Hà Nội đang tập trung hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thiện Tâm |
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết: Thời gian qua, Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". Nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh đã tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động, gây đứt gãy các chuỗi cung ứng, đầu vào và đầu ra cho sản xuất, chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất, vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó, công tác lưu thông hàng hóa, thị trường tiêu thụ thu hẹp, trong khi nhiều sản phẩm nông sản đến thời vụ thu hoạch lại khó tiêu thụ, giá thấp do ảnh hưởng của giãn cách xã hội, một số chợ đầu mối phải đóng cửa, các cửa hàng tiện ích gặp nhiều khó khăn về thị trường đã tạo ra tâm lý một số bộ phận người dân sản xuất cầm chừng, các hộ chăn nuôi chưa chủ động trong công tác tái đàn do giá giống và giá thức ăn tăng cao, nguồn tiêu thụ giảm mạnh. Việc thực hiện xây dựng các công trình, hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí trong nông thôn mới gặp nhiều khó khăn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian vừa qua tập trung chủ yếu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.
Tính đến nay, Thành phố có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Còn 6 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định; các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021; các huyện Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Bên cạnh đó, Thành phố hiện có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao. Còn lại 14 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa cây cảnh, vùng rau an toàn, rau hữu cơ, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung,... các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường, nhiều hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm được ký kết; bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được các chủ thể coi trọng, sản phẩm OCOP hiện nay thực sự đem lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn đã được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng, Chương Mỹ 60 triệu đồng,… Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 90,1%.
Công tác giải quyết việc làm 9 tháng đầu năm đạt 72,5% kế hoạch được giao trong năm, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 8 và tháng 9, do thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố để phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên công tác giải quyết việc làm cho người lao động thực hiện được ít (4.384 người được tạo việc làm, chủ yếu là qua hình thức vay vốn và tư vấn, kết nối cung - cầu online).
Có thể thấy, nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên vấn đề hạ tầng nông thôn được cải thiện, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời và đem lại hiệu quả thiết thực. Những người dân bị mất thu nhập, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được Thành phố quan tâm, hỗ trợ kịp thời.
Vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm mục tiêu
Tuy nhiên, theo ông Chu Phú Mỹ, do hiện nay Trung ương chưa ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu), Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới thiếu bền vững nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, UBND các huyện, thị xã cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng những biện pháp, giải pháp phù hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa đảm bảo hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2021.
Ông Chu Phú Mỹ cho biết: Từ nay đến cuối năm, Văn phòng điều phối Nông thôn mới sẽ tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân. Kịp thời phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các hội nghị và các phương tiện truyền thông hiện có của địa phương. Đặc biệt là những vấn đề, những nội dung mang tính bức thiết, nhằm động viên huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân.
Các huyện, thị xã căn cứ chỉ tiêu đăng ký xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tiến hành thẩm tra đánh giá cụ thể thực tế mức độ đạt từng tiêu chí của từng xã, gửi hồ sơ về Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố. Phấn đấu đến hết năm 2021 có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 3 huyện (Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa) đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lúa, cây rau màu ngắn ngày; đẩy mạnh sản xuất giống lúa chất lượng cao đạt trên 60% diện tích gieo trồng, giống lúa lai chiếm khoảng 5% diện tích gieo trồng, mở rộng diện tích sản xuất các giống hoa, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao như: hoa lily, hồng, lan, cây cảnh, hoa thảm, hoa chậu,...
Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh với phương châm “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ”; thiết lập trạng thái bình thường mới để ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2021, thu nhập của người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/den-het-2021-ha-noi-phan-dau-co-them-3-huyen-dat-chuan-nong-thon-moi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;