Học tập đạo đức HCM

Thủ tướng đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới

Thứ ba - 10/11/2020 10:16
Sáng nay (10/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIV.
ttg.jpg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất

Không chỉ riêng trong năm 2020 này mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Vùng ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, có địa phương đã đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong hàng thập niên, kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid 19.

Trong khó khăn, bài học từ "câu chuyện bó đũa", từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tinh thần đó một lần nữa đã được khẳng định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt năm 2020 khi Việt Nam đối diện, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid 19, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Với những thành tựu đạt được trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm lớn hơn trong những vấn đề khu vực và toàn cầu. Chúng ta đã hoàn thành tốt trọng trách và các cam kết tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế như vai trò chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng liên nghị viên các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tổ chức tốt Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều...

Những kết quả này là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Nhân kỳ họp này, tôi thay mặt Chính  phủ, trân trọng gửi lời cảm ơn Quốc hội đã ủng hộ, chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ suốt gần 5 năm qua.

Hun đúc tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cho thế hệ trẻ

Tất cả chúng ta đều đang nhìn thấy nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ hiện nay. Trong Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018, tôi đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam, hun đúc tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cho thế hệ trẻ. Thanh niên, từ thành thị đến nông thôn, ai cũng cần có việc làm, cũng mong muốn khởi nghiệp, vươn lên làm giàu, cống hiến cho quê hương, đất nước. Chúng ta đã chứng kiến nhiều ý tưởng khởi nghiệp táo bạo, nhiều công trình sáng tạo độc đáo của thế hệ trẻ. Vì vậy, cần tăng cường đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên; đặc biệt là thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi, tạo nhiều việc làm mới  cho khu vực này thông qua những dự án đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân. Cần có cơ chế thu hút nhân tài, kể cả trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước như ý kiến ĐBQH đã nêu.

Trong hơn 4 năm qua, chúng ta đã tạo được hơn 8 triệu việc làm mới cho những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Năng suất lao động của nền kinh tế chúng ta thực sự đã được cải thiện rõ nét trong những năm qua với mức tăng 5,8% một năm, cao hơn nhiều so với mức 4,3% giai đoạn trước đây. Tính chung trong gần nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới so sánh mức sống với các nước trên thế giới, thu nhập của người dân chúng ta đã tương đương gần 9.000 đô-la (tính theo ngang bằng sức mua).

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong nhóm “4 con Hổ châu Á” cộng lại và đến 2045 chiếm trên 50% dân số, tức tương đương dân số Hàn Quốc. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020. Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để giảm nghèo bền vững cho 3% hộ dân còn lại; đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng lõi nghèo - ở nơi đó có những người trong độ tuổi lao động chỉ kiếm được thu nhập dăm ba trăm nghìn đồng một tháng.

Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cấp các ngành ưu tiên nguồn lực, bố trí đất đai, có cơ chế phù hợp để phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa ở khu công nghiệp như ý kiến Đại biểu Quốc hội đã nêu. Tôi cũng ghi nhận ý kiến của Đại biểu về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người có nhiều đóng góp đã về hưu trước năm 1993. Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Bộ Tài chính trình phương án đề xuất lên Thủ tướng và Chính phủ để xem xét, xử lý cụ thể đúng quy định và đảm bảo khả năng cân đối của NSNN.

Những con số thống kê, dù phong phú cũng không thể lột tả hết được những thành tựu kinh tế và những tiến bộ trong đời sống xã hội. Đó là cả một chặng đường đầy khó khăn, không phải chỉ cải cách một lần mà phải nhiều lần của các thế hệ đi trước trong nhiều giai đoạn. Điều quan trọng là chúng ta đã biết tận dụng tốt hơn các cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin cũng như khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, sánh vai với cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.

Phấn đấu hoàn thành "mục tiêu kép"

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước cũng như toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, vừa nỗ lực phục hồi, duy trì nhịp độ kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới. Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế duy trì được tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi suy thoái sâu nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929-1933.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp; nhiều nước Châu Âu buộc phải áp dụng biện pháp tái phong tỏa. Chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Cần tiếp tục đề cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội; nâng cao năng lực cách ly, xét nghiệm, điều trị, sản xuất thuốc, vắc xin... Đồng thời, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tập trung phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH. 

Trong khi bệnh dịch còn rình rập, tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”  xảy ra liên tiếp tại các tỉnh Miền Trung gây thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân. Chúng ta đã nhận được ý kiến của nhiều người dân về những cố gắng vượt bực của các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương và lực lượng quân đội đã tập trung toàn lực, thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp “4 tại chỗ” phòng chống, cứu hộ, cứu nạn. Ban chỉ đạo tiền phương, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, lãnh đạo các địa phương đã ngày đêm trực, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, khắc phục hậu quả thiệt hại.

Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an không quản ngại hiểm nguy, gian khó, ngày đêm vật lộn với bão lũ để hỗ trợ đồng bào, cứu hộ người dân bị nạn. Nhiều tấm gương cán bộ, chiến sỹ, trong đó có những sỹ quan cao cấp đã hy sinh quên mình; nhiều tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng bị ngập lụt.

Một lần nữa chúng ta càng thấy ngời sáng tình đồng bào- đồng chí-  đồng đội nghĩa tình, thắm thiết, nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của truyền thống văn hóa Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo các cấp các ngành khẩn trương hỗ trợ người dân dựng lại và sửa chữa nhà cửa bị hư hại; bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men; khắc phục nhanh các công trình hạ tầng, trường học, bệnh viện bị sự cố hư hỏng, ngập lụt; sớm phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội, ổn định cuộc sống người dân vùng bị ảnh hưởng.

Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện để có các biện pháp chấn chỉnh. Đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả  hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cho sản xuất và cuộc sống của người dân. 

Đồng thời, triển khai các giải pháp căn bản, lâu dài trước tình hình thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng; trong đó tập trung xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, quy hoạch bố trí dân cư phù hợp hơn; kiện toàn bộ máy phòng chống thiên tai, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết; Lựa chọn một số dự án ưu tiên đầu tư để nâng cao năng lực chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sẽ ban hành chiến lược ứng phó thiên tai vào cuối năm nay.

Thời gian gần đây, hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu và thời tiết diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn. Ngoài những thiệt hại về vật chất, chúng ta đau buồn khi thiên tai, bão lũ, các vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. Chúng ta vô cùng bàng hoàng khi có nhiều thi thể trẻ em được tìm thấy tại hiện trường các vụ sạt lở núi kinh hoàng xảy ra gần đây, như vụ sạt lở xảy ra tại xã Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) có đến đến 6 thi thể trẻ nhỏ từ 4 đến 9 tuổi. Các cháu vẫn còn chưa được học hết bài học trên lớp, chưa đọc hết mẩu chuyện, chưa chơi xong trò chơi của các cháu, và còn nhiều ước mơ chưa thực hiện được.

Trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới

Bão lũ và sạt lở đất ở miền Trung gần đây hay vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên do biến đổi khí hậu cực đoan, do địa hình dốc đứng, do sự tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ, công trình hạ tầng… và điều này đã tạo ra nhiều tranh luận, song dù bất luận là nguyên nhân trực tiếp là gì thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và chúng ta cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. Độ che phủ rừng hiện nay của chúng ta đã tăng trở lại, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp. Do đó, chúng ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết Trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ. Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị.

Là một nước đang phát triển với kết cấu cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, chính phủ đang tập trung vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các cao tốc liên kết vùng, các tuyến đường sắt đô thị… Phấn đấu đến 2030 cả nước có khoảng 5000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông.

Tăng cường hệ thống hạ tầng thủy lợi, bảo đảm an toàn các hồ chứa, ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng, nhất là ĐBSCL và chống ngập, chống ùn tắc giao thông ở TP.HCM, Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển, kết nối đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương, dữ liệu doanh nghiệp và dân cư. Đây cũng là tiền đề thực hiện phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.

Trong khi theo đuổi các dự án lớn của quốc gia, chúng ta cũng không bỏ sót những dự án nhỏ, những con đường, chiếc cầu ở nông thôn – nơi tạo ra việc làm và thu nhập trực tiếp cho bà con. Chúng ta không khỏi xót xa khi nhìn thấy trẻ em đến trường phải đu dây qua những dòng sông dữ ở nhiều tỉnh miền núi hay phải chèo xuồng đến trường ở nhiều tỉnh ĐBSCL. Do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành NQ số 12 để thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2020. Đây là một chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Cùng với giao thông, hạ tầng viễn thông cũng sẽ được bao phủ và nâng cấp hơn nữa, trước mắt là mạng 5G. Người dân sẽ ngày càng tiếp  cận với internet tốc độ cao, kể cả ở những vùng nông thôn, nhanh chóng thúc đẩy toàn diện quá trình chuyển đổi số quốc gia đưa một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam đi tắt, đón đầu và vượt lên so với các nước trong khu vực.

Chúng ta hãy cùng nhau hướng đến xây dựng một nền kinh tế đa dạng, phát triển bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội – môi trường, ở đó mọi người dân đều có cơ hội chung tay đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước, tất cả trẻ em Việt Nam đều được giáo dục tốt và đạt được giấc mơ Việt Nam; người già ai ai cũng được chăm sóc sức khỏe, sống trường thọ hơn và hạnh phúc bên con cháu; thanh niên ai cũng có việc làm, thu nhập cao và luôn thăng tiến trong sự nghiệp. Để đạt được điều này, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều bằng cả trái tim và khối óc.

Nguồn tin: D. T/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập155
  • Hôm nay23,763
  • Tháng hiện tại292,033
  • Tổng lượt truy cập90,355,426
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây