Cứ 7 giờ sáng các ngày thứ ba, năm, bảy hằng tuần, các thành viên “Tổ thu gom rác thải sinh hoạt” xã Ea M’nang lại đánh xe công nông đến các khu dân cư trên địa bàn thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến bãi tập trung của xã để xử lý. Người dân có trách nhiệm bỏ rác thải sinh hoạt vào bịch, bao và đem ra trước cổng theo giờ quy định.
Ông Phạm Tịnh, ngụ thôn 1 B, xã Ea M'nang cho hay:“ Hồi trước rác thường do gia đình tự xử lý, trời nắng còn có thể đốt được chứ trời mưa thì phải để lại, gây ô nhiễm, nhưng cũng phải chịu nhưng giờ đây việc này đã được cải thiện nhờ có các tổ thu gom rác, rất tiện lợi và sạch sẽ”.
Thấy được lợi ích từ việc thu gom rác thải, các hộ dân ở xã Ea Drơng cũng tự nguyện đóng góp mỗi hộ từ 20.000 – 25.000 đồng để duy trì hoạt động của “Tổ thu gom rác thải” và Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Ea Drơng.
Định kỳ, một tuần 2 lần các tổ thu gom sẽ đến các thôn, xóm để thu gom rác thải sinh hoạt, mỗi gia đình có trách nhiệm tập kết rác thải ra trước cửa nhà. Sau khi được thu gom, rác sẽ được tập kết đến bãi rác của xã để xử lý… Ông Nguyễn Tiến Trường – Phó Chủ tịch UBND xã Ea Drơng nói: “Việc thu gom rác thải ở địa phương được thực hiện từ năm 2015 tại thôn Đoàn Kết, sau đó triển khai ra các địa bàn khác. Hiện, toàn xã có khoảng 900 hộ dân tham gia. Từ khi các tổ thu gom rác thải đi vào hoạt động thì địa phương đã cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra…”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cư M’gar có 10/15 xã đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Đối với các xã Cư Suê, Quảng Tiến do nằm dọc theo tuyến đường Tỉnh lộ 8 việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được chính quyền các địa phương vận động các hộ dân đăng ký tham gia đổ rác thải với Công ty TNHH Môi trường - Đô thị của huyện.
Các địa phương tự xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý rác; thực hiện thu phí vệ sinh môi trường của các hộ dân. Khi mới triển khai, nhiều hộ dân chưa ý thức được việc thu gom, xử lý rác thải nên hộ tham gia ở một số tổ thu gom còn khá khiêm tốn, kéo theo vấn đề không đảm bảo chi phí duy trì hoạt động.
Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cũng như kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vứt rác thải bừa bãi ra môi trường… từ đó, người dân đã dần hiểu được tầm quan trọng của việc thu gom rác thải và số hộ gia đình đăng ký tham gia ngày càng nhiều.
Từ khi các “Tổ thu gom rác thải sinh hoạt” ở các địa phương đi vào hoạt động, người dân đã ý thức hơn được trong việc giữ gìn vệ môi trường. Ông Trần Tuấn Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết:“Hầu hết các tổ thu gom rác thải sinh hoạt đều chưa mua sắm được phương tiện chuyên dụng chuyên chở mà sử dụng xe công nông để thu gom và vận chuyển rác thải nhưng hiệu quả đem lại cũng rất tốt; vấn đề môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên những con đường tình trạng vứt rác thải bừa bãi đã giảm đáng kể, đảm bảo về cảnh quan và vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới…”.
Thực tế cho thấy, dù tiêu chí số 17 về môi trường không đòi hỏi phải có nhiều kinh phí nhưng lại là tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy, việc xã hội hóa được thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện là một trong những tiền đề quan trọng để các địa phương duy trì thực hiện tốt tiêu chí này.
Hiện nay, huyện Cư M’gar có 14/15 xã đã đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Trung Dũng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/mo-hinh-xa-hoi-hoa-thu-gom-rac-thai-o-cu-mgar-d286249.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã