Hiệp Hội Điều Việt Nam tên tiếng Anh là “Vietnam Cashew Association” (tên giao dịch: VINACAS) thành lập ngày 23/11/1990 và được Bộ Nông Nghiệp và Công Nghiệp thực phẩm (Nay là Bộ NN-PTNT) ra quyết định công nhận số 346/NN-TCCB/QĐ ngày 29/11/1990.
Hiệp Hội do 11 doanh nghiệp ở TP.HCM, Long An, Sông Bé cũ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tây Ninh, Thuận Hải và Bình Định thành lập. Ban chấp hành gồm 7 thành viên do ông Nguyễn Văn Thạch, Tổng Giám đốc công ty Công nghiệp Thực phẩm Vinalimex làm Chủ tịch. Ông Nguyễn Túy Can, Giám đốc chi nhánh Vinalimex TP.HCM làm Tổng Thư ký. Ông Hoàng Văn Cuông một luật sư công tác ở Vinalimex là người soạn thảo điều lệ đầu tiên của Hiệp hội.
Trong chuyến công tác ở Ấn Độ vào năm 1996, ông Cuông kể tôi nghe “Khi đầu tôi và anh Thạch chẳng biết gì về hạt điều cả, nhưng khi đi đến vùng điều ở Sông Bé, Đồng Nai, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận,… thấy điều bạt ngàn, đọc tài liệu nước ngoài thấy giá trị kinh tế của hạt điều rất cao, thị trường xuất khẩu lại phong phú, trong khi trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu điều thô, còn chế biến lấy nhân xuất khẩu thì ít thôi. Ông Thạch nảy ra ý định tập hợp anh em làm điều lại trong một tổ chức gọi là Hội. Một số cây khác cũng làm rồi, rất hiệu quả, anh em vừa gặp nhau chia sẻ thông tin thị trường giá cả, kinh nghiệm sản xuất, lại tranh thủ được sự ủng hộ của các Bộ ngành trung ương, đặc biệt là Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương...
Thế rồi ông mang việc này ra bàn trong nội bộ công ty và phân công tôi soạn thảo điều lệ cũng như vận động các doanh nghiệp đang làm điều ở TP.HCM và các tỉnh khác vào Hội. Ngày 23/11/1990 tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé cũ, chúng tôi đã tổ chức đại hội đầu tiên của Hiệp hội cây điều Việt Nam.
Hồi đó, theo thông lệ vào đầu vụ thu mua điều, các thành viên Hiệp hội lại nhóm họp để bàn về giá thu mua. Hôm đó là vào tháng 3 năm 1995, ngay sau Tết cổ truyền tại TP.HCM đã tổ chức cuộc họp Ban chấp hành. Tham dự có các ông/bà: Huỳnh Phi Dũng - Chủ tịch, Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch, Vương Hải - Phó Chủ tịch, Nguyễn Văn Lãng - Tổng Thư ký; các ông: Nguyễn Thái Học, Hồ Ngọc Cầm và tôi là ủy viên Ban chấp hành. Khách mời tham dự có ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Ban Vật giá Chính phủ (sau này làm Phó Ban đổi mới doanh nghiệp TW, rồi Thứ trưởng Bộ Tài chính); cùng dự còn có ông Nguyễn Văn Thọ - người của Ban Vật giá Chính phủ.
Mở đầu phiên họp, ông Lãng Tổng thư ký báo cáo về những khó khăn của các nhà máy chế biến và người dân khi giá thu mua không ổn định, cứ chồi sụt làm cho người dân không an tâm. Trên thị trường luôn có sự chèn ép giá của các công ty xuất khẩu điều thô, các nhà máy chế biến luôn cạnh tranh khó khăn do thiếu vốn, có nguy cơ không đủ nguyên liệu để sản xuất giải quyết việc làm cho người lao động và tăng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Tuấn nói “Về mặt nguyên tắc chúng ta có thể đưa hạt điều vào danh mục Nhà nước thống nhất quản lý giá”. Nhưng vấn đề băn khoăn là liệu các nhà máy có mua hết được điều trong dân với giá hợp lý không.
Sau ít phút thảo luận, ông Dũng cam kết với ông Tuấn là Hiệp hội sẽ có giải pháp đẩy mạnh chế biến hết điều trong nước lấy nhân xuất khẩu. Doanh nghiệp nào thiếu vốn cứ lên công ty Thành Lễ ông cho vay. Nhưng đến đây, sau một phút suy tư, ông Tuấn lại lái câu chuyện sang hướng khác “Hay là ta chỉ đề nghị phụ thu xuất khẩu”. Mọi người sôi nổi bàn bạc xem nếu phụ thu thì bao nhiêu %? Cuối cùng thống nhất 15%. Ông Tuấn và ông Dũng kết luận Hiệp hội sẽ có văn bản đề nghị lên Ban vật giá chính phủ để Ban vật giá có căn cứ làm tờ trình đề nghị Chính phủ cho phụ thu 15% đối với hạt điều thô xuất khẩu thay bằng 0% như trước.
Bảy ngày sau, Chính phủ chính thức có quyết định về việc phụ thu xuất khẩu hạt điều thô 15% đúng như Hiệp hội và Ban vật giá Chính phủ đề nghị. Sự thật cho đến mãi sau này tôi vẫn vô cùng ấn tuợng về cách làm việc quyết đoán của ông Dũng - Chủ tịch Hiệp hội lúc bấy giờ và đúng như ông Dũng đã hứa với ông Tuấn, suốt từ đó ngành điều luôn mua và chế biến hết điều của dân và sau này còn phải nhập thêm nguyên liệu cả hơn triệu tấn từ bên ngoài mỗi năm. Câu chuyện xuất khẩu hạt điều thô của Việt Nam được chấm dứt từ đó.
Trải qua gần 10 năm hoạt động tính từ ngày thành lập đến năm 1999, những người công tác ở Hiệp hội điều Việt Nam luôn có cảm giác lẻ loi, tự bơi là chính. Nhiều chuyên gia đánh giá so với cây khác như chè, cao su, cà phê,… cây điều được Nhà nước đầu tư khiêm tốn nhất nhưng có được chuỗi thành tích rất ấn tượng: năng suất điều vào loại cao của thế giới, sử dụng công nghệ chế biến máy móc thiết bị trong nước, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, thị trường xuất khẩu đa dạng phong phú, giải quyết nhiều công ăn việc làm…
Chúng ta biết rằng năm 1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ trưởng Chính phủ có quyết định số 242-CT ngày 05/09/1988 giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành cây điều cho Bộ Nông Nghiệp và Công Nghệ Thực Phẩm (nay là Bộ NN-PTNT). Cũng năm đó Bộ NN-PTNT có quy định 442/NN-XNK QĐ ngày 16/09/1988 giao cho Tổng công ty XNK Công nghiệp Thực phẩm (Vinalimex) nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch phát triển sản xuất; tổ chức thu mua, chế biến, xuất khẩu hạt điều… Trước mắt xây dựng ngay chương trình phát triển sản xuất và chế biến điều từ nay đến năm 1995 và tầm nhìn 1996 - 2000. Trên thực tế người nông dân, doanh nghiệp vẫn tự lo là chính.
Ông Phạm Đình Thanh thư ký Hiệp hội điều nhớ lại, theo chỉ đạo của ông Học (ông Nguyễn Thái Học, nguyên Chủ tịch Hiệp hội điều khóa III), ông làm việc với ông Nguyễn Văn Ánh trưởng phòng Vinalimex và ông Phạm Văn Nguyên kỹ sư chuyên gia của Tổng công ty nhằm đề xuất chiến lược đầu tiên cho ngành điều. Sau đó ông Học đã ra Hà Nội làm việc nhiều lần với lãnh đạo Bộ và Cục trồng trọt.
Ông Thanh nói “Tôi ra Hà Nội làm việc với ông Đoàn Xuân Hóa trưởng phòng của Cục chế biến, Bộ NN-PTNT nhằm rà soát lại các mục tiêu trước khi trình ông Nguyễn Công Tạn - Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký quyết định. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính kể lại: Khi đó ông rất băn khoăn trăn trở vì một cây có đóng góp nhiều cho xuất khẩu như thế nhưng lại chưa được Nhà nước quan tâm tương xứng. Ông thuyết phục Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn vào làm việc với các địa phương có trồng chế biến xuất khẩu hạt điều và Hiệp hội cây điều Việt Nam để tìm hướng tháo gỡ cho cây điều.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội có ông Nguyễn Thái Học chủ tịch Hội, đại diện tổng công ty Vinalimex, đoàn trung ương có ông Nguyễn Công Tạn - Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn và ông Nguyễn Văn Thọ. Ông Học thay mặt Hội báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điều, những khó khăn và những đề xuất, Cục trồng trọt (ông Hòa) báo cáo mục tiêu chiến lược phát triển ngành điều giai đoạn 2.000 - 2010 và tầm nhìn 2020. Mọi người sôi nổi đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Công Tạn sau đó kết luận “Giao cho Cục trồng trọt phối hợp với Hiệp hội điều Việt Nam hoàn chỉnh bản đề án và ông sẽ thay mặt Thủ tướng ký ban hành. Ngày 07/05/2009 quyết định 120 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam chính thức ra đời.
Sau đó Bộ NN-PTNT và Hiệp hội điều Việt Nam đã phối hợp tổ chức một hội nghị với sự có mặt của lãnh đạo UBND tỉnh và Sở NN-PTNT các tỉnh có trồng điều tham dự tại khách sạn Đồi Dương (tỉnh Bình Thuận). Chủ trì hội nghị là ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
Lúc này tôi ngồi đọc lại những chỉ tiêu của ngành điều mà Quyết định 120 đề cập thấy chẳng có gì lớn lao. Thí dụ mục tiêu xuất khẩu đến năm 2015 là 100 ngàn tấn nhân, trên thực tế năm 2015 Việt Nam đã xuất khẩu trên 200 ngàn tấn nhân và đã là quốc gia xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới. Thế nhưng theo lời ông Thanh thì lúc bấy giờ ông đi phổ biến quyết định này ở các hội nghị thì nhiều người lại cho rằng “Ăn cơm dưới đất mà nói chuyện trên trời”.
Lại nói về Hội nghị “Đồi Dương”, theo tôi thì đây là Hội nghị đầu tiên do Vinacas tổ chức với quy mô hoành tráng nhất (tính đến thời điểm đó). Khách sạn Đồi Dương lúc bấy giờ là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Phan Thiết, khách về dự cũng đông, quỹ của Hội thì hạn chế nhưng Hội nghị cũng đã thành công mĩ mãn là do chàng “sumo” của ngành điều Việt Nam (tôi muốn nói đến ông Hồ Ngọc Cầm – Chủ tịch Vinacas) lúc bấy giờ tài trợ. Còn nhớ công ty Fatimex lúc bấy giờ là một doanh nghiệp lớn của ngành điều Việt Nam, chả thế mà anh Ba Hải lúc còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói với tôi “Fatimex là doanh nghiệp hàng năm đóng góp rất đáng kể vào ngân sách của tỉnh”.
Từ sản xuất thủ công sang cơ khí hóa
Từ quốc gia xuất khẩu điều thô sang quốc gia nhập khẩu điều thô – “ngôi Vương” của kẻ đến sau”.
Còn nhớ những năm đầu của thế kỷ 20, tình hình chế biến điều gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu lao động. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để cải thiện năng suất lao động trong khâu chế biến góp phần tạo thế cạnh tranh cho hạt điều Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Lúc bấy giờ BCH Hiệp hội đã tổ chức rất nhiều Hội nghị, hội thảo lấy ý kiến nhiều chuyên gia cả trong và ngoài nước về vấn đề chế biến. Cuối cùng thì mọi người thống nhất đi đến đánh giá: Hiện nay một số anh em kỹ sư, một số đơn vị đang cải tiến thử nghiệm bước đầu thành công một thế hệ máy cắt tách hạt và máy bóc vỏ lụa tự động, nếu tập hợp được lực lượng, có được một ít vốn mới để tiếp tục cải tiến hoàn thiện thì Việt Nam sẽ có một thế hệ máy cắt tách và bóc vỏ lụa mới.
Bàn mãi cuối cùng với sự giúp đỡ của Bộ Khoa Học Công Nghệ và anh Hòa ở Cục chế biến, đề án mang mã số KC.07/DA.13/08-10 ra đời. Cơ quan chủ trì dự án là Hiệp hội điều Việt Nam. Chủ nhiệm dự án sản xuất thử nghiệm: cử nhân Nguyễn Đức Thanh . Dự án thuộc chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng. Kinh phí thực hiện 14.862 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 3.942 triệu đồng, phần còn lại là kinh phí đối ứng. Mục tiêu dự án là “Hoàn thiện công nghệ, thiết bị chế tạo máy tự động tách vỏ hạt điều và máy bóc vỏ lụa nhân điều trong dây chuyền chế biến điều xuất khẩu”.
Lúc đầu BCH Hiệp hội giao cho TS. Hoàng Bình làm chủ nhiệm và viết đề án nhưng vì nhiều lý do khác nhau đề án của anh Bình đưa ra hội đồng thì bị trả lại. Hiệp hội buộc phải viết lại đề án, giao cho tôi làm chủ nhiệm. Tôi đã phải tổ chức nhiều cuộc họp và tập hợp nhiều anh em là kỹ sư cơ khí trong ngành đang nghiên cứu chế tạo thử máy và một số doanh nghiệp có điều kiện tham gia thực hiện dự án. Sau này dự án thành công tôi cũng đã xác nhận nhiều lần là có công rất lớn của anh Đặng Hoàng Giang lúc bấy giờ làm Tổng thư ký Hiệp hội kiêm thư ký dự án. Các cá nhân tham dự thực hiện đề án: cử nhân Nguyễn Đức Thanh, K.S Nguyễn Văn Lãng, T.S Hoàng Mạnh Bình, K.S Huỳnh Lê Can. Các đơn vị tham gia thực hiện dự án gồm công ty TNHH SXTM Long Tín và cơ sở cơ khí chế tạo máy Tín Diệu.
Sau này do nhu cầu công việc cho nên Ban chủ nhiệm dự án đã mời thêm nhiều đơn vị phối hợp thực hiện như công ty Donafoods tỉnh Đồng Nai, công ty Nam Long tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, công ty TANIMEX-LA, công ty Nhật Huy tỉnh Bình Dương. Về cá nhân lực lượng tham gia dự án cũng đông đảo hơn gồm GSTS. Trần Doãn Sơn, T.S Hoàng Tuấn, ông Phạm Văn Công, Quốc Như và các kỹ sư Khôi Khuôn Máy Việt, Sang Anco Việt. Chị Ngân văn phòng Vinacas làm kế toán dự án. Cuối cùng với sự cộng tác tích cực của các anh em làm công tác chế tạo máy, đề án cũng đã hoàn thành với chất lượng rất cao. Ngày hội đồng khoa học cấp nhà nước họp để thông qua có sự chủ trì của GS.Chu Hảo - Thứ trưởng Bộ KH-CN, phản biện 1 là KS. Phạm Đình Thanh, phản biện 2 là KS. Nguyễn Văn Ánh và 6 thành viên khác.
Chủ tịch hội đồng sau khi nghe chủ nhiệm dự án báo cáo và các ý kiến của phản biện cũng như các thành viên trong hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu. Dự án đạt điểm 8.5. Ông chủ tịch kết luận đồng ý cho chủ nhiệm tiến hành triển khai dự án, để kết quả của dự án nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Trở về Hiệp hội, Ban chủ nhiệm dự án đã nhanh chóng tổ chức các cuộc chuyển giao ở nhà máy Nhật Huy, nhà máy Donafoods, nhà máy Nam Long vì những nhà máy này có sẵn các máy thế hệ mới. Thật bất ngờ chỉ sau một thời gian ngắn khoảng 2 năm (2011-2012) các thế hệ máy cắt tách hạt, bóc vỏ lụa mới của Việt Nam đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên ban đầu các máy do Việt Nam sản xuất còn rất nhiều hạn chế, sau nhờ sự đầu tư không biết mệt mỏi của chủ doanh nghiệp mà các thiết bị “made in Vietnam” đã dần hoàn thiện. Việc này đã tạo nên một kỳ tích trong ngành điều, góp phần chuyển hẳn nền sản xuất theo lối thủ công của một ngành hàng sang sản xuất cơ giới hóa, một phần tự động hóa, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn: đưa năng suất lao động của các nhà máy tăng hơn 10 lần, vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà máy cơ bản được cải thiện (vì khi áp dụng công nghệ này các nhà máy không còn phải đưa hạt điều về hộ gia đình hoặc vào trại cải tạo gia công như trước đây). Một điều quan trọng khác là dù sản xuất bằng máy nhưng tỷ lệ nhiễm dầu, tỷ lệ bể... tức là định mức kỹ thuật trong khâu chế biến đã không tăng so với sản xuất thủ công.
Chính vì vậy mà nhiều khách hàng quốc tế khi đến thăm quan các nhà máy ở Việt Nam phải thốt lên “Thật tuyệt vời”. Ông Nguyễn Thái Học, nguyên chủ tịch Vinhttps://media.ex-cdn.com/EXP/media.nongnghiep.vn/files/cuongnd/2020/05/15/22-161247_842.jpegacas và ông Phạm Đình Thanh một chuyên gia lão luyện của ngành điều đã đánh giá “Đây thật sự là cuộc cách mạng trong ngành điều”.
Nguồn tin: Nguyễn Đức Thanh & các cộng sự
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã