Kể từ ngày sản phẩm dầu lạc Linh Phương được gắn OCOP 3 sao, chị Phạm Thị Thùy Linh bỗng nổi tiếng cả một vùng. Phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đã tìm về xã Hà Đông (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) và hỏi tên chị thì ai cũng biết.
Trao đổi với phóng viên, chị Phạm Thị Thùy Linh chia sẻ: "Gia đình đã có hơn 20 năm trong nghề ép dầu lạc, vừng, đậu. Trước kia cơ sở sản xuất đơn sơ, các công đoạn làm bằng phương pháp thủ công, sản phẩm tạo ra với số lượng không nhiều".
"Sau nhiều ngày tìm kiếm trên thị trường, tôi nhận thấy người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Qua đó, năm 2019, tôi đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để mở rộng xưởng sản xuất và mua các loại máy móc như: Máy ép lạc tự động, nồi hơi...", chị Thùy Linh chia sẻ thêm.
Để chiết xuất ra những giọt dầu lạc phải trải qua nhiều bước như: Cho lạc vào rang thơm, tiếp theo ủ lạc cho kiệt nước, sau đó cho hạt lạc vào ép. Chất bã khi ép từ lạc sẽ làm thức ăn cho gia súc.
Nguyên liệu được chị Thùy Linh thu mua chủ yếu ở các huyện như: Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa…thông thường cứ 2-2,1 kg lạc thì ép được 1 lít dầu, giá bán giao động từ 100.000-120.000 đồng/lít.
Tâm sự với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, chị Phạm Thị Thùy Linh bộc bạch: "Hiện nay, cơ sở sản xuất dầu lạc Linh Phương khó khăn lớn nhất là nguồn nguyên liệu. Để giảm giá thành sản phẩm, chúng tôi mong UBND huyện Hà Trung tạo điều kiện, hỗ trợ cho cơ sở xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Từ đó, liên kết bao tiêu sản phẩm với người dân, chủ động được nguyên liệu chất lượng tại chỗ, góp phần phát triển sản xuất của địa phương".
Được biết, với dây chuyền sản xuất mới, công đoạn ép dầu nhanh gấp 1,5 lần so với cách làm thủ công. Qua tính toán của chị Thùy Linh, mỗi tháng cơ sở ép từ 1.500-1.800 lít dầu, doanh thu trung bình mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng.
Nhờ thay đổi công nghệ, sản phẩm dầu lạc Linh Phương được nhiều gia đình tin tưởng, sử dụng. Năm 2019, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Đồng thời, nhằm khẳng định dầu lạc Linh Phương đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chị Thùy Linh đã hoàn thiện các thủ tục giấy tờ, nhãn mác, bao bì, tem mã vạch để xây dựng nhãn hiệu riêng cho sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, để tạo nên những lít dầu lạc nguyên chất, mọi công đoạn đều được chị Thùy Linh thực hiện cẩn thận, nguyên liệu nhập về được chọn lọc tỉ mỉ, loại bỏ các hạt lạc bị mốc, lép...Vì thế, sản phẩm dầu lạc Linh Phương vừa đưa ra thị trường đã được các bà nội trợ trong và ngoài tỉnh đón nhận.
"Sản phẩm dầu lạc Linh Phương đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đánh giá sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Để phát triển thương hiệu sản phẩm của địa phương, thời gian qua, UBND huyện Hà Trung đã chủ động tư vấn để cơ sở hoàn thiện phiếu đăng ký phương án kinh doanh, hoàn thiện nhà xưởng, máy móc....Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ cơ sở tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, qua đó, khẳng định một thương hiệu thực phẩm sạch của địa phương", ông Nguyễn Văn Thịnh- Trưởng Phòng NNPTNN huyện Hà Trung cho biết.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã