Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là mô hình đang được Hợp tác xã
Chăn nuôi bò sữa xã Thái Hòa áp dụng cho hiệu quả kinh tế cao
Sau thành công của Dự án thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Lập Thạch đã ban hành Nghị quyết 02 "Về phát triển chăn nuôi, thủy sản và cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020". Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng là hình thành vùng chuyên canh sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Cụ thể hóa mục tiêu này, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp: Khuyến khích các hộ tham gia dự án áp dụng công nghệ mới, quy trình sản xuất tiên tiến của Nhật Bản, Đài Loan; thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ thanh long ruột đỏ; mở các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm; xây dựng khu xử lý hơi nước nóng và bảo quản sản phẩm phục vụ xuất khẩu… Thông qua việc chuẩn hóa ngay từ khâu quy hoạch vùng trồng đến đánh giá chất lượng, xây dựng thương hiệu, giai đoạn 2015 - 2020, sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã có bước tiến mới quan trọng, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Bằng công nhận thương hiệu; nhận “Cúp vàng sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng”; được cấp mã cốt 3 vùng sản xuất: Xuân Hòa, Ngọc Mỹ, Vân Trục và trở thành một trong 18 sản phẩm OCOP của tỉnh. Giờ đây, thanh long ruột đỏ không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu đi một số nước trên thế giới, trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện với thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng mỗi năm.
Chuyển đổi chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ cũng đã tạo điểm nhấn quan trọng cho phát triển nông nghiệp của huyện bằng những mô hình chăn nuôi bò sữa, lợn, gia cầm... áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho hiệu quả kinh tế cao, thu lãi từ 300 - 350 triệu đồng mỗi năm. Điển hình phải kể đến dự án phát triển chăn nuôi bò sữa ở các xã: Thái Hòa, Liên Hòa, thị trấn Hoa Sơn với khoảng 60 hộ tham gia. Từ những cơ chế, chính sách của tỉnh và huyện, lại được công ty sữa Cô Gái Hà Lan xây dựng một điểm thu mua sữa tươi tự động đạt tiêu chuẩn Châu Âu với công suất 6 tấn/ngày ký hợp đồng thu mua cho từng hộ chăn nuôi trong thời gian ổn định 5 năm liên tục, nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi bò sữa, góp phần đưa doanh thu từ bò sữa tại Lập Thạch đạt khoảng 11-13 tỷ đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ cho 500 - 600 lao động.
Ngoài những mô hình kể trên, Lập Thạch còn nhiều mô hình nông nghiệp khác cho hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn so với các mô hình sản xuất truyền thống như: Mô hình trồng bưởi, chanh tứ quý ở Thái Hòa, Liễn Sơn, Quang Sơn; nho xạ đen không hạt tại xã Xuân Hòa; trồng cây trám đen ở các xã: Thái Hòa, Liên Hòa, Liễn Sơn; mô hình chăn nuôi lợn tập trung ở xã Quang Sơn; liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi lợn thương phẩm, gà thịt tại xã Liên Sơn, xã Tử Du… Qua đó, khẳng định chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đang là bước đi đúng, góp phần nâng cao đời sống nông dân, đưa nông nghiệp trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế chủ lực trên địa bàn.
Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện đạt 6,7%; tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 1.851 tỷ đồng, tăng 434 tỷ đồng; bình quân giá trị sản xuất/ha canh tác hằng năm đạt 90 triệu đồng/ha, tăng 16 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ giống lúa mới chất lượng cao đạt 76% diện tích gieo trồng. Giá trị chăn nuôi chiếm 67,65% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; quy mô đàn gia súc, gia cầm ổn định; trên địa bàn huyện có 104 trang trại hoạt động ổn định, hiệu quả.
Những sản phẩm nông nghiệp đã và đang được huyện chú trọng xây dựng sẽ là tiền đề quan trọng để lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển, cất cánh vươn xa. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Lập Thạch tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đầu tư thiết bị trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá và không ngừng nâng cao giá trị gia tăng; ưu tiên phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, có thị trường ổn định. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; tổng kết, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp; chú trọng cung ứng giống, phân bón, dịch vụ thủy lợi và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; làm tốt công tác dự tính, dự báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng… Phấn đấu đưa nhịp độ tăng trưởng Nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 5,0%; tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị nội bộ ngành nông nghiệp từ 65% trở lên; tổng sản lượng lương thực cây có hạt bình quân hàng năm đạt 43 nghìn tấn; bình quân giá trị sản xuất/ha đất canh đạt 100 triệu đồng trở lên.
Bích Phượng/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã