Làng nghề sơn mài Hạ Thái mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Ảnh: Thiện Tâm |
Bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hội sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Hải, huyện Thường Tín cho biết, làng Hạ Thái xưa kia vốn là một làng nông nghiệp, từ thế kỷ XIX làng đã bắt đầu có nghề sơn mài đồ nét (hoành phi, câu đối và các đồ thờ cúng). Đến đầu thế kỷ XX các nghệ nhân trong làng thợ giỏi đã nghiên cứu và cải tiến chất liệu từ quang dầu chuyển thành sơn mài. Đặc biệt, năm 2003, Hạ Thái là một trong hai làng nghề thủ công mỹ nghệ trong cả nước được tổ chức Jica Nhật Bản và UBND tỉnh Hà Tây chọn làm điểm chiến lược làng nghề bền vững đến năm 2010. Đặc biệt, làng nghề sơn mài Hạ Thái còn nhận được sự quan tâm để phát triển làng nghề của Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội nên người dân trong làng cũng yên tâm sản xuất, tích cực lao động sáng tạo để cho ra những thành phẩm có giá trị cao. Ngoài ra, năm 2020 được thành phố công nhận là điểm du lịch làng nghề, đây chính là điều kiện thuận lợi để cho làng nghề sơn mài Hạ Thái vừa phát triển sản xuất vừa gắn với phát triển du lịch, từ đó tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong vùng.
Các sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái được tạo ra chủ yếu là các mặt hàng sơn mài mỹ nghệ với công nghệ sản xuất chủ yếu là thủ công, từ khối óc và bàn tay khéo léo của những người thợ trong làng. Làng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, có nguồn lao động dồi dào sẵn có. Quy trình và công nghệ sản xuất cũng được tìm tòi, vận dụng để nâng cao chất lượng, số lượng phát triển sản phẩm đáp ứng về thời gian nhu cầu của các thị trường tiêu thụ.
Nhiều năm nay, các sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Úc, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc... Giá trung bình cho các sản phẩm dao động từ 1-5 triệu đồng loại nhỏ và hàng chục triệu đồng với các tác phẩm cầu kỳ, kích thước lớn. Doanh thu mỗi hộ hằng năm trung bình đạt 150-200 triệu đồng. Doanh thu của làng trung bình mỗi năm gần đây từ 20 đến trên 30 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ thị trường quốc tế đạt 70% và trong nước đạt 30%.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc xuất khẩu sản phẩm của sơn mài Hạ Thái cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên người dân trong làng vẫn duy trì sản xuất, đợi khi dịch bệnh ổn định sẽ tìm đường để xuất khẩu, phát triển trở lại. Theo bà Hồi, hiện nay trong làng có mấy chục công ty, doanh nghiệp và nhiều hộ gia đình phát triển sản xuất nghề sơn mài nên vẫn đảm bảo được thu nhập cho lao động địa phương và một số nơi khác, tuy không phát triển được mạnh nhưng vẫn khá ổn định.
Làng nghề sơn mài Hạ Thái vừa phát triển sản xuất vừa khai thác thế mạnh để phát triển du lịch. Ảnh: Thiện Tâm |
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cho đến nay sản phẩm sơn mài vẫn có vị trí trong đời sống tinh thần văn hóa của mọi gia đình. Sản phẩm của làng nghề là một mặt hàng quan trọng tiêu biểu để mọi người có thể làm quà tặng, vật trang trí, có giá trị nghệ thuật văn hóa hóa tín ngưỡng cao, được lưu truyền trong nhiều thế hệ của người dân Việt Nam.
Để các làng nghề vươn lên trong xu thế hội nhập, có sự liên kết chặt chẽ, giữa các làng nghề với các làng nghề, Hạ Thái rất cần sự hỗ trợ để đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu làng nghề, thực hiện chương trình đề án “Mỗi xã 1 sản phẩm OCOP” nhiều sản phẩm làng nghề đạt chuẩn 3 sao, 4 sao…
Bên cạnh đó là xây dựng trung tâm hoặc cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại làng nghề, các khu du lịch làng nghề của thành phố, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dễ tiếp cận và trao đổi thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Nầng cao, đào tạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ về pháp lý, cạnh tranh lạnh mạnh, bền vững trong quá trình phát triển kinh tế hội nhập.
Thường xuyên tổ chức các hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối các chuỗi bán hàng, tìm nhà cung cấp, phân phối.
Đặc biệt để phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, cần tạo thành chuỗi liên kết các điểm du lịch giáp danh với làng sơn mài Hạ Thái gồm đền thờ Danh nhân Nguyễn Trãi xã Nhị Khê, Chùa Đậu xã Nguyễn Trãi, Văn từ Thượng Phúc xã Văn Bình, làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân, Nhà thờ giáo xứ Bằng Sở- xã Ninh Sở…
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/phat-trien-kinh-te-nong-thon-tu-lang-nghe-son-mai-ha-thai
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã