Sau khi đạt chuẩn Nông thôn mới, xã Phước Sơn (Tuy Phước) đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, đến nay đã hoàn thành 100% tiêu chí.
Canh Vinh là xã đầu tiên được chọn xây dựng nông thôn mới tại huyện miền núi Vân Canh. Xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 9 tiêu chí vào năm 2013 nhưng đến cuối năm 2020, Canh Vinh đã đạt 19/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,31 triệu đồng/năm, tăng 22,05 triệu đồng so với năm 2016.
Hiện nay, trên địa bàn xã Canh Vinh có 5 doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề, dịch vụ đồ gỗ, chế biến nguyên liệu giấy, sản xuất giống gia súc; 4 cơ sở chế biến nông sản và nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ở 9 thôn trên địa bàn. Qua đó góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động địa phương.
Sau khi thẩm định hồ sơ cũng như khảo sát thực tế, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận xã Canh Vinh hoàn thành xây dựng xông thôn mới vào đầu năm 2021, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 86 xã.
Ông Trần Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh cho biết, vì là xã đầu tiên của huyện triển khai xây dựng nông thôn mới nên địa phương gặp nhiều thách thức. “Cơ sở hạ tầng của xã cần được đầu tư xây dựng nhiều nhưng kinh phí thực hiện còn hạn hẹp. Do vậy, chúng tôi huy động nguồn lực trong nhân dân, đặc biệt là vận động hiến đất mở đường. Bên cạnh đó, khi làm hồ sơ minh chứng cũng gặp khó khăn do chưa có xã nào trong huyện thực hiện để học hỏi”.
Kinh phí đầu tư hạn hẹp cũng là thách thức chung của 36 xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bình Định, sau khi các xã có thế mạnh đã lần lượt về đích. Ngoài ra, những xã này thuộc các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở, hệ thống chính trị xã hội, phát triển sản xuất. Do vậy, năm 2021, Bình Định cân nhắc số lượng xã đăng ký hoàn thành và chú trọng chất lượng tiêu chí.
Theo ông Đào Văn Hùng, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Định, các xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới còn lại đều khó khăn, có xuất phát điểm thấp, quá trình triển khai còn nhiều bất cập. Trong kế hoạch năm 2021, chỉ có 6 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đó là các xã: Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân), An Tân (huyện An Lão), Mỹ Thành, Mỹ An (huyện Phù Mỹ), Bình Tân, Bình Thạnh (huyện Tây Sơn).
Cũng trong năm 2021, tỉnh Bình Định đưa vào kế hoạch xây dựng 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đó là các xã: Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn), Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), Cát Hưng, Cát Minh (huyện Phù Cát), Hoài Hải, Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn).
Riêng xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), sau khi đạt chuẩn nông thôn mới cũng đã tự đăng ký xây dựng Xã nông thôn mới nâng cao. Đến cuối năm 2020, xã cơ bản hoàn thành 100% tiêu chí và đang đề nghị cấp trên công nhận.
Theo ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, xã về đích nông thôn mới vào năm 2016 nhưng tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư các công trình trường học đạt chuẩn, tập trung phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe nhân dân, giữ vững an ninh trật tự.
“Trong xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, tiêu chí khó nhất là cảnh quan môi trường. Địa phương đã đầu tư các xe thu gom rác thải để mở rộng việc thu gom rác ở các tuyến đường; vận động nhân dân nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Đã có trên 70% hộ dân đăng ký thu gom tác thải tập trung” - ông Tôn Kỳ Hải nói.
Chăn nuôi lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nông thôn ở huyện Hoài Ân.
Năm 2020, tỉnh Bình Định có thêm 10 xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, 1 huyện (Tuy Phước) hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang chờ được công nhận. Bình quân mỗi xã đạt được 17,3 tiêu chí trong khi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bình Định đến năm 2020 đạt 16,7 tiêu chí/xã.
Đối với các xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, tỉnh Bình Định yêu cầu tiếp tục xây dựng Xã nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, khi đảm bảo các điều kiện về hạ tầng giao thông, phát triển sản xuất, văn hóa xã hội, hệ thống chính trị, tỉnh sẽ tập trung đầu tư để các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên phường.
Hiện nay, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Định đang xem xét điều chỉnh giảm 9 xã của thị xã Hoài Nhơn trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới do đã chuyển lên phường trong năm 2020; đồng thời, bổ sung xã An Dũng (huyện An Lão) vào kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo moc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã