Đến thăm HTX Tân Hợp (thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang), ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là những đồi trồng cải bắp, su hào xanh mướt, được mây mù bao phủ.
Đang kiểm tra vườn rau trước ngày thu hoạch, chị Lý Thị Kiều, thành viên HTX cho biết: Gia đình chị đang canh tác 7.000m2 trồng các loại rau gồm các loại su hào, cải bắp, rau cải, bí thơm, mùa nào thức ấy.
Chị Kiều tâm sự: "Trước đây, chúng tôi trồng rau chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Đợt nào nhiều hơn một chút thì mang ra chợ bán cho bà con trong xã còn chủ yếu là trồng lúa, ngô nên kinh tế rất bấp bênh. Từ khi, tham gia vào sản xuất rau hữu cơ cho HTX, hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần. Thu nhập được cải thiện, gia đình cũng đỡ vất vả hơn, con cái đi học đầy đủ hơn".
Năm 2020, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX Tân Hợp đã có 3 sản phẩm được công nhận 3 sao, gồm bắp cải, bí thơm và quả lê Khâu Tràng.
Ông Đàng Đức Hầu, Giám đốc HTX Tân Hợp cho biết: Trước đó, khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP, giá su hào, bắp cải, bí thơm chỉ ở mức 5.000/kg. Nhưng giờ thì khác, giá sản phẩm rau hữu cơ được các đơn vị thu mua với giá tăng gấp đôi, từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại.
Đặc biệt, từ khi dán tem OCOP, các sản phẩm của HTX Tân Hợp đã được hệ thống siêu thị tại Tuyên Quang, Hà Nội ký kết bao tiêu. Trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng từ 3 - 3,5 tấn rau xanh, bí các loại, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Xã Hồng Thái là một trong những xã có địa hình cao nhất của tỉnh Tuyên Quang. Sở hữu khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, nơi đây rất phù hợp cho việc phát triển các loại cây rau, quả xứ lạnh.
Tận dụng vùng tiểu khí hậu ôn đới, HTX Tân Hợp đã triển khai trồng các loại rau đặc sản như bắp cải, su su, bí thơm, bò khai, rau dớn... với tổng diện tích gần 10ha. Do được trồng trên vùng núi cao Kia Tăng, đất đai màu mỡ nên các sản phẩm rau của HTX Tân Hợp có độ ngọt tự nhiên, đậm đà hơn rau các vùng khác.
Rau ở đây được bà con chăm sóc theo hướng sản xuất hữu cơ như ủ phân chuồng hoai mục để bón lót cho rau; bắt sâu bọ bằng phương pháp thủ công vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối; sử dụng chế phẩm vi sinh từ rượu, tỏi, ớt để phòng trừ sâu hại, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, tất cả các thành viên HTX Tân Hợp phải lưu trữ thông tin về sản phẩm bằng nhật ký sản xuất. Từng lô rau hữu cơ xuất ra đều được ghi chép cẩn thận nhằm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.
Cũng theo ông Hầu: "Mặc dù quy mô chưa lớn nhưng HTX Tân Hợp vẫn đảm bảo quy trình sản xuất chặt chẽ để cho ra những sản phẩm rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn chất lượng".
Với cách làm bài bản, sản phẩm rau hữu cơ của HTX Tân Hợp nổi tiếng vừa ngon vừa sạch nên rất được thị trường ưa chuộng. Nhờ đó giá bán luôn ổn định, thu nhập của người dân cũng được nâng lên đáng kể.
Ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái nhận định: "Sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, hiện nay giá trị của các sản phẩm nông nghiệp nói chung và rau hữu cơ của xã Hồng Thái khi đưa ra thị trường đều được đón nhận và đánh giá cao.
Vì vậy, có thể nói, Chương trình OCOP đã trở thành động lực khơi dậy tiềm năng các sản phẩm đặc sản của địa phương. Đồng thời, góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân – Ông Dũng khẳng định.
Theo Trang Thảo - Phạm Mơ/danviet.vn
https://danviet.vn/tuyen-quang-dem-cai-bap-su-hao-trong-tren-dinh-nui-tuong-kho-nhan-hoa-ra-thu-nhap-gap-3-lan-ngo-lua-20210319082120274.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã