Tại phiên họp sáng nay về các vấn đề kinh tế - xã hội, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn lợn, vì khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, nhiều địa phương mất trắng đàn lợn, đến nay muốn tái đàn nhưng thiếu vốn, không có giống chất lượng.
Các doanh nghiệp lớn không muốn cung cấp giống ra thị trường, hoặc bán với giá cao ngất ngưởng, không thể đến tay người chăn nuôi. Nhưng nếu có sự hỗ trợ của nhà nước, tôi tin rằng đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, đàn lợn trong nước sẽ được phục hồi như trước khi dịch tả lợn Châu Phi nổ ra.
Từ đó, không bị áp lực giá lợn tăng cao, không bị doanh nghiệp găm hàng để khống chế giá thị trường mặc dù nhà nước đã có nhiều giải pháp kéo giá xuống.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhận định: “Việc điều tiết giá cả không thể thực hiện được bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải bằng việc quản lý, điều tiết từ “bàn tay vô hình” của nhà nước”. Những mặt hàng thị trường quyết định giá phải xem việc tăng giá do khâu sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có giải pháp hỗ trợ.
“Không nên để như thời gian qua, dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên ti vi, nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu và nếu cần thiết thì kinh tế nhà nước phải tham gia. Nếu do khâu lưu thông thì phải có biện pháp hợp lý, thậm chí cân nhắc cả đến việc nhà nước thu mua trực tiếp và cung ứng trực tiếp ra thị trường”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh giá cao công tác phòng, chống Covid-19 của Việt Nam giúp "cuộc sống nhân dân gần trở lại bình thường". Tuy nhiên, bà Yến phản ánh hiện giá thịt lợn vẫn còn cao, do vậy Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát, đưa ra gói hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại, người dân tái đàn lợn, tránh việc phải nhập khẩu khối lượng lớn thịt từ nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ, đồng hành của Chính phủ. Chỉ khi nào tiếp cận được dòng tiền thì doanh nghiệp mới kích hoạt được cỗ máy kinh doanh, tái khởi động trên thực tế.
Do đó, cần phải có gói hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp, tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Nhà nước khơi thông nền kinh tế thông qua hỗ trợ chiều sâu cho các doanh nghiệp trong nước, hoạt động theo trục liên kết cung cầu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao. Bởi “Chỉ khi bắt đúng bệnh thì mới hỗ trợ đúng và trúng”, ông So nói.
Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, trong lĩnh vực nông nghiệp, cần có chính sách đặc thù thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến nông sản, thu hoạch để giải quyết bài toán ùn ứ, vừa điều tiết được thị trường trong nước, không lặp lại điệp khúc giải cứu.
Theo Minh Phúc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã