Học tập đạo đức HCM

Nông nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu “kép”

Thứ hai - 29/06/2020 19:30
Sản xuất nông nghiệp cần tăng cao hơn so với kế hoạch để đáp ứng nhu cầu trong nước, đủ sức bình ổn thị trường trước tác động lịch sử của đại dịch COVID-19 và bảo đảm xuất khẩu ở mức cao nhất có thể. Như vậy, nhiệm vụ của ngành đặt ra phải quyết tâm cao hơn, đồng bộ hơn, sáng tạo hơn để đạt “mục tiêu kép”.
Lần đầu tiên vải thiều được xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản - Ảnh: VGP/Đỗ Hươn

Những tín hiệu khả quan

Nếu như quý I/2020 ngành nông nghiệp bị bủa vây bởi rất nhiều khó khăn, tuy nhiên bước sang quý II, ngành nông nghiệp đã lấy lại tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất quý II toàn ngành tăng 2,19%. Ngành đang nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, nông nghiệp tăng 0,78% (trồng trọt tăng 0,63%, chăn nuôi “thoát âm” và tăng 1,05%), lâm nghiệp tăng 2,16% và thủy sản tăng 2,21%.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả ấn tượng.

Đến nay, Việt Nam đã mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu, như vải thiều tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản; chôm chôm vào Đài Loan; dâu tây và bí ngô vào New Zealand; tôm và cá tra xuất khẩu vào Brazil,… Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai các đoàn công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm (Trung Đông, Hoa Kỳ), thị trường tiềm năng nhằm kết nối giao thương và thúc đẩy thương mại trước những khó khăn tại thị trường Trung Quốc do dịch bệnh.

Một điểm đáng chú ý trong dòng chảy nông sản 6 tháng đầu năm 2020 là việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước được đẩy mạnh. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ kết nối đưa nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ và gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các hệ thống siêu thị, như Big C, AEON, Hapro, Vinmart…

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Các sản phẩm chăn nuôi tăng rất cao, gia cầm tăng 12%, trứng tăng 11% , sữa tăng 8%, bò tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Sau dịch tả lợn Châu Phi, chúng ta thấy xuất hiện các chuỗi chăn nuôi rất mạnh, qua đó góp phần đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Một loạt các thương hiệu về sản phẩm chăn nuôi đã xuất hiện, người Việt rất thích ăn sản phẩm chăn nuôi trong nước, động viên mãi mà bà con không ăn thịt lạnh. Đến cuối năm 2020, ngành chăn nuôi đặt trọng tâm sản xuất đủ thực phẩm để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường thịt lợn, phấn đấu tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 6,8%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần phải nhân nhanh giống, khích lệ chăn nuôi an toàn sinh học thì đàn lợn sẽ sớm được hồi phục”.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ngay sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, ngành thủy sản đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở thị trường nội địa. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã trực tiếp chủ trì hai hội nghị nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm cá tra ở thị trường trong nước. Do đó, hoạt động tiêu thụ cá tra có chuyển biến tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng dương 3% trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, việc xử lý các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật cũng được Bộ NN&PTNT quan tâm; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sữa, thúc đẩy để mặt hàng tổ yến, thạch đen được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, linh hoạt chuyển hướng nên 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190  triệu USD. Thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD, tăng 339 triệu USD.

Điều chỉnh linh hoạt sản xuất

Nhiệm vụ từ nay đến hết năm của ngành nông nghiệp là hết sức nặng nề, khó khăn, với yêu cầu đặt ra là các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm lương thực, thực phẩm phải đạt kế hoạch; tùy thuộc tình hình thị trường có thể phải sản xuất tăng cao hơn so với kế hoạch để đáp ứng nhu cầu trong nước, đủ sức bình ổn thị trường trước tác động lịch sử của đại dịch COVID-19 và xuất khẩu (cao nhất có thể).  

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, cây trồng, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn.

Đối với ngành chăn nuôi, tiếp tục kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi; đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước; đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn phù hợp, bảo đảm lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng; hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn.

Đối với thuỷ sản, tập trung nâng cao chất lượng khai thác. Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, hướng tới phát triển nghề cá hiện đại, bền vững.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn; phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển mạnh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, mực nước, xâm nhập mặn, hạn hán ở các địa phương, nhất là vùng ĐBSCL; có phương án tích nước, vận hành công trình phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất; tăng cường chỉ đạo, điều hành bảo đảm an toàn cho các đập, hồ chứa trong mùa mưa bão.

”Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm, ví dụ nông sản chính 20 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 11 tỷ USD; thủy sản 9 tỷ USD”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập146
  • Hôm nay24,869
  • Tháng hiện tại471,422
  • Tổng lượt truy cập92,849,086
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây