Tính đến thời điểm hiện tại, các DN ngành thủy sản đều đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý 1 với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, nguyên nhân chính được lý giải là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đồng loạt sụt giảm doanh thu và lợi nhuận
Quý 1 năm trước, Thủy sản Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đạt tổng doanh thu (DT) 1.789 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) 307,4 tỷ đồng, thì kết quả kinh doanh trong quý 1 năm nay lại khác hẳn khi DT và LNST lần lượt đạt 1.636 tỷ đồng và 152 tỷ đồng, giảm lần lượt 8,6% và 50,6% so với cùng kỳ.
Cũng có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh là Thủy sản Nam Việt (HoSE: ANV), DT quý 1 năm nay giảm 10,9% so với cùng kỳ, chỉ đạt 811 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 910 tỷ đồng); LNST giảm tới 78,3%, đạt 43,4 tỷ đồng (cùng kỳ đạt tới 200,3 tỷ đồng).
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (HoSE: IDI) cũng có kết quả kinh doanh quý 1 khá "thất bại" khi DT sụt giảm khoảng 17,6%, chỉ đạt 1.462,6 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 1.774 tỷ đồng. Theo giải thích của IDI, thời điểm quý 1 là giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới và đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình xuất khẩu cá tra fille đông lạnh. Chưa kể, thị trường xuất khẩu bị gián đoạn, giá cá xuất khẩu giảm mạnh, cùng với giá cá nguyên liệu trên thị trường giảm làm ảnh hưởng đến giá cá tra xuất khẩu của công ty.
Kết quả là LNST của IDI càng "thảm" hơn khi chỉ đạt 13 tỷ đồng, sụt giảm tới… 91,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt tới 154 tỷ đồng).
Tại Thuỷ sản Cửu Long An Giang (ACL), mặc dù các khoản chi phí phát sinh trong kỳ đều giảm, song lợi nhuận sau thuế quý 1 của ACL chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, giảm sâu so với số lãi 54,5 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 14 quý gần đây của ACL.
Hàng loạt DN ngành thủy sản khác cũng có kết quả kinh doanh ảm đạm so với cùng kỳ năm trước, chẳng hạn như: SJ1 (Nông nghiệp Hùng Hậu) có DT giảm 13% so với cùng kỳ, đạt 250 tỷ đồng; LNST giảm 14,7%, đạt 2,9 tỷ đồng; ABT (Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre) có DT giảm 27,1%, đạt 75 tỷ đồng, trong khi LNST giảm tới 94%, chỉ đạt 700 triệu đồng (cùng kỳ đạt tới 11,2 tỷ đồng); AAM (Công ty CP Thủy sản Mekong) cũng có doanh thu giảm 8,3% so với cùng kỳ và LNST giảm 79,1% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 41 tỷ đồng và 700 triệu đồng…
Ở chiều ngược lại, một số DN ngành thủy sản lại có doanh thu và lợi nhuận sau thuế lại khá khả quan so với cùng kỳ, chẳng hạn: BLF (Công ty CP Thủy sản Bạc Liêu) có DT tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 147 tỷ đồng; đồng thời LNST cũng tăng tới 275%, đạt 1,5 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 400 triệu đồng).
Tương tự, CMX (Công ty CP Camimex Group) có doanh thu tăng tới 54%, đạt 285 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 185 tỷ đồng), nhưng LNST lại giảm 37%, chỉ đạt 15,3 tỷ đồng so với cùng kỳ (đạt 24,3 tỷ đồng)…
Một đơn vị đáng chú ý khác là Xuất nhập khẩu thủy sản An giang (Agifish, AGF), BCTC quý 1 cho thấy, chỉ tiêu doanh thu thuần của DN này giảm nhẹ gần về 172 tỷ. Sau khi khấu trừ chi phí, Công ty lỗ ròng hơn 2 tỷ đồng, mặc dù thua lỗ song con số đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 122 tỷ hồi quý 1 năm ngoái.
Dè dặt với chỉ tiêu kinh doanh 2020
Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, hầu hết các DN ngành thủy sản đều đã công bố mục tiêu kinh doanh 2020 với những mục tiêu có phần thận trọng, thậm chí là dè dặt. Chẳng hạn, "ông lớn" Vĩnh Hoàn (VHC) lần đầu tiên đưa ra kế hoạch đi lùi, cho cả 2 kịch bản "cao" và "thấp". Theo đó, ở kế hoạch "cao", DN dự kiến LNST giảm 9% xuống 1.063 tỷ đồng và DT chỉ tăng 9%, đạt 8.600 tỷ đồng. Trong khi đó, với kế hoạch "thấp", DT dự kiến của VHC giảm 18%, đạt 6.450 tỷ đồng và LNST giảm 68%, xuống mức 800 tỷ đồng so với kết quả 2019.
Tương tự, kế hoạch lãi sau thuế 2020 của Nam Việt (ANV) cũng dự kiến giảm mạnh 72%, được kỳ vọng ở mức 200 tỷ đồng.
Với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI), DN này đặt kế hoạch DT gần 7.145 tỷ đồng, tăng đến 37% so với năm 2019. Tuy nhiên, LNST kế hoạch sẽ giảm 39%, xuống còn hơn 160 tỷ đồng.
Một số ít DN ngành thủy sản khác lại đặt ra kế hoạch khá khả quan, chẳng hạn, Thực phẩm Sao Ta (FMC) lên kế hoạch lãi trước thuế 2020 trong khoảng 240-250 tỷ đồng, tương đương tăng từ 4-9% so với kết quả năm trước. Trong khi đó, DT 2020 của FMC được mong đợi tăng trưởng 10%, đạt 176 triệu USD.
Tương tự, AGF (Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang) - DN con của Thủy sản Hùng Vương (HVG) dù mới bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE (hiện đang niêm yết trên sàn UpCOM), trong năm 2020 với sự rót vốn hỗ trợ từ phía Thaco vào công ty mẹ, DN kỳ vọng sẽ tái cấu trúc toàn bộ, xóa nợ khó đòi, mục tiêu doanh thu 880 tỷ, lợi nhuận 22 tỷ đồng trong năm 2020.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là mục tiêu của "vua tôm" Minh Phú (MPC). Năm 2020, DN này đưa ra kế hoạch lợi nhuận 2020 gấp 3 lần kết quả năm trước, dự kiến đạt 1.368 tỷ đồng lãi trước thuế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã