Hiệu quả từ sự phối hợp giữa CropLife với Cục BVTV và tỉnh
Mô hình sử dụng thuốc BVTV trách nhiệm, an toàn, hiệu quả được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), thuộc Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức CropLife Việt Nam triển khai đầu tiên là trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La).
Theo đó, trong 2 năm (2017 - 2018), mô hình được triển khai đã có 600 hộ tại 4 HTX (4/24 mã vùng trồng mới được cấp, gồm 2 mã xoài, 2 mã nhãn) ở huyện Yên Châu đã bắt đầu được hưởng lợi. Từ những kết quả tích cực của mô hình mang lại đã nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng thuốc và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đã làm thay đổi tập quán của người trồng trong việc sử dụng thuốc BVTV.
Tiếp nối kết quả đạt được, Cục BVTV và tổ chức CropLife Việt Nam tiếp tục phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La triển khai mô hình sử dụng thuốc BVTV trách nhiệm, an toàn, hiệu quả trên vùng sản xuất cây ăn quả của huyện Mai Sơn trong 2 năm (2019 và 2020). Với định hướng xây dựng vùng trồng bền vững cho các cây có giá trị, phục vụ mục đích xuất khẩu.
Để triển khai hiệu quả đến từng hộ dân tham gia, chương trình đã xây dựng các hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV phát cho nông dân; lắp đặt các bảng hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV tại các điểm. Ngoài ra, xây dựng mô hình thu gom vỏ bao thuốc BVTV tại vùng trồng nhãn, xoài xuất khẩu (45 điểm lắp đặt bể chứa thuốc BVTV).
Bên cạnh đó, bà con nông dân còn được cung cấp và trang bị đồ bảo hộ lao động (khoảng 500 nông dân thông qua các hoạt động tập huấn); Tổ chức các lớp tập huấn quản lý sâu bệnh hại và biện pháp sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả cho cán bộ địa phương và nông dân; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sử dụng thuốc an toàn và có trách nhiệm cho nông dân.
Ông Dương Gia Định – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La cho biết: "Mô hình đã có ý nghĩa rất thiết thực, mang lại hiệu quả rất lớn cho người nông dân. Với những kết quả rõ nét đã đạt được, đây là một trong những yếu tố quan trọng hướng tới sản xuất an toàn, nâng cao trách nhiệm của người nông dân đối với cộng đồng, cũng như góp phần giúp người dân hiểu được sử dụng thuốc BVTV hiệu quả. Đặc biệt, tham gia chương trình người dân có thể xác định rõ đâu là thuốc được sử dụng trong danh mục cho phép, cũng như đảm bảo được an toàn cho con người khi sử dụng, sinh vật có ích và môi trường".
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La, hiện toàn tỉnh có trên 300.000ha đất nông nghiệp. Định hướng sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng chuyển đổi sang phát triển cây ăn quả trên đất dốc, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng và vận hành chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng chế biến, sản xuất nông nghiệp an toàn để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, vấn đề về sử dụng phân bón, BVTV hiện đang là một trong những trở ngại lớn để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh này.
"Thói quen của bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm, lạm dụng thuốc, không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và hướng dẫn trên bao bì; không trang bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; vỏ bao bì thuốc còn vứt bừa bãi, gây nguy hại đến sức khỏe cho người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng và chất lượng nông sản. Chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm của Cục BVTV và Tổ chức Croplife Việt Nam tại huyện Mai Sơn sẽ tác động tích cực, nâng cao ý thức sử dụng thuốc BVTV " - ông Định nói.
Nông dân là người được hưởng lợi
HTX Ngọc Lan (xã Hát Lót) là đơn vị tham gia chương trình sử dụng thuốc BVTV trách nhiệm, an toàn và hiệu quả đầu tiên của huyện Mai Sơn. Hiện nay, HTX có 52 thành viên, với diện tích trồng xoài 60 ha, nhãn 20 ha, bưởi 20 ha và 10 ha là trồng các loại cây khác như cam, vải…
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Giám đốc HTX Ngọc Lan cho hay: Trước đây bà con vẫn canh tác theo phương thức truyền thống, chủ quan về vấn đề bảo hộ khi sử dụng thuốc BVTV. Từ khi tham gia mô hình này, người dân được trang bị kiến thức, hướng dẫn sử dụng đồ bảo hộ khi sử dụng thuốc BVTV và thùng rác để thu gom.
"Việc tham gia mô hình sử dụng thuốc BVTV mới này rất thiết thực đối với các thành viên trong HTX. Mô hình giúp bà con phát hiện sâu bệnh sớm và lựa chọn đúng thuốc BVTV và cách sử dụng an toàn, trách nhiệm, hiệu quả" – ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, với tổng diện tích 110ha trồng các loại cây ăn quả, các sản phẩm nông sản của HTX Ngọc Lan chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bởi vậy, để đáp ứng những những điều kiện khắt khe phía đối tác, các thành viên trong HTX phải nắm chắc kiến thức trong việc sử dụng thuốc BVTV. Tại các vườn đều phải có thùng rác để thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Là thành viên của HTX Ngọc Lan, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Huyên, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) cho biết: Từ khi tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn về sử dụng thuốc BVTV, gia đình chị đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc sử thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm. Tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV của gia đình cũng đã có nhiều thay đổi hơn trước kia.
"Thời gian đầu thì bỡ ngỡ, đến thời điểm hiện tại, không chỉ gia đình tôi mà các thành viên trong HTX cũng đã làm rất thuần thục, chuyên nghiệp từ việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng cho đến ghi nhật ký sản xuất. Việc làm này không chỉ giúp bà con đảm bảo an toàn về sức khỏe mạnh mà hiệu quả trong việc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng" - chị Huyên cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Hoa Lan (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn) cho biết: tham gia chương trình này, ý thức sử dụng và thu gom bao bì thuốc BVTV của nông dân đã được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt hầu hết thành viên HTX là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn hạn chế, việc cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La và Tổ chức Croplife Việt Nam đến tận nơi "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn thực tế cho bà con nông dân đã mang lại hiệu quả rất cao.
Theo Minh Ngọc/danviet.vn
https://danviet.vn/xoai-son-la-lot-xac-xuat-ngoai-chi-nho-bi-quyet-don-gian-nay-su-dung-thuoc-bvtv-dung-cach-20200516002751487.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã