Không khí nóng cả trong và ngoài hội trường vì tại thời điểm đó nhiều khách hàng như ngồi trên đống lửa do chưa nhận được hàng.
Những năm trước đó, ông Phạm Văn Biên - Chủ tịch VINACAS là người có tư tưởng hướng ngoại, cởi mở. Từ khi nhậm chức vào năm 2005, ông Biên đã tập trung cho các hoạt động đối ngoại và xúc tiến thương mại của Hội. Ông đã cùng với ông Walter d’Sauza Chủ tịch Hội đồng điều Ấn Độ (CEPCI) và ông Chủ tịch Hiệp hội điều Brazin (Sandicazou) tích cực thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội điều quốc tế.
Đến tháng 7/2006, tôi với tư cách là Quyền Chủ tịch VINACAS đã cùng với ông Vũ Thái Sơn, Trưởng ban xúc tiến thương mại, ông Tuấn giám đốc công ty Cafecontrol, ông Ánh giám đốc Vinalimex TP.HCM được BCH cử đi dự Đại hội thường niên của AFI (Hiệp hội ngành công nghiệp thực phẩm Hoa Kỳ) và ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập Hiệp hội điều quốc tế trước sự chứng kiến của ông Berbaueur Chủ tịch AFI tại Florida. Nhưng sau đó biên bản thỏa thuận đã không được triển khai do có khó khăn (cả khách quan và chủ quan) mà các bên tham gia chưa thể giải quyết. Mãi đến năm 2010 với sự bảo trợ của Hội đồng bông và hạt quả khô quốc tế (INC), theo sáng kiến của ông Pino Calcarni nguyên chủ tịch INC thì một số đại diện của các quốc gia có sản xuất, kinh doanh điều mới thành lập được Hội đồng điều quốc tế (GCC).
Tháng 3/2010 lễ hội “Quả điều vàng” lần đầu tiên được tổ chức tại thị xã Đồng Xoài nay là thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Đây là cuộc xúc tiến thương mại có quy mô rất hoành tráng do UBND tỉnh Bình Phước đứng ra đăng cai tổ chức. VINACAS là cơ quan phối hợp tổ chức. Ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban tổ chức, Hiệp hội điều làm Phó ban tổ chức. Xây dựng kịch bản, tổng đạo diễn lễ hội là ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch VINACAS.
Trong nội dung chương trình lễ hội thì Hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều được tổ chức tại Lâm Viên Mỹ Lệ thuộc huyện Phước Long nay là huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ban tổ chức lễ hội vinh dự được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đại diện các Bộ ngành trung ương về dự. Tham dự còn có 3 Phó Thủ tướng và một số vị Bộ trưởng của Vương quốc Campuchia, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Việt Nam. Tại Hội nghị này, một số tập thể và cá nhân tiêu biểu của ngành điều như nông dân trồng điều giỏi, doanh nghiệp tiêu biểu,... đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã tặng 400 ngàn cây điều giống cho 2 quốc gia là Campuchia và Lào.
Nhiều chuyên gia đánh giá sự kiện này có nhiều cái nhất của ngành điều: Lễ hội đầu tiên của ngành điều; có nhiều quan chức Chính phủ ở trong và ngoài nước đến dự nhất, trong đó đặc biệt là có sự hiện diện của Chủ tịch nước; sự kiện có nhiều đại biểu tham dự nhất (khoảng 5.000 người); bữa tiệc hoành tráng nhất; có nhiều sự kiện bên lề nhất; được báo chí quan tâm nhất…
Có rất nhiều người ca ngợi và đưa tin về sự thành công của lễ hội, nhưng có một điểm mà tôi đánh giá nó rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Hiệp hội sau này: lần đầu tiên những nhân vật quan trọng của ngành quả hạt, rồi khách hàng nhiều công ty tập đoàn lớn đã quan tâm đến hạt điều Việt Nam như là có “bộ 3” của INC gồm Pino Calcarni nguyên chủ tịch INC (lúc đó là Phó chủ tịch), Ban giám đốc điều hành INC và ông chủ tịch INC tham dự.
Những năm tiếp sau đó, như nhiều người đã biết, các Hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều đều diễn ra thành công tốt đẹp mang lại giá trị nhiều mặt cho VINACAS, vị trí thương hiệu của ngành hàng được nâng lên rõ rệt, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh giao thương, tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đó là các Hội nghị lần III năm 2011 tại TP.HCM, Hội nghị lần IV năm 1012 Tại TP.Nha Trang, Hội nghị lần V năm 2013 tại TP.HCM, Hội nghị lần VI năm 2014 tại TP. Vũng Tàu, Hội nghị lần VII năm 2015 tại TP.HCM, Hội nghị lần VIII năm 2016 tại TP.Đà Nẵng, Hội nghị lần IX năm 2017 tại huyện đảo Phú Quốc, Hội nghị lần X năm 2018 tại TP.Hạ Long, Hội nghị lần XI tại TP. Huế và năm nay Hội nghị lần thứ XII tại TP.HCM .
Những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ngành điều Việt Nam phát triển rất nóng (lĩnh vực chế biến xuất khẩu) điều đó mang lại nhiều lợi ích cho đất nước nhưng cũng nảy sinh những khó khăn mới, nhất là thiếu nguyên liệu.
Khi tôi qua Bờ Biển Ngà tham dự Hội nghị quốc tế về hạt điều do Hội đồng bông và điều Bờ Biển Ngà mời, tôi phát hiện ra vấn đề là Chính phủ và các doanh nghiệp điều ở Châu Phi có nhu cầu xuất khẩu hạt điều thô rất lớn và dường như họ rất thích làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam. Họ không muốn chỉ mãi lệ thuộc vào các doanh nghiệp Ấn, mặt khác họ cũng ngày càng nhận thức rõ ràng là Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia chế biến xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới và đang chi phối thị trường thay cho vai trò của Ấn Độ. Về phía Việt Nam tôi thấy đa số các doanh nghiệp của chúng ta cũng rất hào hứng muốn tìm hiểu làm ăn với các đối tác đến từ Bờ Biển Ngà, Nigieria, Benin, Ghana,...
Về đến nhà tôi mang việc này bàn với anh em trong thường vụ, Ban chấp hành Hiệp hội mọi người thống nhất cao là sẽ gấp rút tổ chức một hội nghị khách hàng quốc tế dành cho các đối tác đến từ Châu Phi và chỉ bàn về hợp tác kinh doanh xuất nhập khẩu hạt điều thô. Ban chấp hành Hiệp hội giao cho ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinacas chuẩn bị tổ chức Hội nghị.
Ngày 28 tháng 11 năm 2013, tại Khách sạn Victory Sài Gòn, 14 Võ Văn Tần, Quận 3, TP.HCM, Hội nghị chính thức khai mạc với sự bảo trợ của Bộ Công Thương. Tới dự có đến 200 đại biểu đa số là Châu Phi, một số đến từ Ấn Độ và các nước khác. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia khá đông. Ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký đọc lời chào mừng giới thiệu đại biểu và giới thiệu người điều hành Hội nghị (lúc bấy giờ là tôi Chủ tịch Vinacas cùng với ông Sanogo Malamine – Tổng Giám đốc Hội đồng bông và điều Bờ Biển Ngà (CCA) đồng chủ trì Hội nghị.
Ông Giang có bài trình bày về kế hoạch sản xuất kinh doanh và nhập khẩu hạt điều của Việt Nam. Ông Bạch Khánh Nhật lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Công ty Vinacontrol TP.HCM tham luận về tiêu chuẩn chất lượng hạt điều thô nhập vào Việt Nam. Đại biểu các nước tham luận về số lượng và nhu cầu xuất khẩu hạt điều thô của họ. Sau đó, Hội nghị dành phần lớn thời gian cho các cuộc gặp gỡ song phương. Ngay hôm đó, theo ghi nhận từ văn phòng Hiệp hội, có đến hàng chục cuộc đàm phán về mua bán trực tiếp điều thô từ Châu Phi thành công với hàng chục hợp đồng ký kết trị giá nhiều triệu USD. Chị Minh, Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam Bộ Công Thương khi ấy gọi điện thoại cho tôi hỏi là Hội nghị có thành công không? Tôi trả lời “Mỹ mãn”.
Những rủi ro đến từ sự khác biệt về văn hóa và cả kỹ thuật thương mại. Chúng ta biết rằng trước Hội nghị này đã có một số doanh nghiệp Việt Nam mở đường sang Châu Phi nhập khẩu hạt điều nguyên liệu (hạt điều thô). Những doanh nghiệp đi tiên phong mọi người thường nhắc đến như các công ty Thành Lễ , Tấn Lợi (Bình Dương), Lafooco Long An , Fatimex Bình Thuận, Nitagrex Ninh Thuận,… nhưng do có khác biệt về văn hóa kinh doanh nên khi tổ chức thực hiện hợp đồng đã gặp phải một số trở ngại.
Có những người như chị Nguyên Tổng Giám đốc công ty Thành Lễ; chị Dung, chị Tư ở Công ty Lafooco đã bị khách hàng làm khó trên đất khách quê người. Kinh hoàng hơn nữa là một số cán bộ KCS của các nhà máy, một số cán bộ của VINACAS mặc dù trước khi đi đã có chích ngừa sốt vàng da nhưng về Việt Nam cũng vẫn mắc bệnh phải nhập viện như trường hợp của a. B, a. G, b. L, a. H, a. B,… Có những trường hợp thập tử nhất sinh mà nếu như không nhờ sự tận tình cứu chữa của y bác sĩ, chăm sóc của gia đình, giúp đỡ của bạn bè thì đã không qua khỏi.
Về kinh doanh, tình hình đang tốt đẹp thì mùa vụ năm 2016 đã xảy ra sự cố (năm 2016-2017) Việt Nam nhập từ Châu Phi đến 60% sản lượng chế biến của mình. Khi ký hợp đồng giá thấp, khi giao hàng giá được đẩy lên cao, nhiều hợp đồng đã bị phá vỡ hoặc giao với chất lượng xấu. Tình hình năm 2018 thì ngược lại, có đến gần 200 ngàn tấn điều đến từ Bờ Biển Ngà, Nigeria,... được ký vào thời điểm này, đến khi giao hàng giá nhân xuống dốc không phanh, dẫn đến các doanh nghiệp nhập điều thô bị lỗ nặng. Phát hiện ra vấn đề này, một số ngân hàng thương mại đã chủ động thắt chặt tín dụng đối với ngành điều, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có vốn để thanh toán tiền hàng. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu với giá quá cao, khi hàng về giá xuống thấp dẫn đến thua lỗ nặng.
Lúc bấy giờ, hai bên người mua và người bán đứng trước nhiều khó khăn, may mà các bên cũng đã có thiện chí hợp tác nên mọi chuyện cũng đã được giải quyết. Đó là bài học cho cả hai bên để rồi đến năm 2019 ngành điều đã có một sức sống mới. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đào tạo được lực lượng kiểm hàng, giao nhận rất chuyên nghiệp, xây dựng được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Châu Phi như: Long Sơn, Hoàng Sơn 1, Cao Phát, Đakao, Thảo Nguyên, Bimico,… và mới đây nhất là tập đoàn Tân Long. Các đơn vị này đã có những thành tựu ban đầu tại thị trường điều Châu Phi đầy tiềm năng.
Mỗi một lần tổ chức Hội nghị, VINACAS luôn đổi mới nâng cao chất lượng, chương trình tổ chức ngày càng chuyên nghiệp và đã nhận được nhiều lời khen của đối tác trong và ngoài nước. Năm 2016, đến dự Hội nghị khách hàng quốc tế tại TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi đó còn là Cục trưởng Cục chế biến nông lâm, thương mại và nghề muối đã nói với tôi “Tôi đi dự nhiều Hội nghị quốc tế của các ngành hàng thấy Hiệp hội điều năm nào cũng tổ chức rất thành công, rất hoành tráng”. Chị Thủy - Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương phát biểu “Đã nhiều năm nay, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng Hiệp hội và chuyển lời của Thứ trưởng Khánh là Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ để Hiệp hội điều tổ chức Hội nghị khách hàng quốc tế thường niên ở trong nước”.
Hợp tác sản xuất, kinh doanh điều Việt Nam - Campuchia
Những tháng cuối năm 2017, tôi nhận được thông tin từ anh Lê Quang Luyến - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tài chính VINACAS, anh Luyến nói: “Có đối tác Campuchia có thể “môi giới” để VINACAS làm việc với phía Campuchia về việc hợp tác sản xuất – kinh doanh hạt điều thô và mời đoàn của VINACAS sớm sang Campuchia bàn với bạn (đối tác là Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia).
Tôi gấp rút tổ chức đoàn đi, đoàn gồm có tôi, anh Nguyễn Minh Họa – Phó Chủ tịch VINACAS, anh Trần Văn Hiệp – Trưởng Ban Xúc tiến thương mại VINACAS, anh Lê Quang Luyến - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tài chính VINACAS, anh Cao Thúc Uy, anh Nguyễn Đình Trường – Phó Chánh Văn phòng VINACAS, một số anh em trong Ban cố vấn và một số doanh nghiệp. Cuối tháng 11 năm 2017, chúng tôi lên đường sang bạn bằng đường bộ qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh và đến TP. Phnompenh, Campuchia. Ngài Oknha Leng Rithy đã nhanh chóng đưa chúng tôi đến chào xã giao Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia. Tại đây, chúng tôi đã trình bày sơ bộ chương trình dự kiến làm việc với bạn để tranh thủ sự ủng hộ của Đại sứ quán.
Sáng hôm sau, đoàn tới làm việc với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia. Tham dự buổi làm việc, về phía bạn hôm đó có Ngài Bộ trưởng Veng Sakhon và Ngài Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp, TS. Hean Vannhorn, lãnh đạo một số Cục, Vụ và chuyên gia của Bộ. Ngài Oknha Leng Rithy lúc bấy giờ vừa là người kết nối chúng tôi với bạn, vừa hỗ trợ phiên dịch cho 2 đoàn.
Trong khi đàm phán, chúng tôi bất ngờ được biết rằng bạn có đến 500 ngàn hecta cây khoai mì, muốn chuyển đổi qua sản xuất điều; ngoài ra, Campuchia cũng có quỹ đất khoảng 300 ngàn hecta có thể trồng mới cây điều. Trong việc trồng điều, bạn cũng có sẵn hệ thống canh tác hoàn chỉnh, có nơi còn tốt hơn Việt Nam; bạn cũng có một số giống tốt,… Quan trọng hơn cả là bạn có quỹ đất lớn phù hợp với canh tác điều theo mô hình “cánh đồng lớn”. Tôi nói với Ngài Bộ trưởng là Việt Nam có thế mạnh về chế biến, xuất khẩu; công nghệ chế biến điều của Việt Nam vào loại tiên tiến của thế giới và Việt Nam hiện là quốc gia chế biến, xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới. Bạn đề xuất hai bên thành lập tổ công tác giúp việc và bạn sẽ báo cáo chương trình hợp tác này lên Chính phủ và đề nghị trước mắt, tổ công tác được thành lập sẽ giúp hai bên soạn thảo một bản ghi nhớ về việc xúc tiến sản xuất điều tại Campuchia để xuất khẩu. Tôi nói tôi phải báo cáo việc này với Ban chấp hành VINACAS và Bộ NN-PTNT Việt Nam.
Ngày 06 tháng 12 năm 2017, tôi triệu tập họp Ban chấp hành VINACAS, sau đó Ban chấp hành Hiệp hội đã ban hành nghị quyết cho rằng việc hợp tác với Campuchia để giải quyết nhu cầu nguyên liệu, phục vụ chế biến xuất khẩu trong tình hình hiện nay là quan trọng nhất. Ban chấp hành giao Ban Thường vụ VINACAS xem xét, quyết định phương hướng hợp tác, hỗ trợ bạn. Trong Hội nghị này, các ủy viên Ban chấp hành VINACAS đã tự nguyện đóng góp 1,5 tỷ VNĐ để hình thành nguồn kinh phí giúp bạn về giống và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất điều. Ban chấp hành cũng đã thành lập Tổ công tác hợp tác, phát triển điều tại Campuchia và giao cho ông Lê Quang Luyến làm Tổ trưởng, KS. Phạm Văn Đẩu làm Tổ phó, anh Nguyễn Văn Thỏa (Bảy Thỏa) – nguyên Phó Chủ tịch VINACAS làm Trưởng Ban Cố vấn của chương trình.
Cuối năm 2017, trong chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, tôi được gặp và báo cáo nhanh với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về đề án này; anh Cường bảo: “về chủ trương, Bộ đồng ý!” và nhắc anh em ngành điều “nên tham khảo cách làm bên ngành cao su?”. Tôi báo cáo là ngành điều không hợp tác, đầu tư trồng điều ở Campuchia mà chỉ giúp bạn về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản sau thu hoạch để giảm tổn thất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm điều của bạn.
Ngày 17 tháng 01 năm 2018, tại Văn phòng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia tại TP. Phnompenh, trước sự chứng kiến của Ngài Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam Vũ Quang Minh cùng hai bên: Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia và Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), bản ghi nhớ hợp tác về việc hợp tác, xúc tiến sản xuất điều tại Campuchia để xuất khẩu đã long trọng được ký kết.
Tại Campuchia, ngày hôm sau, chúng tôi đã đến thăm Ngài Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Yim Chhayly. Tại đây, Ngài Phó Thủ tướng đã thông báo rằng Ngài Thủ tướng Hun Sen cũng đã đồng ý cho thực hiện đề án.
Đánh giá về đề án hợp tác kể trên, ông Nguyễn Văn Thỏa – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nguyên Phó Chủ tịch VINACAS, TS. Hoàng Quốc Tuấn, KS. Phạm Văn Đẩu và nhiều chuyên gia khác đều có chung một nhận định là: đề án này, nếu được triển khai tốt, sẽ rất hiệu quả cho cả hai bên; về phía bạn sẽ tận dụng được quỹ đất trống, góp phần chuyển đổi cây khoai mì hiện đang sản xuất không hiệu quả qua cây điều hiệu quả hơn. Việc hợp tác với Việt Nam sẽ giúp Campuchia nâng cao được năng suất điều, giảm tổn thất sau thu hoạch, nhất là có thị trường tiêu thụ (đầu ra) ổn định và vững vàng,…; về phía Việt Nam sẽ có được nguồn nguyên liệu “gần” để phục vụ chương trình sản xuất, xuất khẩu.
Xuất khẩu hạt điều Campuchia tăng gần gấp đôi năm 2019
Ngày 14 tháng 01 năm 2020, Tờ Phnompenh Post/ ANN (Campuchia) đưa tin: năm 2019, Campuchia đã xuất khẩu được 203.318 tấn hạt điều, tăng gần 100% so với năm 2018 là 101.973 tấn hạt điều.
Theo báo cáo của ông Khan Samban – Cục trưởng Cục Nông Lâm nghiệp – Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, hạt điều Campuchia “có hương vị và chất lượng tốt”. Ông cũng cho biết thêm là năm nay, sản lượng điều tăng là do Chính phủ Campuchia cải tiến thông thoáng trong việc làm thủ tục thông quan hàng hóa và chủ yếu là do diện tích trồng điều ở Campuchia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Cũng theo ông Khan Samban, vườn điều ở Campuchia là vườn điều trẻ, diện tích đưa vào khai thác (cho thu hoạch) mới đạt khoảng 60%. Báo cáo cũng cho biết, năm 2018, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia có ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) nhằm đưa sản lượng điều Campuchia lên 1 triệu tấn vào trước năm 2028.
Theo nghiên cứu, Campuchia là một trong số ít những quốc gia trên thế giới có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây điều. Năm 2018, Heks/ Eper – một tổ chức phi chính phủ được hỗ trợ từ Chính phủ Thụy Sĩ cũng đã công bố khởi động một dự án phát triển điều ở vùng nông thôn, hẻo lánh trong 5 năm với trị giá 7,8 triệu USD nhằm cải thiện sinh kế cho nông dân nghèo của 7 tỉnh, gồm có: Pursat, Kampong Chhnang, Prey Veng, Tbong Khmum, Kratie, Mondulkiri và Stung Treng.
(Theo Phnompenh Post) Nguồn: Star News (Malaysia)
Về phía Việt Nam, trong công văn gửi Bộ Ngoại giao ngày 20/11/2018, Bộ NN-PTNT đã đồng ý là sẽ: “chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với Campuchia. Phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam triển khai bản ghi nhớ về hợp tác, thúc đẩy sản xuất điều tại Campuchia để xuất khẩu ký ngày 17/1/2018 giữa Hiệp hội Điều Việt Nam và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia”.
(N.Đ.T)
Nguồn tin: Nguyễn Đức Thanh & các cộng sự/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã