Học tập đạo đức HCM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không tận thu, cũng không có chuyện ban phát

Thứ bảy - 31/10/2020 10:54
(Chinhphu.vn) - Chúng ta chỉ có thể tự hào rằng tỷ lệ thu ngân sách cao cho thấy người dân tín nhiệm Chính phủ mà ủy thác chứ không phải Chính phủ tận thu. Do đó, Chính phủ, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm làm sao để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài chính. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài chính. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính (giai đoạn 2021 – 2025), một ngành đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế.

Thủ tướng cho biết, nước ta đã và đang tập trung hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt, “bão chồng bão, lũ chồng lũ” chưa từng có trong 20 năm qua. Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo ngành tài chính cùng các bộ, ngành tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, sớm phục hồi đời sống và sinh kế cho người dân, các hoạt động kinh tế xã hội tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề.

“Ngay khi lũ lụt xảy ra trong đầu tháng 10, chúng tôi đã mời các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính lên làm việc với Thủ tướng Chính phủ để giải quyết hàng ngàn tấn gạo, rồi hàng loạt vật tư thiết yếu để hỗ trợ khắc phục lũ lụt”, Thủ tướng nói và cho biết, sau Đại hội, sẽ bay vào miền Trung bởi “trăm nghe không bằng một thấy”, để xem “hàng hóa, gạo đã đến tay người dân thực sự không”, để xem việc triển khai quyết sách giúp người dân không còn cảnh “màn trời chiếu đất”. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cũng như ngành tài chính lo phục vụ nhân dân, có trách nhiệm với dân, chứ không phải chỉ lo “thu tiền, giữ bạc”.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm chủ trương và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc không tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm truyền thống ngành tài chính. Tuy nhiên, Đại hội thi đua yêu nước hôm nay cũng là dịp để ôn lại những kết quả, thành tựu vẻ vang trong suốt 75 năm qua cũng như khơi dậy truyền thống tốt đẹp, tinh thần quyết tâm vượt khó, niềm vinh dự, tự hào là cán bộ ngành tài chính để toàn thể đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành nỗ lực thi đua yêu nước bằng những việc làm, hành động thiết thực, cụ thể, không ngừng đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt nhiều thành tích tốt hơn nữa, đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành, cho đất nước trong thời gian tới.
 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngành Tài chính từ khi thành lập đã có nhiều cách làm sáng tạo để tạo ra của cải và ngân sách phục vụ sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc gian khổ mà anh hùng. Ngành tài chính đã góp phần tích cực cùng cả nước làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc trong các cuộc kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt trong hành trình 30 năm đổi mới, chứng kiến những sự đổi thay lớn lao của đất nước, thế và lực của ta đã mạnh hơn nhiều, trong đó có sự đóng góp của ngành tài chính, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

“Chúng ta giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế, những chỉ số vĩ mô quan trọng nhất của đất nước đến thời điểm này chúng ta giữ được, ngày càng tốt hơn, nhất là chỉ tiêu lạm phát”, Thủ tướng nói.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động và gặp nhiều khó khăn, thách thức, một lần nữa Thủ tướng đánh giá cao ngành tài chính đã nỗ lực thi đua vượt khó, không ngừng phấn đấu với quyết tâm cao, cơ bản đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu tài chính, ngân sách nhà nước đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020. Trước hết, quy mô ngân sách nhà nước tăng lên, Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% giai đoạn 2011-2015 lên 80,9 %, giai đoạn 2016-2019 và đạt khoảng 84-85% năm 2020.

Thủ tướng đánh giá cao việc bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách trong bối cảnh đại dịch COVID-19.  Cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27-28%, vượt mục tiêu đề ra (25%). Tỷ trọng chi thường xuyên giảm từ 62-63% xuống còn trên 60% dự toán năm 2020 trong khi vẫn bảo đảm nguồn thực hiện tăng lương và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách về đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh.

Nợ công giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 57% GDP năm 2020. Cơ cấu nợ chuyển dịch bền vững hơn, chuyển dần sang nợ trong nước với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, chỉ còn khoảng dưới 3%/năm.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Các đồng chí cũng là một trong những ngành đi đầu trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhất là trong hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước trên toàn quốc, nhất là ngành thuế”, Thủ tướng cho biết. Trong 10 trụ cột của môi trường kinh doanh trong xếp hạng của Ngân hàng Thế giới có đến 3 trụ cột liên quan đến trách nhiệm của ngành tài chính.

Với những phong trào thi đua thiết thực và thành tích nổi bật trong điều kiện gặp nhiều thách thức, ngành tài chính tiếp tục là minh chứng sống động cho lời dặn của Bác Hồ về thi đua yêu nước, “càng khó khăn thì chúng ta càng phải thi đua”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng đạt được kết quả nổi bật nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, ngành tài chính vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số cơ chế chính sách chậm được sửa đổi hoặc ban hành chưa kịp thời. Trong đó gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch  COVID-19 vừa qua chậm được triển khai. “Cũng có một nguyên nhân do các đồng chí đề nghị quy định về tài chính quá chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn”.

Mặc dù cơ bản tốt nhưng cũng có lúc, có nơi kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước bị buông lỏng, còn tình trạng xử lý công việc, phối hợp công tác nội bộ với các, bộ cơ quan khác, với các địa phương chưa kịp thời hoặc trả lời, góp ý chậm, nội dung né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Thủ tướng bày tỏ, nêu ra một vài ví dụ như vậy không phải để kiểm điểm mà để Bộ tập trung giải quyết, xử lý sớm những hạn chế, yếu kém, bất cập, nhất là những vấn đề liên quan đến kinh doanh và đời sống của người dân.

“Tôi mong muốn toàn ngành tài chính cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tinh thần, thái độ, đạo đức công vụ, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước”. Các đồng chí lãnh đạo, từng cán bộ, công chức ngành tài chính phải làm tốt hơn, không ngừng nỗ lực phấn đấu đổi mới sáng tạo, vượt khó vươn lên, thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả nữa các nhiệm vụ được giao.

Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc 2020 và bước vào năm hai 2021, năm đầu của thời kỳ chiến lược 10 năm 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025, cùng với cả nước, ngành tài chính có nhiều cơ hội, tiềm năng cho phát triển nhưng bối cảnh quốc tế, trong nước thời gian tới cũng đặt ra những khó khăn, thách thức lớn, trong đó có nhiều yếu tố diễn biến thất thường, chưa có tiền lệ, nhất là các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực phức tạp, khó lường. Riêng đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng, quay lại nhiều vòng ở các nước, gây ra suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất. Tình trạng nhiều lĩnh vực ngưng trệ có thể kéo dài qua năm 2021 và những năm đầu của thập kỷ tới.

Bối cảnh đó  đòi hỏi ngành tài chính nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, trong đó đặc biệt chú trọng đảm bảo nguồn tài chính khắc phục hậu quả bão lũ miền Trung, phòng chống đại dịch COVID-19, bảo đảm đời sống của người dân và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trao các phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân thuộc Bộ Tài chính. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhấn mạnh tư duy vì dân phục vụ, tư duy phục vụ sự phát triển của đất nước mạnh mẽ hơn nữa, Thủ tướng lưu ý, đó là quản lý tài chính quốc gia không phải có tư duy thu càng nhiều càng tốt và nghĩ rằng phân bổ chỉ tiêu là sự ban phát. Thay vào đó chúng ta cần phải có tư duy rằng thu thuế thể hiện sự tín nhiệm, ủy thác của người dân đối với Chính phủ về chất lượng các dịch vụ công mà Chính phủ cung cấp. Do đó, chúng ta chỉ có thể tự hào rằng tỷ lệ thu ngân sách cao cho thấy người dân tín nhiệm Chính phủ mà ủy thác chứ không phải Chính phủ tận thu. Nếu người dân không tín nhiệm với Chính phủ, họ tìm cách trốn thuế, tránh thuế, lách thuế khi đó ngân sách rất khó thu được thuế. Do đó, Chính phủ, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm làm sao để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất.

“Cho nên tôi đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm của người cán bộ tài chính, hòa nhịp chung với các ngành, các cấp, cùng cả nước vững bước tiến lên, hiện thực hóa khát vọng phát triển của toàn dân tộc, thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới như đã thể hiện rõ trong dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII”,  Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cho rằng, tư duy chiến lược của ngành tài chính là phải thể hiện tầm nhìn vĩ mô, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì lợi ích chung của đất nước, vì quốc gia, dân tộc, như nhiều lần Thủ tướng đã nói, tài chính không chỉ là con số thu chi ngân sách nhà nước, là giữ tiền mà tài chính phải biết huy động, biết sử dụng tiền hiệu quả và làm tiền đẻ ra tiền. Tài chính là kinh tế, là nguồn lực và tiềm lực của đất nước, không chỉ đã có, đang có mà sẽ có. Tài chính phải vì mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng đề nghị ngành tài chính tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua.

Tập trung nghiên cứu, sớm đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo vai trò chủ  đạo của ngân sách Trung ương theo đúng tinh thần Hiến pháp và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Phấn đấu đưa tỷ trọng thu ngân sách trung ương lên trên 60% tổng thu ngân sách nhà nước và tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, dành nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia.

Đức Tuân/Chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập573
  • Hôm nay75,433
  • Tháng hiện tại811,543
  • Tổng lượt truy cập93,189,207
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây