Huyện Trấn Yên (Yên Bái) có 2.300 ha ruộng, bình quân mỗi năm thu khoảng 22.000 tấn lúa, giá trị thu nhập 137,9 tỷ.
Trong khi đó diện tích dâu tằm tơ chỉ có 700 ha trồng dọc bờ sông Hồng ở các xã: Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Tân Đồng, Nga Quán, Y Can… mỗi năm cho thu nhập từ 70-100 tỷ. Bình quân mỗi ha trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập 142-145 triệu, gấp đôi trồng lúa.
Nhiều xã thu nhập cao từ nghề trồng dâu nuôi tằm, như các xã Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp… giá trị mỗi ha trồng dâu nuôi tằm ở các xã này bình quân mỗi ha thu từ 250-300 triệu, nhất là khi người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng các giống dâu năng suất cao, như Sa Nhị Luân, VH15, VH17… cho năng suất từ 20-30 tấn lá/ha; kỹ thuật nuôi tằm trên nền đất và kén vuông đã mang lại thu nhập cao cho người trồng dâu nuôi tằm.
Gia đình bà Lê Thị Lưu, thôn 5, xã Tân Đồng trồng 4 sào dâu, mỗi năm thu 100-120 triệu. Diện mạo nông thôn Trấn Yên đã đổi thay, ngày càng xuất hiện nhiều những ngôi nhà 2-3 tầng, phần lớn nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm.
Báo Đáp là xã đầu tiên của tỉnh Yên Bái được công nhận là xã đạt chuẩn NTM, đầu năm 2020 Trấn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên trao bằng công nhận huyện NTM. Nghề trồng dâu nuôi tằm là một trong hai trụ cột kinh tế, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế toàn diện của Trấn Yên.
Trụ cột kinh tế nông nghiệp thứ hai của Trấn Yên là cây tre măng Bát Độ. Với diện tích 3.500 ha, mỗi năm thu 70.000 tấn vỏ tươi, bóc ra được 25.000 tấn măng thương phẩm, thu trung bình 100 tỷ/năm. Các xã trồng nhiều măng tre Bát Độ, như Kiên Thành 2.000 ha, Hồng Ca 1.000 ha, ngoài ra các xã Hưng Khánh, Lương Thịnh mỗi xã trồng từ 200-300 ha.
Các xã này trước đây đều thuộc diện xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, khi đưa cây măng tre Bát Độ vào thì thu nhập của người dân đã tăng vọt. Xã Kiên Thành một thời được mệnh danh là “ốc đảo” giữa rừng xanh, do nằm sâu trong núi, đường sá đi lại khó khăn.
Mặc dù đất đai rộng lớn, nhưng chủ yếu là nương rẫy, diện tích ruộng ít làm thế nào cũng không đủ ăn, nhiều hộ sau Tết nguyên đán là đói phải lên rừng đào củ, kiếm rau măng sinh sống. Khi tỉnh Yên Bái đưa dự án trồng tre măng Bát Độ vào Kiên Thành đã được người dân đón nhận một cách nhiệt tình.
Dự án tre măng Bát Độ đã làm thay đổi nhận thức của người dân, gia đình anh Giàng A Chư thôn Đồng Ruộng trồng 4 ha tre măng, anh Chư cho biết: Gia đình tôi vay 50 triệu vốn ngân hàng người nghèo để mua giống măng và phân bón, sau 5 năm thì trả hết gốc và lãi. Hiện nay mỗi năm gia đình anh thu 100 tấn măng tươi, thu nhập chừng 250 triệu, trừ chi phí, công lao động được lãi trên 120 triệu.
Nhờ trồng măng tre măng Bát Độ, nên mỗi năm vợ chồng anh tích cóp được ít vốn rồi vay thêm Ngân hàng chính sách, cuối năm 2019 gia đình anh mua máy thêu của Nhật trị giá 250 triệu để may quần áo Mông cho bà con.
Cũng ở thôn Đồng Ruộng, gia đình anh Giàng A Măng trồng 5 ha tre măng Bát Độ, sau 15 năm gia đình Giàng A Măng có tiền đầu tư mua máy xúc 600 triệu và một ô tô tải 300 triệu để làm đường, chở măng cùng vật liệu xây dựng cho bà con trong xã. Anh bảo: Tôi mới vay 100 triệu vốn giải quyết việc làm, nên bây giời cũng tạm đủ vốn làm ăn...
Nhờ trồng măng tre Bát Độ, nên nhiều hộ dân xã Kiên Thành đã xây dựng được nhà cao tầng, đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%. Cuối năm 2019 xã Kiên Thành hoàn thành việc xây dựng NTM. Hiện nay Kiên Thành được mệnh danh là “thủ phủ” cây tre măng Bát Độ của tỉnh Yên Bái.
Theo Thái Sinh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã