Quyết làm giàu với cây cam Vinh
Trong "giới" trồng cam ở Nghệ An, không ai không biết đến ông Trịnh Xuân Giáo (còn gọi là Giáo "Thiên Sơn"), bởi ông là người đầu tiên ở xứ Nghệ trồng cam theo quy trình VietGAP và đạt chứng chỉ GlobalGAP. Với chứng chỉ này (được cấp ngày 24/11/2020), trang trại cam Thiên Sơn có thể xuất khẩu cam đi các thị trường khó tính nhất trên thế giới.
Để có được thành công như ngày hôm nay, ông Trịnh Xuân Giáo đã trải qua nhiều vất vả khó khăn, có những lúc suýt phá sản. Ông Giáo kể, năm 1985 ông đi bộ đội, sau khi phục viên ông nộp hồ sơ xin vào làm việc tại Ban Văn hóa xã Bảo Thành. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình lúc đó quá khó khăn nên đến năm 1995, ông quyết định đi xuất khẩu lao động.
Hiện ông Trịnh Xuân Giáo đang trồng 60ha cam ở Con Cuông, với những cây cam Xã Đoài giống tốt nhất tại đồi Thung Bừng (xã Môn Sơn) trồng theo công nghệ Nhật Bản. Cam đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào năm tới.
Nhiều năm làm việc bên xứ người, ông Trịnh Xuân Giáo may mắn được làm việc trong trang trại nông nghiệp sạch. Từ đó ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, từ tính kỷ luật, sáng tạo trong lao động sản xuất. Sau khi "dắt lưng" được một ít vốn, năm 2001 ông trở về nước và tìm mua được 20ha đất trồng cây lâu năm ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. Nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với cây cam, ông quyết định dốc hết vốn liếng của mình vào trồng giống cam Xã Đoài lòng vàng.
"Ban đầu, trên 20ha đất này chủ cũ trồng keo, vì thế tôi phải thuê người dùng máy móc chặt và đào hết gốc keo, tiếp đến dùng máy xới và cải tạo đất. Riêng thời gian cải tạo hết 3 năm. Lúc đó, chính quyền địa phương cũng như nhiều người dân trong vùng bảo tôi điên, khùng. Cũng phải thôi, vì trước đây chưa ai trồng được cam trên vùng đất này" - ông Giáo tâm sự.
Năm 2011, trang trại trồng cam của ông Giáo cho thu hoạch quả bói. Tuy nhiên sản lượng chẳng đáng là bao vì hoa nở chi chít nhưng tới lúc đậu quả non thì bị rụng gần hết. "Tôi nhận thấy nguyên nhân chính là do phương pháp chăm sóc chưa đúng kỹ thuật. Sau thời gian mày mò tìm hiểu, tôi đi đến kết luận là nếu năm sau mà cứ trồng như thế này thì chắc chắn mình sẽ phá sản, phải đi học thôi" - ông Giáo kể.
Nghĩ vậy ông liền đi tham quan học tập một số trang trại trồng cam thành công trên địa bàn và một số địa phương khác. Sau đó, ông tình cờ quen biết một người am hiểu kỹ thuật trồng cam nên đã mạnh dạn đề xuất, mời họ về làm việc tại trang trại của mình.
Từ khi có trong tay những kỹ sư có trình độ, toàn bộ vườn cam của ông được chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách, liều lượng, đảm bảo khép kín và an toàn. Đến mùa thu hoạch cam năm 2013, ông Giáo đã có những đồng lãi đầu tiên. "Năm đó, tôi mừng lắm, cả trang trại thu hoạch được khoảng 450 tấn cam, giá bán trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, lãi hơn 6 tỷ đồng" - ông Giáo hồ hởi cho hay.
Xây dựng thương hiệu cam Thiên Sơn
Từ đó đến nay, bình quân hàng năm trang trại của ông Trịnh Xuân Giáo cho thu nhập từ 6 - 7 tỷ đồng. "Trang trại tôi khác với các trang trại khác, khi đầu ra sản phẩm có, tôi sẽ phân loại rồi đóng gói theo từng sản phẩm đã phân hạng. Chẳng hạn như cam loại A bán với giá 50.000 đồng/kg; loại B giá 40.000 đồng/kg; loại C thì 30.000 đồng/kg, tùy thời điểm" - ông Giáo cho hay.
Nhận thấy việc trồng cam theo lối tư duy cũ đã lỗi thời, quả cam dù ngon đến mấy nhưng khi thu hoạch cũng ít người biết đến nên ông Giáo bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cam Thiên Sơn, đầu tư chăm sóc cam theo quy trình VietGAP.
Đến năm 2019, khi đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, vườn cam cho sản lượng ổn định, khẳng định được uy tín trên thị trường thì ông Giáo lại muốn nâng cao chất lượng hơn nữa.
Theo đó, ông cùng các cộng sự tích cực tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về quy trình sản xuất GlobalGAP, tham vấn các chuyên gia nông nghiệp có uy tín với tham vọng, lấy bằng được chứng chỉ GlobalGAP về cho trại cam của mình nhằm đưa quả cam ra thị trường thế giới.
Sau 3 lần kiểm tra toàn diện của các chuyên gia nước ngoài thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Đức (Food Plus), các chỉ tiêu sản phẩm trong vườn cam của ông đều vượt kết quả mong đợi. Ngày 24/11 vừa qua, trang trại cam Thiên Sơn vui mừng đón nhận chứng chỉ nông nghiệp tốt toàn cầu Global Good Agricultural Practices (GlobalGAP).
Chứng chỉ GlobalGAP không chỉ giúp cho con đường xuất khẩu và tiêu thụ cam Thiên Sơn của ông Trịnh Xuân Giáo thuận lợi hơn bao giờ hết, mà còn mở ra cơ hội cho những người trồng cam đặc sản xứ Nghệ.
Sau khi đạt chứng chỉ quý giá này, trang trại cam Thiên Sơn đã có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên vào thị trường Nhật Bản thông qua siêu thị AEON. Trang trại cũng đã ký kết hợp đồng liên doanh với một công ty Nhật Bản để họ cung cấp phân bón nano, thuốc vi sinh, đến mùa thu hoạch họ sẽ bao tiêu sản phẩm cho trang trại.
Theo Cảnh Thắng/danviet.vn
https://danviet.vn/ong-nong-dan-trong-cam-vinh-dat-chuan-xuat-khau-toan-cau-thu-nhap-6-7-ty-moi-nam-20201225211059628.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã