Học tập đạo đức HCM

Những người lưu giữ chè Shan tuyết Na Hang

Thứ tư - 26/05/2021 18:41
Nhà nào có chè Shan tuyết ở Na Hang, Tuyên Quang nay cũng học cách chăm sóc, thu hái đúng mùa vụ, và tuân thủ chặt chẽ theo quy trình hữu cơ.

Giấc mơ cô gái người Dao

Từ chỗ phải bán lợn, gà mỗi khi cần tiêu đến tiền, chị Triệu Thị Thơm, dân tộc Dao ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) giờ đã tự chủ được về kinh tế nhờ việc hái chè cho hợp tác xã. "Từ ngày còn đi học, em đã nghe người ta nhắc đến chú Thà ở Hồng Ba, làm chè gì đó mà kiếm 8 triệu một tháng. Ở Khau Tràng này, con số ấy như một giấc mơ", cô nói, kèm ánh mắt rạng rỡ.

Triệu Thị Thơm, cô gái dân tộc Dao, trên cây chè shan tuyết. Ảnh: LB.

Triệu Thị Thơm, cô gái dân tộc Dao, trên cây chè shan tuyết. Ảnh: LB.

Nhà Thơm có ba anh chị em, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Với phần đông người Dao trên đất Tuyên Quang, được ăn học, biết cái chữ, đã là một điều may mắn. Chẳng thế mà nhiều người, trong đó có Thơm, hầu hết đều sáng lên lớp, chiều ra nương. Họ hiểu, kiếm việc trên mảnh đất quê hương đã khó, kiếm việc để trang trải cuộc sống, tránh cảnh bán gà, bán lợn mỗi khi cần đến tiền còn khó hơn.

Vào làm ở Hợp tác xã Sơn Trà, thôn Hồng Ba, xã Hồng Thái, vì thế đúng là một giấc mơ. Nó chớm nở từ một ngày đầu xuân 5 năm trước. Khi ấy, ông Đặng Ngọc Phố, Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Shan tuyết Sơn Trà, muốn đẩy mạnh sản xuất và ngỏ ý tìm lao động địa phương. Nguyên do bởi quy trình sản xuất đặc thù, chè Shan tuyết cần được hái hoàn toàn thủ công, theo đúng kỹ thuật "một tôm một lá" hoặc "một tôm". 

Khác với những cây chè thấp ngang lưng miền trung du, chè Shan tuyết ở vùng núi Na Hang cao từ 5 - 7 mét. Những cây hàng trăm tuổi thậm chí cao như một ngôi nhà ba, bốn tầng. Để trèo và hái những búp tươi non, ông Phố trưng dụng những người như Thơm, vừa để giảm chi phí sản xuất, vừa để tạo công ăn việc làm cho bà con người Dao, người Mông trong bản.

"Từ ngày vào hợp tác xã, cuộc sống của em thay đổi nhiều lắm. Nếu chăm chỉ và gặp lúc chè rộ, một ngày có thể hái được 10 kg. Tùy loại chè, em được trả từ 25.000 đến 50.000 đồng 1 kg. Em thì chưa, nhưng nhiều chị trong tổ hợp tác đã kiếm hơn 300.000 đồng một ngày", Thơm kể.

Những cô gái dân tộc Mông, Dao coi hái chè Shan tuyết là cơ hội đổi đời. Ảnh: MP.

Những cô gái dân tộc Mông, Dao coi hái chè Shan tuyết là cơ hội đổi đời. Ảnh: MP.

Với những cô gái ngoài đôi mươi như Thơm, công việc thoạt nhìn chẳng có vẻ gì nặng nhọc. Hàng ngày, cô dậy từ khoảng 5h, làm đến tầm 9-10h sáng rồi nghỉ. Buổi chiều thì từ 15h đến 17h, thậm chí 18h nếu mặt trời chưa xuống núi. So với làm nông, hái chè một ngày cũng mất chừng 8 tiếng, nhưng thu nhập khác hẳn. Thơm bảo, đã lâu lắm cô không phải đi làm thuê dưới chợ mỗi khi cần dùng đến tiền.

Giữa lúc đôi tay thoăn thoắt của Thơm không ngừng hái những búp non trên cây, một bé gái ước chừng 7-8 tuổi cũng theo mẹ lên đồi chè. Chưa nói sõi tiếng Việt, nhưng khi theo chân mẹ về hợp tác xã tính tiền, cô bé người dân tộc Dao vẫn lẩm nhẩm đúng mệnh giá của xấp giấy bạc trong tay. Sau khi cẩn thận xếp hai túi chè, ước độ 2 kilogram, ra sàng, cô bé mới nhảy chân sáo ra về.

Chè Shan tuyết hữu cơ

Độ chục năm trước, cây chè Shan tuyết ở Hồng Thái khác nhiều bây giờ. Theo ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Na Hang, có một dạo bà con thường nên núi đốn những cây chè hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi bán lấy củi với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Huyện Na Hang, sau khi biết chuyện, đã nói chuyện với bà con để ngăn tình trạng này.

"Thổ nhưỡng xã Hồng Thái và một vài xã nữa trong huyện hợp với chè Shan tuyết. Huyện đã có đề án phát triển cây chè từ sớm, nhưng phải tới khi người dân nhận thấy giá trị thực của cây chè, họ mới tin", ông Quý nói. 

Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, bên cạnh một cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi. Ảnh: LB.

Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, bên cạnh một cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi. Ảnh: LB.

Giá trị của cây chè Hồng Thái bắt đầu được phục dựng từ lúc Hợp tác xã Sơn Trà tìm được đầu ra cho sản phẩm. Khoảng năm 2013, ông Đặng Ngọc Phố về bản, sau khi đọc được thông tin một người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái làm chè Shan tuyết bán hàng triệu đồng mỗi cân. Điều đó khiến ông giật mình, bởi ở Hồng Thái chè Shan tuyết mọc như rừng.

Ngày ấy, dân trong bản đã biết hái chè Shan tuyết sao để uống, chứ chưa bán như bây giờ. Lân la hỏi kinh nghiệm và bí quyết chế biến, ông Phố học theo, bắt đầu là sao chè bằng củi, rồi mang biếu những người thân quen. Dù vị đượm, hương thơm mát như hương vị đất trời vùng cao, nhưng chất lượng chè ngày ấy không đồng đều. Đau đáu với cây chè, nhưng ông Phố thường trong cảnh vay mượn để sản xuất cầm cự.

Cho đến năm thứ 5, khi đầu tư nhiều máy móc hiện đại và thực sự nắm rõ bí quyết sản xuất chè Shan tuyết, chất lượng chè của Hợp tác xã Sơn Trà mới bứt lên. Về đầu vào, ông Phố tuyển chọn những cây cổ thụ ở độ cao trung bình hơn 1.000 m so với mực nước biển, để khi uống không bị đắng, thay vào đó là vị mát ngọt, có hậu. Về chế biến, chè được hái hoàn toàn thủ công. Nếu không đúng kỹ thuật "một tôm một lá", ông Phố đề nghị bà con nhặt lại, kèm lời hứa trả tiền công ngay sau khi nghiệm thu sản phẩm.

"Ban đầu khó lắm. Chè đã hái, nếu bỏ đi vì không đủ chất lượng, bà con không chịu. Mình phải kiên nhẫn thuyết phục bà con lựa lại, rồi trả công. Dần dà, bà con thấy làm ít, nhưng đúng tiêu chuẩn, sẽ dễ có tiền hơn nên nghe theo", ông Phố nhớ lại.

Chè Shan tuyết được hái hoàn toàn thủ công. Sau đó, chè được chia nhỏ vào từng sàng, trước khi đem chế biến. Ảnh: MP.

Chè Shan tuyết được hái hoàn toàn thủ công. Sau đó, chè được chia nhỏ vào từng sàng, trước khi đem chế biến. Ảnh: MP.

Với quy mô trên toàn xã hơn 60 ha, nhưng chè nhà ông Phố nhiều lúc thu mua không đủ bán. Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Tuyên Quang lý giải, nguyên do bởi chè Hồng Thái được sản xuất quảng canh. Ưu điểm, là cây không có bất cứ phân bón hóa học nào. Nhưng nhược điểm, là cây tự lớn với nắng mưa, sương gió nên sản lượng bị trồi sụt. 

Với đề án nông nghiệp sạch, trước mắt chính quyền địa phương hướng dẫn người dân tuyệt đối tránh thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cho cây chè. Để minh chứng, ông Phố hái lá trực tiếp trên cây rồi ăn luôn. 

Ngoài Hồng Thái, chè Shan tuyết Na Hang còn mọc nhiều ở các xã Sinh Long, Khau Tinh, Thượng Nông, Thượng Giáp, và Sơn Phú. Toàn bộ được trồng theo Chương trình 327 và Dự án 661 của huyện. Hiện chè Shan tuyết Na Hang được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Nhờ Hợp tác xã Sơn Trà góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, xã Hồng Thái về đích nông thôn mới vào cuối tháng 7/2020. Một tháng sau đó, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ông Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà bảo: "Dân Hồng Thái giờ khác rồi. Nhà nào có chè cũng học cách chăm sóc cây và thu hái đúng mùa vụ. Tất cả đều tuân thủ chặt chẽ theo quy trình hữu cơ. Chúng tôi muốn phát triển chậm mà chắc như cây chè Shan tuyết này, 20 năm chỉ mọc ngang lưng người, nhưng thân vô cùng vững chãi".

Còn Triệu Thị Thơm muốn cây chè Shan tuyết mọc lan mãi khắp núi rừng Hồng Thái, làm sao để cô không còn phải xen canh mấy tháng trồng rau giữa các vụ chè.

Theo Bảo Thắng - Đức Minh/nongnghiep.vn
https://nongsanviet.nongnghiep.vn/nhung-nguoi-luu-giu-che-shan-tuyet-na-hang-d291951.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập279
  • Hôm nay19,647
  • Tháng hiện tại491,385
  • Tổng lượt truy cập92,869,049
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây