Ngày 12/6, tại Thái Nguyên, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị "Thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững". Đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, Hiệp hội chè, các địa phương sản xuất chè, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm chè tham dự hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, Việt Nam có diện tích và sản lượng chè đứng thứ 5 nhưng năng suất lại đứng hàng thứ 3 trong tổng số 50 quốc gia sản xuất chè trên thế giới. Cụ thể, với diện tích 116.633 ha, năng suất đạt 23,15 tạ khô/ha, sản lượng chè đạt 270 tấn/năm. Nếu tính từ giai đoạn 1961 đến nay, sản lượng sản lượng chè liên tục tăng mạnh và gấp 90 lần. Sự phát triển mạnh mẽ của cây chè và ngành sản xuất chè đặt ra yêu cầu mới với những thách thức mới.
Tại hội nghị, tham luận của các địa phương tập trung đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về công tác giống, khâu sản xuất, khâu chế biến, phát triển thị trường... Một số ý kiến gợi mở từ phía Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng được trình bày tại hội nghị.
Quan điểm chung được xác lập là phát triển cây chè đạt hiệu quả cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để việc phát triển sản xuất đảm bảo sự bền vững thì quy mô về diện tích trồng chè phải phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, địa bàn bố trí phù hợp với sinh thái và truyền thống canh tác, đồng thời phải có khả năng cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với các cây trồng khác trên địa bàn.
Theo Thứ trưởng, với 370 tổ chức doanh nghiệp, cá nhân xuất khẩu chè sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ với khối lượng gần 140.000 tấn, giá xuất khẩu chỉ đạt trên dưới 2 USD/kg. Trong khi đó, với mức tiêu dùng bình quân khoảng 470gram/người/năm trên tổng dân số thì lượng chè tiêu thụ trong nước khoảng 45.000 tấn. Chè nội tiêu chủ yếu là chè xanh, giá bình quân là 8 – 10 USD/kg, gấp 5 lần giá bình quân xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho người làm chè nội tiêu.
Từ thực trạng đó, Thứ trưởng gợi mở nhóm các giải pháp về khoa học - công nghệ, phải đầu tư nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn, tập trung vào các giải pháp canh tác và giải pháp sinh học như sử dụng thiên địch, sử dụng thuốc thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh hại trên chè.
Về đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân trồng chè và thực hành sản xuất bền vững thuốc BVTV theo IPM, ICM. Về quy hoạch vùng sản xuất, ngoài định dạng độ cao cho từng vùng miền để xác định giống thì gắn với các cơ sở chế biến và phân vùng nguyên liệu.
Thứ trưởng cũng yêu cầu việc hoàn thiện quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất chè an toàn. Trong đó, nhấn mạnh hiệu quả của việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ sản xuất nhỏ thành tổ hợp tác, HTX, công ty...
Về thực tiễn, nhóm những giải pháp nói trên chính là việc làm tốt công tác giống, bảo vệ thực vật và tổ chức sản xuất liên kết. Về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, Bộ NN-PTNT sẽ sớm trình Chính phủ sửa đổi chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Nguồn tin: Đồng Văn Thưởng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã