Học tập đạo đức HCM

Sáng tạo và tích cực đẩy mạnh sản xuất trong tình hình mới

Thứ hai - 27/09/2021 19:36
Để chủ động nguồn cung trong tình hình mới, ngành nông nghiệp các địa phương đang tích cực thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản.
san-xuat-rau-xanh-1508367632114.jpg
Hiện nay, nhịp độ sản xuất nông nghiệp ở các địa phương đã trở lại bình thường.

Hà Nội: Đẩy nhanh nhịp độ sản xuất nông nghiệp

Sau khi thành phố Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán ăn… được hoạt động trở lại, nhu cầu về nông sản, thực phẩm sẽ tăng cao. Để chủ động nguồn cung trong tình hình mới, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Hiện nay, do nhu cầu của người dân tăng cao nên để đáp ứng nhu cầu, các trang trại, hợp tác xã đẩy mạnh việc xuống giống, tăng đàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan cho biết, trong 4-5 ngày nay, công ty đã tăng công suất hoạt động lên 50% so với thời điểm giãn cách xã hội, mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn thịt và sản phẩm từ thịt gia cầm (gà, ngan, vịt, chim câu…). Việc tiêu thụ rất suôn sẻ khi công ty thực hiện kết nối với Công ty Ngôi sao xanh để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, công ty còn kết nối với khách hàng lẻ qua các nhóm Zalo, Facebook và xây dựng đội ngũ giao hàng đến tận ngõ cho khách hàng. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ cũng như doanh thu của công ty dần phục hồi, đạt khoảng 70% so với thời điểm khi đợt dịch thứ 4 chưa bùng phát.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, do nhu cầu tăng cao và việc nới lỏng giãn cách xã hội thuận tiện cho việc tiêu thụ, nhờ vậy, trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung ứng hơn 15 tấn rau các loại cho thị trường Hà Nội, góp phần bảo đảm nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, các thành viên trong hợp tác xã cũng đang đẩy mạnh việc chăm sóc 200ha rau màu vụ đông với các loại: Bắp cải, su hào, cà chua, cải thảo…

Cũng về vấn đề này, ông Phạm Văn Long, chủ trang trại chăn nuôi gà ở xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Hiện tại, khi thành phố Hà Nội thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, dù chưa được như thời điểm đầu năm 2021, song, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trong mọi tình huống, trang trại tăng quy mô 12.000 con gà tại Khu công nghiệp Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và 1 trang trại chăn nuôi gà ấp trứng với quy mô 6.000 con tại thôn Trung Cao, xã Trung Hòa”.

Đánh giá về hoạt động sản xuất của các trang trại, hợp tác xã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp cuối năm, Hà Nội tiếp tục duy trì, phát triển đàn bò 164.000 con; đàn lợn đạt 1,6-1,8 triệu con; đàn gia cầm đạt 38-40 triệu con; đẩy mạnh sản xuất vụ đông với mục tiêu gieo trồng gần 30.000ha; duy trì sản xuất 5.000ha rau an toàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, để mở rộng diện tích sản xuất, tận dụng tối đa diện tích đất bỏ hoang, vụ đông năm 2021, huyện triển khai hỗ trợ 21ha khoai tây thương phẩm, 50ha bí đỏ, 27ha bí xanh, mức hỗ trợ là 50% chi phí giống, 50% thiết bị, vật tư thiết yếu (chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...); 100% chi phí tập huấn kỹ thuật sản xuất an toàn, quản lý, liên kết tiêu thụ theo chuỗi; 100% công chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất đối với sản xuất khoai tây. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, đến nay toàn huyện cơ bản thu hoạch xong vụ mùa và hướng dẫn nông dân trồng vụ đông. Vụ đông năm nay huyện phấn đấu gieo trồng hơn 800ha, cơ cấu vẫn trọng tâm là các loại rau, củ, quả. Trong đó, diện tích rau khoảng 480ha ở các xã ven Đáy như Viên An, Viên Nội, Sơn Công… còn trồng khoai tây, khoai lang, ngô ở các xã như Phù Lưu, Hòa Nam. Để nông dân không bỏ ruộng, huyện sẽ hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng cho vụ đông về giống. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ người dân về xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay nhịp độ sản xuất nông nghiệp ở các địa phương đã trở lại bình thường. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, Hà Nội tập trung vào hỗ trợ cho các cơ sở chế biến nông sản để thực hiện việc sơ chế, bảo quản nông sản khi vào vụ thu hoạch; xây dựng kho chứa nguyên liệu; đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân để sản xuất ra những sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng…

Ngoài ra, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh sản xuất rau, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch, bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ về vốn thông qua nguồn vốn Quỹ Khuyến nông để các trang trại, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất. Hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn; xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh việc phát triển mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại; trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ tổ chức bán hàng qua các kênh online để người sản xuất và doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Ninh Bình: Nông dân linh hoạt để tiêu thụ nông sản

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc tiêu thụ nông sản gặp khó, giá bán giảm trong khi giá vật tư sản xuất tăng. Trước những khó khăn này bà con nông dân trong tỉnh đã linh hoạt tìm giải pháp để thích ứng.

Anh Phan Văn Miền (xóm 4, Đông Sơn, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô) sở hữu trang trại hơn 3 ha nuôi 700 con lợn, hàng trăm con bò, dê, ngoài ra anh còn nuôi cá, gia cầm và trồng rau, hoa quả. Trước đây, các thương lái tranh nhau đến tận trang trại để thu mua sản phẩm. Nhưng hơn 1 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc tiêu thụ chững lại, giá nhiều mặt hàng giảm mạnh, đặc biệt là thịt lợn và cá.

Anh Miền chia sẻ: Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, mức độ tiêu thụ giảm cùng với giá bán chạm đáy, dưới giá thành. Trước nguy cơ thua lỗ, buộc gia đình phải tìm cách tiêu thụ trực tiếp các sản phẩm của mình, giảm các khâu trung gian, tránh bị thương lái ép giá.

nb.jpg
Cửa hàng bày bán các loại nông sản an toàn, có nguồn gốc xứ rõ ràng.

Sẵn mặt bằng cửa hàng, mỗi dịp cuối tuần gia đình lại tự giết mổ lợn, dê, bò để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con trong vùng. Vì là sản phẩm được chăn nuôi theo hướng hữu cơ, lại được tiêu thụ trong ngày đảm bảo tươi ngon nên nhanh chóng hút khách. Đặc biệt, đối với cá, chúng tôi chế biến thành chả cá vừa ngon, lạ miệng, tiện dụng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng và dễ dàng vận chuyển. Mỗi ngày, gia đình tiêu thụ được 20-30 kg chả cá tương ứng với 1 tạ cá tươi.

Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Mô cho biết: Cách làm của anh Miền rất sáng tạo, phần nào giảm bớt khó khăn trong thời điểm dịch bệnh. Hiện nay, chúng tôi đang tạo điều kiện để anh Miền mở một cửa hàng nông sản sạch.

Cửa hàng này cùng với hệ thống hơn 20 cửa hàng nông sản sạch khác (do các cấp Hội Nông dân trong tỉnh hỗ trợ thành lập) và hơn 30 HTX, 136 Tổ hợp tác chuyên ngành sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn tạo ra nguồn hàng đảm bảo về chất lượng, phong phú về chủng loại sẽ là điểm đến tin cậy cho người tiêu dùng. Ðây là mô hình xúc tiến thương mại đối với nông sản rất phù hợp và hiệu quả trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Không có điều kiện để mở cửa hàng như anh Miền, nhiều nông dân lại sử dụng hình thức bán hàng trực tuyến. Đây là một kênh tiêu thụ hiệu quả, giúp rút ngắn khoảng cách giữa người nông dân và khách hàng, bỏ qua các khâu trung gian.

Chị Phạm Thị Tuyến, nông dân thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp chia sẻ: Gia đình có 3 ha đất đồi trồng dứa, ổi, nhãn kết hợp với nuôi gà. Trước đây, tôi thường xuất thẳng cho thương lái nhưng từ ngày dịch bệnh COVID-19, nông sản bị ép giá mạnh. Thương bố mẹ làm ruộng vất vả, mà phải bán nông sản với giá thấp, không có công, trong khi đó, theo dõi ngoài chợ thấy người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao, con gái tôi đã chụp ảnh, livestream giới thiệu các sản phẩm nông sản của gia đình trên trang Facebook của cháu.

Ban đầu là anh em, bạn bè quen biết mua ủng hộ, sau thấy chất lượng tốt, tươi ngon, giá cả hợp lý nên lượng khách đặt hàng ngày càng nhiều. Tuy có vất vả hơn trước vì thu hoạch lẻ tẻ, lại mất công đi giao hàng nhưng trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh thì đây là cách làm tốt nhất để những nông dân chúng tôi yên tâm duy trì sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản được duy trì, ổn định sản xuất, không bị ngưng trệ vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Tuy nhiên về đầu ra cho nông sản, thực phẩm thì bị ảnh hưởng do các thành phố lớn, lượng tiêu thụ nhiều đang bị hạn chế tập trung (không được tổ chức sự kiện, ăn uống đông người,… ) nên đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng.

Ngoài ra, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rau, thủy sản tươi sống, cơ bản tiêu thụ dạng thô, chưa qua chế biến dẫn đến khó bảo quản, khó vận chuyển. Trong khi đó, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến giá vận chuyển tăng, kéo dài thời gian vận chuyển đến nơi tiêu thụ, làm sản phẩm bị biến chất, bị hỏng ảnh hưởng tới giá trị.

Cùng với sự năng động của người nông dân, các địa phương, các tổ chức cũng cần quy hoạch các vùng trồng rau, quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tập trung, có quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đồng thời bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát quá trình nuôi trồng, chế biến, để tăng tỷ trọng thực phẩm sạch trên thị trường.

Ngành Công thương cần tích cực đẩy mạnh triển khai tập huấn, hướng dẫn các địa phương để giúp các hộ nông dân tham gia sàn thương mại điện tử. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan, tổ chức đoàn thể, chính quyền liên kết với nhau để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, kho lạnh, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp để cùng nhau sản xuất, mua chung, bán chung nhằm giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…

Thanh Hóa: Cần tư duy, tâm thế mới để đồng mẫu “lớn lên”

Năm 2011, cánh đồng mẫu lớn (nay là cánh đồng lớn) được thí điểm xây dựng. Đây được xem là một trong những giải pháp để tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và một số ngành hàng nông sản khác ở nhiều tỉnh, trong đó có Thanh Hóa.

Năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều huyện đã vận động người dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp, HTX để phát triển sản xuất, tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn.

245d6190636t4757l5-loc-troi-15622569472.jpg
Ảnh minh họa

Tỉnh Thanh Hóa cho thấy quyết tâm rất cao cũng như sự quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, để mục tiêu đề ra sớm hiện thực bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn phụ thuộc vào tư duy, tâm thế tham gia của các chủ thể vào “cánh đồng” ấy như thế nào.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mới đây cho biết: Cánh đồng lớn dường như chưa “lớn” như mong đợi, mà đây đó đang bị “thu nhỏ dần”, thậm chí rơi vào quên lãng. Sau một thời gian rầm rộ, dường như bây giờ đang trở nên hụt hơi. Doanh nghiệp thì xoay xở bài toán khát vốn liên kết thu mua, nông dân thì loay hoay tìm kiếm đầu ra ổn định.

Rồi cứ mỗi mùa vụ lại tái diễn tình trạng “lật kèo”, hợp đồng liên kết bị phá vỡ khi thì do bên bán, lúc tại bên mua. Niềm tin vừa chớm nở ở mùa trước, lại mất đi chóng vánh ở mùa vụ tiếp theo. Chính quyền đôi khi ở vào tình thế khó xử, bất lực.

Kiên định với mục tiêu cánh đồng lớn, nhưng nếu chỉ là những mảnh ghép cơ học để cộng thêm chu vi, diện tích, thì vẫn cứ là tư duy sản xuất gắn liền với mục tiêu gia tăng sản lượng. Dù sản lượng ngày càng nhiều hơn từ những cánh đồng lớn nhờ vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, nâng cao năng suất giống, cải tiến quy trình canh tác, cải thiện năng suất lao động, thì giá trị gia tăng của ngành hàng lúa gạo vẫn chưa thể chuyển đến tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị được.

Giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng nông sản chủ yếu ở khâu sau thu hoạch. Để thực hiện yêu cầu đó, vai trò của kinh tế tập thể, nhất là các HTX nông nghiệp sẽ là “mắt xích” quan trọng để liên kết với doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất khó để có thể liên kết cùng lúc với các nông hộ trong một cánh đồng lớn, mà cần liên kết với người đại diện có tư cách pháp nhân. Đó chính là những HTX nông nghiệp kiểu mới được dẫn dắt bởi những người có đủ kiến thức thị trường, kỹ năng, quan hệ với doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì tư duy của một bộ phận nông dân vẫn chưa thoát khỏi sự cổ hủ, nên dù cho đã có nhiều HTX nông nghiệp ra đời, nhưng họ vẫn đứng ngoài, để làm theo kiểu của riêng mình.

Lợi ích của cánh đồng lớn là rõ ràng, nhưng để vận hành như mong muốn, thì cần phải có những cái đầu biết suy nghĩ rộng hơn./.

Theo Thanh Tâm (T/h)/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/sang-tao-va-tich-cuc-day-manh-san-xuat-trong-tinh-hinh-moi-post45756.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập200
  • Hôm nay37,611
  • Tháng hiện tại246,911
  • Tổng lượt truy cập92,624,575
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây