Những năm qua, Hội Nông dân (ND) huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) đã thực hiện tốt việc nhận ủy thác nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả.
Hộ thoát nghèo quay lại giúp đỡ hộ khó
Một trong những hộ sử dụng vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả là anh Bùi Văn Thiều (SN 1988), ở thôn Khuổi Coóng, xã Chu Hương. Tuổi còn trẻ nhưng vợ chồng anh Thiều đã tự xây cho mình ngôi nhà mới khang trang.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp VAC của anh Bùi Văn Thiều. Ảnh: Thu Hà
"Năm 2020, huyện Ba Bể có hơn 2.600 hộ đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 100% chỉ tiêu giao. Bên cạnh đó, trong quý I Hội đã vận động hội viên giúp đỡ 15 hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 4 triệu đồng, 110 ngày công, 40 vác củi và 60kg gạo...”. Ông Dương Xuân Trường - |
Anh Thiều chia sẻ: “Cưới nhau xong, vợ chồng tôi bảo nhau làm cật lực nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 2010, được sự hướng dẫn của cán bộ Hội ND, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Khuổi Coóng, tôi đã làm đơn vay vốn Ngân hàng CSXH chương trình hộ nghèo để phát triển kinh tế. Chưa đầy 1 tuần sau, tôi đã được thông báo ra trụ sở UBND xã nhận tiền vay vốn ưu đãi”.
Với số vốn vay là 30 triệu đồng, anh Thiều đã mua 1 cặp trâu về nuôi. Sau 1 năm, anh Thiều bán 1 con trâu để lấy tiền đầu tư thêm chăn nuôi lợn, gà ta thả vườn, vịt và đào ao thả cá. Tính toán đầu tư hợp lý nên chỉ 3 năm sau, anh Thiều đã thoát nghèo và hoàn trả vốn vay cho ngân hàng đúng hạn.
Để phát triển chăn nuôi tổng hợp với quy mô lớn hơn, anh Thiều tiếp tục làm đơn vay vốn chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và được Ngân hàng CSXH duyệt cho vay 50 triệu đồng.
Hiện, trang trại nhà anh Thiều lúc nào cũng có hàng nghìn con gà ta thả vườn, hàng trăm con vịt, vài chục con lợn thịt. Mỗi năm xuất bán hơn 6 tấn gà ta thả vườn, vài tấn lợn thịt và hơn 3 tấn vịt và cá. Anh Thiều có thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn bỏ túi cả trăm triệu đồng. "Tôi nuôi gà ta thả vườn, nuôi lứa nào đều bán hết lứa đó, thương lái rất thích...".
Sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả, anh Thiều đã được bà con tín nhiệm bầu làm cán bộ Hội ND. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, anh Thiều còn giúp đỡ hơn 50 hội viên, nông dân khó khăn khác về con giống, kinh nghiệm chăn nuôi và hỗ trợ cả việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hộ trong số này đã thoát nghèo và có của ăn của để.
Ủy thác vốn vay hiệu quả
Ông Dương Xuân Trường - Chủ tịch Hội ND huyện Ba Bể cho biết: “Hội ND huyện Ba Bể có 206 chi hội với 8.915 hội viên, chiếm 87% tổng số hộ nông nghiệp của huyện. Hội ND huyện Ba Bể coi việc hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng hội ngày càng vững mạnh”.
Theo đó, năm 2020, Hội ND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ sở Hội phát triển nguồn quỹ hội để hỗ trợ vốn cho nông dân. Trong quý I/2020, tổng nguồn vốn do Hội ND quản lý gần 3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương, tỉnh ủy thác hơn 2 tỷ đồng, nguồn ngân sách huyện cấp 450 triệu đồng và nguồn ủng hộ hơn 471 triệu đồng.
Cùng với tăng trưởng quỹ hội, Hội ND cũng tích cực phối hợp các ngân hàng trên địa bàn cho vay ưu đãi giúp nông dân phát triển kinh tế. Tính đến hết tháng 2/2020, tổng dư nợ do Hội ND huyện Ba Bể nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH là trên 91 tỷ đồng, với 2.086 hộ vay gồm 71 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ngoài ra, Hội ND huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội triển khai chương trình vay phân bón trả chậm vụ xuân năm 2020. Kết quả, các cơ sở Hội cung ứng được hơn 28 tấn phân bón các loại cho hội viên nông dân.
Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ và được chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn Ba Bể đã đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, đồng thời phát huy lợi thế của địa phương về đất đai, nguồn lao động, phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Điển hình như hộ anh Hoàng Văn Huynh (xã Khang Ninh) với mô hình sấy khô nông, lâm sản; hộ ông Hoàng Văn Tâm (xã Đồng Phúc) khai phá đất ruộng để làm ao thả cá, với tổng diện tích hơn 1ha kết hợp chăn nuôi cho thu nhập trên 350 triệu đồng/năm; hộ ông Lý Văn Dũng (thôn Khuổi Trả, xã Phúc Lộc) với mô hình kinh doanh hàng tạp hóa và sản xuất gạch không nung, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo của gia đình chị Giàng Thị Bào (thôn Nà Tạ, xã Thượng Giáo)...
Theo Thu Hà/danviet.vn
http://danviet.vn/nong-thon-moi/von-nho-nuoi-thu-ga-ngon-duoc-lua-nao-thuong-lai-khuan-di-het-1085404.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã