Tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội tổ chức vào tháng 5 năm 2013, sau khi nghe anh Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký báo cáo kết quả chuyến công tác nước ngoài, tôi thấy cách xây dựng thị trường của các đồng nghiệp Ấn Độ quá ấn tượng. Họ chủ động nhường sân chơi xuất khẩu cho Việt Nam, có chiến lược và từng bước xây dựng thị trường trong nước trong vòng 10 năm, từ 2005 - 2015. Các doanh nghiệp điều Ấn Độ đã có thị trường trong nước cực tốt. Anh Giang cho Ban chấp hành biết một thông tin rất giá trị là người Ấn ăn các loại hạt trong đó có hạt điều lớn nhất thế giới chứ không phải là người Mỹ hay người Trung Quốc.
Nhưng anh em có nói là vì người Ấn có rất nhiều lễ hội, cộng đồng người theo đạo Hồi ăn chay cũng rất đông cho nên họ dễ phát triển thị trường trong nước. Tôi đặt vấn đề thế thì tại sao mình lại không xuất nhân sang thị trường Ấn Độ. Anh Vũ Thái Sơn lúc bấy giờ là Trưởng Ban Xúc tiến thương mại bảo việc đó là rất khó vì chính phủ Ấn Độ có chính sách bảo hộ sản xuất điều trong nước, hạt điều Việt Nam xuất khẩu vào Ấn Độ đóng thuế rất cao từ 25% đến 45%, hàng của chúng ta không thể vào được. Sau đó thì chúng tôi cũng thống nhất là Hiệp hội phải xây dựng chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước. Chương trình mang tên “Giá trị điều Việt Nam”, nhưng kích cầu tiêu dùng thì phải có chiến lược marketing rất tốn kém, có nhiều phương án được đưa ra.
Tôi đặt vấn đề với anh Giang xem kích cầu tiêu dùng trong nước bằng cách nào? Anh Giang nói là sẽ có khó khăn vì văn hóa ẩm thực người Việt chưa có thói quen ăn hạt “cao cấp” như hạt điều,... Vậy là đã rõ, phải làm sao cho cộng đồng người tiêu dùng hiểu rằng ăn hạt điều là có lợi cho sức khỏe con người như thế nào, nhất là người có bệnh lý về tim mạch và tiểu đường.
Cuối cùng thì một đề án hợp tác giữa Vinacas và Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đã được ký kết; đề án chỉ có trên 200 triệu đồng, thời gian nghiên cứu và công bố kết quả trong vòng 2 năm. Nội dung đề án là nghiên cứu giá trị dinh dưỡng của hạt điều Bình Phước và Đồng Nai sau đó tổ chức công bố. Rất may là Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM của bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp và bác sĩ Tạ Thị Lan đã có nghiên cứu trước đó, nên việc tiếp tục nghiên cứu và tổ chức công bố kết quả đã nhanh chóng được thực hiện, tập trung vào thử nghiệm lâm sàng.
Chỉ 1 năm sau, vào ngày 01 tháng 12 năm 2014, VINACAS đã phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tổ chức Diễn đàn “Giá trị điều Việt Nam” lần I và Lễ công bố giá trị dinh dưỡng hạt điều Việt Nam - Bình Phước. Nhiều thông tin rất quan trọng về sức khỏe cho con người, đặc biệt là những người có bệnh lý về tiểu đường tim mạch được báo cáo, trong đó nhấn mạnh “Nếu xem xét giá trị dinh dưỡng của hạt điều chúng ta thấy hạt điều có giá trị dinh dưỡng cao vì hạt điều có năng lượng cao, hạt điều có hàm lượng chất béo không bão hòa cao, hạt điều có lượng đạm cao” - điều này cũng phù hợp với khuyến cáo của Hội đồng hạt quả khô quốc tế (INC) “Ai cũng có thể ăn được nhân điều, lúc nào cũng có thể ăn, mỗi ngày nên ăn khoảng 30 gram mỗi người là tốt nhất. Người suy dinh dưỡng, có vấn đề tim mạch, béo phì, tiểu đường, suy thận,… có thể ăn nhiều hơn theo chỉ định của bác sĩ”. Buổi họp báo công bố kết quả đó với sự tham gia khá đông anh em truyền thông đã góp phần tuyên truyền nhanh chóng đến người tiêu dùng ở trong nước và một số nước khác.
Kết quả thật bất ngờ, từ đó dòng sản phẩm chế biến sâu (điều rang muối còn vỏ lụa, điều rang muối bóc vỏ lụa, điều gia vị, điều mật ong, điều wasabi,…) đã từ từ bán được ở thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng nhiều, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Trung Đông, Hong Kong, Thái Lan,… Trong đó đáng ghi nhận một số doanh nghiệp đã tích cực tham gia chương trình chế biến sâu, kích cầu tiêu dùng trong nước “Giá trị điều VN” như: Long Sơn, Hoàng Sơn 1, Thảo Nguyên, Lafooco, Tanimex Long An,….
Đến nay theo tính toán của một số chuyên gia, doanh thu của dòng sản phẩm này lên đến cả tỉ USD (năm 2019), trong đó chủ yếu là điều rang muối còn vỏ lụa được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, góp phần tạo nên kênh tiêu thụ hạt điều thô (điều nguyên liệu trong nước) rất hiệu quả, vì cho đến nay, gần như 100% nguyên liệu trong nước dùng để chế biến sâu, còn lại một phần của Campuchia (loại hạt lớn) và một phần của châu Phi.
Nguồn tin: Nguyễn Đức Thanh & các cộng sự/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã