 10-6 trở đi. Vải trứng Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2020; được tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Phù Cừ đã quan tâm, hỗ trợ các địa phương tổ chức lại sản xuất, khuyến khích, hỗ trợ thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới. Một số HTX nông nghiệp đã thu hút nhiều thành viên tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của phần lớn HTX nông nghiệp; nhất là việc tiêu thụ nông sản đang là điều trăn trở chung của huyện Phù Cừ. Theo Trưởng phòng NN-PTNN huyện Phù Cừ, Bùi Quang Nam, các HTX nông nghiệp mới thành lập, nguồn lực về tài chính, cũng như nhân lực còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ; do vậy, nhiều HTX, nhà vườn chưa quan tâm, mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết để tiêu thụ giữa HTX, nhà vườn với nhà phân phối, cở sở chế biến còn hạn chế. Việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết còn gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, trên địa bàn huyện Phù Cừ chưa có nhà phân phối, các đơn vị chế biến, sản xuất các mặt hàng nông sản huyện, chủ yếu chờ vào tư thương tìm đến thu mua. Các HTX, nhà vườn còn chưa quan tâm nhiều đến công tác quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của đơn vị trên môi trường mạng, trên các trang thương mại điện tử...

Thời gian thu hoạch quả vải ngắn, tập trung (trong vòng từ 15-20 ngày) với sản lượng lớn, do đó sẽ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm vải quả. Việc bảo quản, chế biến nông sản nói chung và vải quả nói riêng đến nay số lượng nhà máy, cơ sở đứng ra đảm nhiệm khâu bảo quản, chế biến sản phẩm cho người nông dân trên địa bàn huyện còn hạn chế.

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, dự báo sẽ ảnh hưởng đến tâm lý lo ngại của người tiêu dùng và khó khăn cho công tác thu hoạch, vận chuyển, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nhất là đối với vải quả.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, mong huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả, tiêu thụ quả vải cho nông dân, như:  đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nhãn hiệu vải lai chín sớm Phù Cừ; vải trứng Hưng Yên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên môi trường mạng; đưa quả vải Phù Cừ lên sàn giao dịch điện tử; liên hệ các doanh nghiệp, thương nhân giúp nông dân tiêu thụ vải với giá cả cao nhất…

Hải Dương: Thương mại điện tử liệu có cứu được vựa vải năm nay?

Thời điểm này, nông dân trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải sớm. Hiện, giá vải tại vườn được doanh nghiệp thu mua với giá 60.000 – 80.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, hiện các đối tác Nhật Bản đã sẵn sàng chờ đón các lô hàng vải thiều từ Việt Nam.

 

"Năm 2020, lần đầu tiên vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và được đánh giá cao về chất lượng so với các đối thủ khác. Năm nay, chúng tôi hy vọng sản lượng xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản sẽ tăng so với năm ngoái và vẫn giữ mức giá cao như năm đầu tiên vải thiều sang Nhật Bản" – bà Hồng cho biết.

Cũng theo bà Hồng, trong tuần này, Công ty CP Ameii sẽ có chuyến vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

image008_20210521104813.jpg
Ảnh minh họa.

"Khách hàng Nhật Bản đang rất háo hức đón chờ vải thiều Việt Nam vì so với sản phẩm của nước khác, vải thiều Việt Nam được đánh giá cao nhất về chất lượng.

Để đảm bảo chất lượng vùng vải nguyên liệu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã Ameii để đảm bảo nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật Nhật Bản đã khuyến cáo, tạo ra trái vải đạt tiêu chuẩn chất lượng" – bà Hồng nói thêm.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã và đang gây nhiều tác động đến các hoạt động mua bán, kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Chính vì vậy, trong điều kiện hiện nay, ngoài các cách thức tiêu thụ truyền thống thông qua hội chợ, siêu thị ….thì việc tìm kiếm những hướng đi mới với những tiện ích đa năng đã và đang thôi thúc các địa phương, các doanh nghiệp có nhu cầu tìm đến kênh thương mại điện tử.

Tiêu biểu, mới đây nhất, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Lazada, Vovo, Sendo,... Theo đó, kể từ 0h00 ngày 14/5, vải thiều Thanh Hà được mở bán trong “Gian hàng tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ Chương trình Cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại” trên nền tảng Lazada với giá ưu đãi cùng chính sách hỗ trợ giao hàng hấp dẫn. Lazada dự kiến phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này. Cùng với vải thiều Thanh Hà, Hải Dương còn có 5 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử gồm: trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, cải bắp, su hào Gia Lộc.

Điều đó cho thấy, thương mại điện tử hiện nay đang rất được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm để góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, hướng đến kênh phân phối hiện đại và mang tính bền vững.

Thực tế hiện nay, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường, giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến hơn. Riêng đối với nông sản, đây lại là hình thức còn khá mới mẻ, tuy nhiên việc đẩy mạnh các sàn giao dịch nông sản điện tử đang minh chứng cho hiệu quả khả quan cũng như tiềm năng tiềm tàng từ kênh phân phối đắc lực này.

Theo đại diện của Lazada, chỉ sau 4 giờ của ngày đầu tiên mở bán (ngày 14/5) trên Lazada, đã có gần nửa tấn vải thiều u trứng trắng được bán với giá 150.000 đồng/kg. Đồng thời, giá của vải thiều ghi nhận đã có mức tăng đáng kể khi lên sàn khi số lượng đơn đặt hàng nhiều hơn, khiến cho nhiều hộ nông dân trồng vải phấn khởi.

186448988_1389402441444527_1278544837006455715_n.jpg
Vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử.

Đánh giá về vai trò của việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho rằng, việc đưa sản phẩm nông sản tươi và các sản phẩm nông sản có tiềm năng của các địa phương lên các sàn thương mại điện tử là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh.

Vai trò của kênh thương mại điện tử càng được thể hiện rõ khi số liệu của Bộ Công thương cho thấy, bất chấp những khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lĩnh vực thương mại điện tử năm 2020 vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, quy mô thị trường thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) của Việt Nam năm 2020 tăng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Thiết nghĩ, để phát huy những thế mạnh của thương mại điện tử, các địa phương, các doanh nghiệp cần có sự chủ động tìm tòi, kết nối, liên hệ với các cơ quan Nhà nước có chức năng hoặc với chính các đại diện các sàn thương mại điện tử để trực tiếp làm việc trao đổi, nhằm kết nối nông sản lên kênh tiêu thụ hiệu quả và tiện lợi này. Đây cũng chính là giải pháp cần được các địa phương, nhất là các địa phương có vựa nông sản đang vào thời kỳ thu hoạch đặc biệt quan tâm, tránh tình trạng ùn ứ nông sản.

Một điểm nữa cũng cần thấy rằng, đối với những địa phương triển khai thành công, bản thân các doanh nghiệp bao giờ cũng cần có những chuẩn bị kỹ càng để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Do vậy, các doanh nghiệp cần nắm rõ các bước để đưa sản phẩm lên sàn điện tử, nhất là trong việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ, đơn vị chuyên thu mua cung cấp vải thiều cho các sàn thương mại điện tử, cho biết, sau vài ngày đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử Lazada, phản hồi của khách hàng rất tốt.

Công ty Rồng Đỏ dự kiến sẽ thu mua khoảng 300 tấn vải thiều Thanh Hà phục vụ xuất khẩu và bán trên các sàn thương mại điện tử.

Trong khi đó, ông Paul Lê, Giám đốc Kiến tạo chia sẻ và xúc tiến thương mại Central Retail tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ gắn "5 sao" cho vải thiều Thanh Hà.

Được biết, sau khi khảo sát quy trình sản xuất, chứng nhận các điều kiện về chất lượng, ông Paul Lê cam kết sẽ gắn "5 sao" cho sản phẩm vải Thanh Hà và đưa khoảng 1.000 tấn vải vào chuỗi trung tâm thương mại của doanh nghiệp.

Năm 2021, dự kiến tổng sản lượng vải thiều của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong nước khoảng 33.000 tấn, xuất khẩu khoảng 22.000 tấn. Dự kiến, tỷ lệ xuất khẩu vải năm 2021 tăng khoảng 5% so với năm trước.../.

 Theo Thanh Tâm (T/h)/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/lo-dau-ra-cho-qua-vai-post42642.html
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập157
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm156
  • Hôm nay15,511
  • Tháng hiện tại462,064
  • Tổng lượt truy cập92,839,728
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây