Tuy nhiên, với phương pháp canh tác hồ tiêu bền vững, theo hướng hữu cơ, không ít người trồng tiêu đã vượt qua nghịch cảnh, “thủy chung” với cây hồ tiêu.
Được thành lập từ năm 2016, HTX Tiêu sạch bền vững Hưng Phước là một trong những HTX tiên phong của tỉnh Bình Phước trong việc tập hợp, liên kết người dân sản xuất tiêu hướng hữu cơ.
HTX có trên 70 thành viên với diện tích canh tác gần 150 ha. Ban đầu, do chưa nhìn thấy hiệu quả việc trồng tiêu hướng hữu cơ mang lại, nên số thành viên HTX tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau hơn 6 năm hình thành và phát triển, hiện 100% thành viên của HTX đã bắt tay sản xuất tiêu hướng hữu cơ, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm chất lượng.
Dẫn chúng tôi thăm quan vườn tiêu trên 4.000 trụ xanh tốt được trồng theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn RA (Rainforest Alliance - Liên minh rừng nhiệt đới), mỗi năm cho năng suất ổn định trên 10 tấn, với giá bán cao hơn thị trường từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg.
Ông Bùi Quốc Hay, Giám đốc HTX cho biết, trước đây, vì lợi nhuận, không ít bà con sẵn sàng lạm dụng phân, thuốc kích thích để ép tiêu cho năng suất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vô tội vạ. Trong khi đó, “tiêu sạch” là cụm từ khá mới mẻ.
Khi sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ, người trồng chủ yếu dùng phân hữu cơ, hạn chế phân bón hóa học ít nhiều sẽ tác động đến sản lượng. Từ đó, không ít bà con đặt vấn đề sản xuất tiêu hướng hữu cơ để làm gì, bán cho ai? Vì cái lợi trước mắt, mỗi bà con làm mỗi kiểu, không ít thành viên quay lưng với HTX.
Tuy nhiên, với mục tiêu, “vì thành viên phục vụ”, khi tham gia HTX, các thành viên được hỗ trợ rất nhiều mặt như: Đào tạo, tập huấn về kỹ thuật canh tác tiêu bền vững; an toàn lao động trong quá trình canh tác; tập huấn về bộ nguyên tắc tiêu chuẩn RA...
Ngoài ra, thành viên còn được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, phân bón, nông cụ sản xuất. Đặc biệt, sản phẩm được đối tác thu mua với giá cao hơn thị trường. Từ đó, ngày càng nhiều thành viên xin tham gia sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ.
“Hiện tất cả các hộ thành viên đều tuân thủ theo quy trình sản xuất của HTX, được giám sát chặt chẽ; thực hiện đúng quy trình sản xuất tiêu theo tiêu chí R.A. Các loại phân bón, thuốc BVTV đều được HTX kiểm định rõ ràng trước khi các thành viên sử dụng” ông Hay chia sẻ.
Tham gia HTX Tiêu sạch bền vững Hưng Phước từ những ngày đầu mới thành lập, anh Vũ Đức An cho biết, gia đình anh có 2 ha tiêu, không chỉ gia đình anh, trong quá trình canh tác, tất cả các hộ trong HTX đều nghiêm túc thực hiện theo các tiêu chuẩn đã đề ra.
Theo đó, gia đình anh hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học hay thuốc BVTV, mà thay thế bằng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học để bảo vệ và chăm sóc cây. Chính vì vậy, nông dân vừa đảm bảo sức khỏe, không tác động xấu đến môi trường, mặt khác, khi thực hiện mô hình canh tác tiêu hướng hữu cơ, hiệu quả rõ rệt nhất chính là năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm của cây tiêu luôn được đảm bảo.
“Điều đặc biệt trong quá trình canh tác này, tôi nhận thấy rằng tuổi thọ cây tiêu kéo dài hơn và ít bị sâu bệnh so với phương pháp cũ. Cùng với đó, việc bao tiêu sản phẩm được thực hiện tốt, giá cả cao so với thị trường nên đảm bảo quyền lợi của các thành viên tham gia. Với giá tiêu giao động từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ gia đình tôi thu lãi được từ 50 - 100 triệu đồng”, anh An tiết lộ.
Theo Sở N-PTNT tỉnh Bình Phước, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những năm gần đây, diện tích tiêu toàn tỉnh từ hơn 17.000 ha giảm xuống còn khoảng 15.800 ha. Mặt khác, do giá tiêu giảm thấp nên người trồng ít đầu tư, thậm chí chặt bỏ thay bằng các loại cây trồng khác nên sản lượng tiêu bình quân toàn tỉnh liên tiếp sụt giảm.
Trước thực trạng đó, Bình Phước đã cùng doanh nghiệp triển khai xây dựng dự án chuỗi liên kết trồng "tiêu sạch" theo hướng hữu cơ. Các chuỗi này đều do HTX làm chủ và liên kết thành công với các doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu.
Hiện khoảng 30% diện tích tiêu của tỉnh được đánh giá đạt chuẩn hữu cơ và không dư lượng thuốc BVTV, đang được đối tác thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, ban đầu việc triển khai xây dựng dự án chuỗi liên kết trồng tiêu hữu cơ được thực hiện tại 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản. Từ năm 2015 đến nay, đã nhân rộng ra toàn tỉnh.
Không chỉ nhận thức của người dân về sản xuất an toàn, hữu cơ ngày càng chuyển biến tích cực, mà sự chênh lệch giá giữa các sản phẩm an toàn và không an toàn cũng giúp nông dân hướng đến sản xuất hữu cơ nhiều hơn.
Hiệu ứng tích cực của dự án đã lan tỏa và là tiền đề cho các chương trình, dự án khác trong liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp. Từ đó góp phần cải thiện thị trường cho các sản phẩm bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế, gắn với bảo vệ hệ sinh thái trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một gay gắt như hiện nay.
“Thời gian tới, Bình Phước sẽ nâng cao chất lượng hạt tiêu, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản xuất hồ tiêu theo Rain forest Alliance và Organic, cụ thể: Chọn giống tốt, trồng mật độ thích hợp, chăm sóc đúng quy trình tạo hạt tiêu chắc hạt có dung trọng cao; đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến tiêu trắng và tiêu nghiền bột; phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu... Đây là hướng đi bắt buộc để đảm bảo sự phát triển bền vững”, Bà Tuyết nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã