“Nếu cứ vin vào khó khăn, chúng ta sẽ đánh mất ý chí, nghị lực để vượt qua thách thức. Ngành thủy sản hiện không thiếu nguyên liệu. Vốn, chính sách và nhiều nguồn lực khác cũng hội tụ. Vấn đề là chúng ta sẽ tổ chức chế biến, phân bổ lao động, vốn, công tác vận chuyển trong các tháng cuối năm như thế nào", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói trong Hội nghị Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng, chống dịch Covid-19 Quý IV/2021.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản hiện đạt xấp xỉ 3 triệu tấn hải sản khai thác. Tổng giá trị xuất khẩu của ngành giảm, nhưng cơ hội và dư địa phát triển trong những tháng cuối năm rất nhiều.
Nhiều con số chứng minh nhận định của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Những năm qua, ngành thủy sản quản lý sát sao đội tàu, giảm từ 120.000 chiếc xuống 94.000. Số vụ vi phạm của tàu Việt Nam giảm theo thời gian. Việc truy xuất nguồn gốc khai thác có sự chuyển dịch mạnh mẽ.
“Tôi đã đi thực tế, kiểm tra việc giám sát các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) nhiều lần, thậm chí giở từng quyển số nhật ký ghi chép, tháng trước cũng vừa xuống Thanh Hóa. Thấy rõ ràng có sự biến chuyển”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Về cơ sở hạ tầng, ngành thủy sản cùng Bộ NN-PTNT đang nỗ lực triển khai. Bên cạnh đó, 10 đề án, chương trình được triển khai quyết liệt, trong đó có nhiều dự án trọng điểm của ngành thủy sản. Một số dự án được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ đang hoàn thành kế hoạch tiền khả thi, và sẽ được Bộ triển khai vào đầu tháng 11/2021.
Trên quan điểm "tích cực, chủ động, không để tuột thời cơ", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng ngành thủy sản cần tận dụng triệt để các gói hỗ trợ hiện tại của Chính phủ. Ông cũng đề nghị sự đồng hành của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề đảm bảo mục tiêu đạt 8,6 triệu tấn thủy sản và kim ngạch xuất khẩu 8,8 tỷ USD trong năm 2021.
"Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực cho việc khai thác, nuôi trồng, và bảo tồn thủy sản, từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, các chương trình đề án. Nếu làm đúng tiến độ, ngành thủy sản sẽ có một chiến lược lớn trong việc mở rộng không gian tái cơ cấu", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Dựa trên "không gian tái cơ cấu" này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho đề nghị những tháng cuối năm, các các tỉnh ven biển phía Nam cần tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là trang bị các hệ thống giám sát cho cảng cá; tăng cường năng lực và tiến độ các dự án thủy sản có vốn giao về ở địa phương, nhằm triệt để khắc phục những tồn tại để phát triển bền vững, tăng giá trị gia tăng cho ngành.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu từng lĩnh vực thủy sản vạch ra giải pháp xác thực, hiệu quả. Sau hội nghị chung, các vấn đề như nuôi tôm nghịch vụ, khai thác hải sản... sẽ được triển khai.
"Ngành thủy sản không chỉ đáp ứng lương thực, thực phẩm, mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh bởi mỗi ngư dân là một mốc trên biển. "Trong nguy có cơ", chúng ta cần nhận định rõ tình hình, biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu, để có chiến lược đúng đắn từ giờ đến cuối năm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.
Theo Bảo Thắng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/mo-rong-khong-gian-tai-co-cau-nganh-thuy-san-d305914.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;