Hà Nội là một trong những địa phương tiêu thụ nông sản sau chế biến lớn nhất cả nước. Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (2015 – 2020), đến nay, Thành phố đã hình thành 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp sang nền nông nghiệp phát triển đa dạng theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn… Thực hiện Quyết định 1791/QĐ-BNN-QLCL, ngày 19/5/2015, của Bộ NN&PTNT về Chương trình Phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và đến nay đã có 727 chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn.
Hình thành các chuỗi cung ứng
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 13.441 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản. Trong đó, có 400 cơ sở có hoạt động chế biến thực phẩm nông sản. Các cơ sở này, hằng ngày, cung cấp một lượng lớn các thực phẩm đã qua chế biến cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản của Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) đang cung cấp rất nhiều sản phẩm rau, củ, quả an toàn vào hai hệ thống siêu thị Big C và Vinmart và các bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố. Nhờ cung ứng vào chuỗi nông sản an toàn, thương hiệu của hợp tác xã ngày càng được khẳng định, được người tiêu dùng đón nhận. Hay chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc (huyện Thạch Thất), mỗi ngày cung cấp cho thị trường 4-5 tấn rau với thương hiệu rau sạch Đại Ngàn…
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, công nghiệp chế biến nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã và đang giải quyết việc làm trực tiếp cho nhiều lao động nông thôn và có những đóng góp không nhỏ trong tái cấu trúc ngành Nông nghiệp và tiến trình xây dựng nông thôn mới của Thủ đô.
Tuy có tiềm năng và nền móng như vậy nhưng thực tế hiện nay ngành chế biến nông sản nói chung còn nhỏ lẻ, manh mún chưa xứng với tiềm năng. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến nông sản chưa chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu đảm bảo về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ trong các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ.
Tại Hà Nội, Sở NN&PTNT cũng thống kê thấy, phần lớn các doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất thủ công và bán tự động, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất khép kín tự động. Khoảng 20% doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng tốt chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến… Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng cũng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ như: rau, quả, thịt.
“Qua khảo sát tại 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, chỉ có 12 doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất khép kín tự động đầu vào là nguyên liệu đầu ra là thành phẩm, còn lại đa phần là doanh nghiệp có quy trình sản xuất thủ công và bán tự động… Cùng với đó, cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn thu hút đầu tư vào chế biến nông sản, nhất là đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ. Trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp, số lượng đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp…”,ông Tường cho biết.
Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường. Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến đạt 7%-8%/năm; hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 khu (cơ sở) chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và có cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; 100% sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến đều sử dụng mã QR trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thành phố Hà Nội tích hợp vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia; phát triển 1 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu.
Theo Đỗ Hương/thanglong.chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/nang-cao-gia-tri-nong-san-sau-che-bien
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã