Cây mắc ca trồng xen chè ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn sinh trưởng khá nhanh. Ảnh: Báo Yên Bái
Mô hình trồng cây mắc ca tại các xã vùng thượng huyện là mô hình mới, nhiều triển vọng đang được nhân dân hết sức hưởng ứng.
Năm 2015, gia đình anh Đinh Văn Thành, thôn Minh Nội xã Gia Hội được người thân ở Đắc Lắc giúp mua 400 cây giống mắc ca về trồng thử nghiệm xen vào diện tích chè Shan. Do không có kinh nghiệm chăm sóc, anh để cây mắc ca mọc tự nhiên.
Sau 4 năm trồng, nhận thấy cây mắc ca sinh trưởng tốt, có khả năng vừa cho quả vừa làm cây bóng mát cho chè nên gia đình anh đã tập trung chăm sóc cây cùng với diện tích chè Shan. Năm 2020, mặc dù chỉ mới có một số cây cho bói quả, anh Thành đã thu hơn 1 tạ quả. Dù số lượng chưa nhiều, nhưng với giá thị trường trên 50.000 đồng/kg, anh Thành rất phấn khởi với cây trồng này.
Cùng với gia đình anh Thành, những năm qua, một số hộ ở thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Chấn Thịnh, Đại Lịch đã thử nghiệm trồng số ít diện tích cây mắc ca và hầu hết cây sinh trưởng, xanh tốt quanh năm. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên số cây cho quả đậu thấp, sản lượng ít, chưa có đầu ra nên người dân chưa tập trung mở rộng diện tích.
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, khả năng sinh trưởng của cây mắc ca tại địa phương, năm 2020, được sự hỗ trợ của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, huyện Văn Chấn đã thử nghiệm trồng 5 ha cây mắc ca tại xã Gia Hội. Cây mắc ca được trồng xen chè Shan với mật độ 150 cây/ha. Qua hơn 6 tháng trồng, chăm sóc, cây mắc ca đã sinh trưởng thêm 70 - 80 cm.
Ông Nguyễn Hữu Lanh - một trong 16 hộ tham gia mô hình trồng cây mắc ca ở thôn Hải Chấn, xã Gia Hội chia sẻ: "Chúng tôi thấy cây mắc ca sinh trưởng và phát triển rất khỏe và ngay cả trong điều kiện thời tiết giá lạnh cây vẫn xanh tốt. Theo tôi, việc trồng mắc ca xen chè sẽ có hiệu quả vừa là cây bóng mát vừa là cây lấy quả có giá trị. Nếu cây cho năng suất như dự kiến thì giá trị mỗi héc - ta mắc ca xen chè có thể đạt 300 - 400 triệu đồng. Vì vậy, bà con chúng tôi rất phấn khởi và mong muốn được hỗ trợ cây giống để mở rộng thêm diện tích”.
Từ những tín hiệu khả quan bước đầu, năm 2021 huyện Văn Chấn đang chủ trương mở rộng mô hình ra một số xã vùng thượng huyện; đồng thời, đề nghị tỉnh hỗ trợ triển khai đề án hỗ trợ trồng cây mắc ca. Thực hiện chủ trương này, huyện đã phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức các hội thảo, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và giải đáp những thắc mắc của người dân khi trồng cây mắc ca. Đa số người dân đều rất hào hứng với giá trị và khả năng phát triển của cây mắc ca.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam đánh giá: "Qua khảo nghiệm các mô hình trồng mắc ca ở miền Bắc, chúng tôi thấy rất có khả quan. Trước đây, chúng tôi cũng lo lắng ở miền Bắc thời điểm mắc ca ra hoa thường có mưa xuân ảnh hưởng đến việc thụ phấn, đậu quả. Nhưng thực tế, mắc ca có dạng hoa treo, mưa nhỏ chỉ ảnh hưởng phần dưới còn ở các vườn chúng tôi đi tham quan tỷ lệ đậu quả vẫn rất cao. Có thể hiệu quả trồng Mắc ca không cao như ở khu vực Tây Nguyên, nhưng có thể thấy thổ nhưỡng, khí hậu khu vực Văn Chấn hoàn toàn có thể đưa cây mắc ca vào trồng để phủ xanh những đồi chè, đồi trọc giúp nông dân tăng gấp đôi, gấp ba lợi nhuận”.
Lào Cai: Trồng mới, cải tạo 5ha cây màng tang để sản xuất tinh dầu
Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về Xây dựng mô hình trồng rừng và chiết xuất tinh dầu cây màng tang, phục hồi rừng sau canh tác nương rẫy có nguy cơ sa mạc hóa, để tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc vùng cao.
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân chăm sóc cây màng tang. Ảnh: Báo Lào Cai
Theo đó, mô hình thực hiện trồng mới 4 ha và cải tạo 1 ha rừng màng tang tái sinh tự nhiên; mô hình được thực hiện tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương...
Mục tiêu của đề tài nhằm xác định được một số đặc điểm sinh học và đánh giá, xác định hàm lượng của tinh dầu cây màng tang tại các địa phương, để khuyến cáo lựa chọn cây đầu dòng, lựa chọn giống trồng phù hợp.
Màng tang là một loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên, cao từ 2-4 m, phân bố tự nhiên và phát triển tốt trên diện tích đất nương đồi khô, cằn, chịu được khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là trên đất nương rẫy bạc màu, có nguy cơ sa mạc hóa mà ít loại cây nào sống được.
Lá cây màng tang dài và nhỏ, hoa ra thành từng chùm, màu vàng nhạt; quả màng tang nhỏ, nhưng rất nhiều, mùi thơm nồng đậm. Từ quả của loài cây này, nhiều nơi đã chiết xuất tinh dầu dùng trong y học, mỹ phẩm.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, với 300 kg quả tươi sẽ chưng cất được khoảng 8 kg tinh dầu, giá bán 500.000 đồng/kg. Được biết, sản phẩm tinh dầu màng tang mùi thơm dịu nhẹ, dùng để tắm, xông hơi, massage, xông hương khử mùi, đuổi muỗi… được thị trường ưa chuộng.
Lục Yên gần 300 ha lúa xuân bị sâu bệnh gây hại
Ảnh minh họa (ảnh: Văn Tuấn)
Trên các cánh đồng lúa của huyện Lục Yên (Yên Bái) đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại trên lúa xuân với gần 300ha bị nhiễm, trong đó bệnh ruồi đục nõn 146ha, bọ xít đen 64ha, nghẹt rễ 57ha, đạo ôn lá 31ha…
Hiện, lúa xuân trên địa bàn huyện Lục Yên đang trong quá trình sinh trưởng, phát triển tốt nhưng thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh gây hại. Do đó, huyện chỉ đạo các địa phương cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng trừ hiệu quả, bảo đảm vụ lúa xuân giành thắng lợi.
Theo kết quả điều tra dự tính, dự báo của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, hiện nay đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại trên lúa xuân với gần 300ha bị nhiễm, trong đó bệnh ruồi đục nõn 146ha, bọ xít đen 64ha, nghẹt rễ 57ha, đạo ôn lá 31ha…
Dự báo trong thời gian tới thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn và một số sâu bệnh hại phát sinh gây hại trên diện rộng ứng với giai đoạn lúa trỗ bông - phơi màu.
Để kịp thời ứng phó với dịch bệnh hại trên cây trồng, Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại trên lúa mùa đạt hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Tìm đầu ra cho sản phẩm cá lồng
Chuyện được mùa mất giá, gặp khó trong việc tiêu thụ do dịch bệnh Covid-19 là câu chuyện không chỉ diễn ra đối với các hộ trồng cây ăn quả, trồng rau mà cũng là câu chuyện của những hộ nuôi cá lồng ở xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai, Sơn La). Tìm đầu ra cho sản phẩm nuôi cá lồng là bài toán đang được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây nỗ lực giải quyết.
Gia đình ông Lù Văn Nhại, bản Xe, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) bắt cá bán lẻ cho các chợ trong huyện.
Năm 2020, xã Chiềng Ơn có 9 hợp tác xã (HTX) và 9 hộ nuôi thủy sản với tổng số 1.453 lồng cá, sản lượng đạt 134 tấn/năm. Số lượng lồng cá năm 2020 đã giảm 28 lồng so với năm 2019. Nguyên nhân do trước đây được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nên người dân làm lồng nuôi cá ồ ạt, trong khi chưa đủ kiến thức áp dụng các quy trình kỹ thuật, an toàn thực phẩm, điều kiện sống của cá không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng chất lượng, năng suất cá. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà hàng phải tạm đóng cửa nên lượng cá tiêu thụ rất chậm.
Ông Lù Văn Nhại, bản Xe, cho biết: Gia đình nuôi 10 lồng, gần 3 tấn cá đến kỳ xuất bán thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Những nhà hàng đặt lấy cá số lượng lớn đồng loạt nghỉ nên gia đình phải chở đi bán lẻ tại các chợ trong huyện. Giá cá Lăng từ 120 nghìn đồng/kg giảm xuống 65 nghìn - 70 nghìn đồng/kg, cá trắm từ 80 nghìn đồng/kg, giảm còn 60 nghìn đồng/kg... mà vẫn khó bán.
Nỗi niềm của ông Nhại cũng là câu chuyện đau đầu của nhiều hộ nuôi cá lồng ở Chiềng Ơn. Còn đối với các HTX nuôi cá thì khó khăn lại nhiều hơn. Anh Lò Văn La, Giám đốc HTX Hồ Quỳnh, chia sẻ: HTX được thành lập từ năm 2014 với 8 thành viên, đến nay có 160 lồng chủ yếu nuôi cá lăng, sản lượng hằng năm đạt hơn 170 tấn. Đến năm 2020, HTX chỉ tiêu thụ được hơn 90 tấn cá, thu về 6,8 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với năm 2018, thu nhập của mỗi thành viên thấp hơn so với các năm trước.
Để đảm bảo hoạt động, ngoài nâng cao kỹ thuật nuôi và chất lượng sản phẩm, HTX đã chuyển hướng, tập trung vào hoạt động sơ chế, chế biến sản phẩm cá khô, cá giảng, cá tép dầu. Năm 2020, sản lượng đạt 16 tấn thành phẩm; doanh thu hơn 2,6 tỷ đồng, duy trì việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương. Chúng tôi mong Nhà nước có những chính sách phù hợp tạo điều kiện cho những người nuôi cá lồng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Lò Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn, cho biết: Trước những khó khăn hiện nay, UBND xã đã liên hệ, kết nối các HTX ở địa phương với các đơn vị tiêu thụ tại Hà Nội, Điện Biên và một số tỉnh miền Trung, tạo điều kiện cho các HTX, hộ nuôi cá trên địa bàn tham gia hội chợ để quảng bá và tìm đầu ra sản phẩm. Khuyến khích các hộ dân liên kết tổ chức sản xuất, hình thành các hợp tác xã, thuận lợi cho việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất; đề xuất với cấp trên giúp cho các HTX, đơn vị, cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi, để người dân an tâm gắn bó với nghề.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã