Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm 2021, thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho vải phân hóa mầm hoa, tỷ lệ ra hoa đạt cao trên 90%. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện cho các loại sâu bệnh gây hại phát triển như thán thư, sâu đục cuống quả...
Ông Vũ Lệnh Sánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cho biết: Thời điểm tháng 5, các đối tượng sâu bệnh vẫn tiếp tục gây hại, trong đó đặc biệt sâu non đục cuống quả vải lứa 3 (từ ngày 25/4-15/5) và lứa 4 (từ ngày 15/5 trở đi), mật độ trung bình từ 3-4 con/cành, cục bộ có vườn tỷ lệ trưởng thành xuất hiện cao từ 5-7 con/cành.
Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cũng như người dân phải thường xuyên bám vườn, nắm bắt kịp thời diễn biến của tình hình sâu bệnh để sớm đưa ra các biện pháp phòng trừ. Ngoài ra, các chủ vườn thường xuyên tiến hành vệ sinh vườn, cắt tỉa những cành không mang quả, cành tăm, cành sâu bệnh để tạo thông thoáng, giảm nơi cư trú cho sâu đục cuống quả, đồng thời tạo điều kiện cho cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn cho rằng: Mặc dù tình hình sâu bệnh năm nay không căng thẳng nhưng các hộ trồng không được chủ quan. Vì nếu lơ là thì tình hình dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ khi nào, đặc biệt là bệnh sâu đục cuống quả. Nếu không phòng trừ tốt, tỷ lệ rụng quả sẽ tăng lên ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cũng như năng suất.
Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm 2021, tổng diện tích trồng vải toàn huyện trên 15 nghìn ha (tăng 160 ha so với năm 2020). Diện tích sản xuất theo quy trình VietGap là 12.400ha (tăng 700ha so với năm 2020). Diện tích đưa vào kế hoạch sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap khảng 318ha, sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn, tăng hơn 40.000 tấn so với năm 2020 (trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn). Dự báo thời gian thu hoạch vải chín sớm bắt đầu từ ngày 20/5/2021, vải thiều chính vụ bắt đầu cho thu hoạch từ khoảng 10/6 đến cuối tháng 7/2021.
Để đảm bảo chất lượng của các diện tích được cấp mã số vùng trồng, UBND huyện giao các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về các điều kiện xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản để người dân nắm rõ, thực hiện đúng trong quá trình sản xuất, thu hoạch, tem nhãn, đóng gói.
Ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn, chia sẻ: Quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng trồng vải để xuất khẩu được thực hiện rất nghiêm ngặt. Định kỳ 1-2 tuần, cán bộ nông nghiệp kiểm tra quy trình sản xuất và tra nhật ký trồng trọt của các xã để kịp thời hướng dẫn, bổ sung phương pháp chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, khuyến khích các hộ tự kiểm tra, giám sát lẫn nhau và điều này được thực hiện rất nghiêm túc.
Những hộ đã được cấp mã số vùng trồng chỉ được sử dụng những loại thuốc trong danh mục cho phép, tuân thủ đúng quy trình phun phòng. Dừng việc phun thuốc BVTV trước khi thu hoạch 10 đến 15 ngày để đảm bảo đủ thời gian cách ly theo quy định.
Ông Trịnh Văn Thạch, thôn Kép1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) là một trong những hộ đi đầu trong phát triển vườn vải theo tiêu chuẩn GlobalGap xuất đi Nhật Bản.
Ông Thạch chia sẻ: Điều quan trọng nhất khi chăm sóc vườn vải phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu là nghiêm ngặt tuân thủ các quy định, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cũng như từ phía bạn hàng Nhật Bản.
Trong quá trình chăm sóc tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ và phải sử dụng máy cắt cỏ hoặc nhổ cỏ bằng tay. Bên cạnh đó, những loại thuốc phòng trừ sâu bệnh chỉ được sử dụng trong danh mục cho phép.
“Nhật Bản là thị trường khó tính, trước khi đồng ý cấp mã số vùng trồng cho mình họ đã về trực tiếp vườn lấy mẫu đi xét nghiệm rất kỹ càng. Họ đã nghiên cứu rất kỹ các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế, khi họ cung cấp danh mục các loại thuốc được sử dụng thì mình tuân thủ, vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình, vừa tạo ra được những sản phẩm chất lượng cho cộng đồng”, ông Thạch chia sẻ.
Tương tự, gia đình ông Trịnh Đình Hãnh, thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn) cũng tham gia trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGap chia sẻ: Hiện, ông đang trồng 530 gốc vải. Bản thân là tổ trưởng tổ sản xuất của thôn nên ông thấy cái lợi lớn nhất khi tham gia trồng vải xuất khẩu là người trồng giảm được rất nhiều chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu. Bởi lẽ, quá trình chăm sóc cây sử dụng phân sinh học nhiều hơn, trong khi mình có thể tự tạo ra loại phân bón này.
Mặt khác, các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh đều trong danh mục cho phép nên giá thành rẻ hơn, việc phun thuốc có thời điểm, theo đợt, có nhật ký nên không phun tràn lan theo kinh nghiệm như trước đây, vừa tốn kém vừa không hiệu quả.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, năm nay, huyện tiếp tục tập trung cho các thị trường xuất khẩu chính gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật Bản.
Đối với thị trường Trung Quốc, tập trung sản xuất đối với 36 mã số vùng trồng đã được chấp thuận với diện tích 15.290 ha, duy trì 236 mã số cơ sở đóng gói đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu (tăng 7 cơ sở so với năm 2020).
Đối với thị trường Mỹ, EU duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng, cho 394 hộ tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc, Tân Sơn… với diện tích 217,89ha.
Riêng đối với thị trường Nhật Bản đã chấp nhận 27 mã số vùng trồng (tăng 9 mã số vùng trồng so với năm 2020), diện tích trên 194 ha (tăng 96,5ha). Đồng thời duy trì 1 cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu đáp ứng nhu cầu phục vụ xuất khẩu.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam đang có những diễn biến hết sức phức tạp, để công tác xúc tiến, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện diễn ra thuận lợi, UBND huyện Lục Ngạn đã nhanh chóng xây dựng phương án tiêu thụ vải thiều, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, phương án 1, nếu tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương trở lại bình thường. Với phương án này thì hình thức tiêu thụ chủ yếu sẽ là bán quả vải tươi. Dự kiến sản lượng tiêu thụ khoảng 114.000 tấn, chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn (sấy khô 2.000 tấn, nước ép, đóng hộp, đông lạnh 4.000 tấn).
Đối với thị trường trong nước, dự kiến có khoảng 51.000 tấn vải thiều tươi được tiêu thụ. Trong đó, tập trung vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn, các tập đoàn bán lẻ như: Big C, SaiGon.Coop, Happro, Vinmart… để đưa vải thiều Lục Ngạn vào kênh phân phối của hệ thống siêu thị và đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử đặc sản Lục Ngạn.
Đối với thị trường xuất khẩu, dự kiến khoảng 53.000 tấn, chủ yếu là thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80 - 85% và một số thị trường khác như: Australia, Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á,… Tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều trên cơ sở chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện tại, trong số 291 thương nhân Trung Quốc đăng ký sang thu mua vải thiều. Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) vừa đồng ý cho 164 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam (đợt 1) đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán và thu mua vải thiều Lục Ngạn.
Các thương nhân Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm đúng quy định như: Phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ sở y tế có thẩm quyền của Trung Quốc cấp trong thời gian 3 ngày, khi sang Việt Nam cách ly tập trung theo đúng quy định (không có trường hợp ngoại lệ).
Phương án 2, nếu tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, dự kiến sẽ có 95.000 tấn vải thiều tươi được tiêu thụ. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 60.000 tấn chủ yếu tại các thị trường lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đã Nẵng… Tiêu thụ qua xuất khẩu dự kiến khoảng 35.000 tấn (chủ yếu là thị trường Trung Quốc).
Tiêu thụ bằng hình thức sấy khô khoảng 15.000 tấn với trên 400 lò sấy của người dân trên địa bàn huyện. Hình thức bảo quản lạnh, ép nước, chế biến khoảng 10.000 tấn.
Ngoài ra, các ngành chức năng có liên quan, UBND các xã, thị trấn hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông. Quản lý chặt chẽ thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại, hạn chế tối đa hiện tượng tư thương ép cân, ép giá, trừ lùi cân, tăng giá đột biến các mặt hàng phụ trợ.
"Lục Ngạn vẫn kiên trì vận động nông dân đi theo hướng sản xuất vải thiều giá trị cao, không chạy theo số lượng. Từng bước nâng cao chất lượng quả vải, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nhất là hệ thống các siêu thị, các chuỗi bán lẻ trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất", ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, nhấn mạnh.
Nguồn tin: Trung Quân/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã