Học tập đạo đức HCM

Xây dựng những miền quê văn minh

Thứ năm - 09/09/2021 10:02
Bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống người dân nâng cao, kết cấu hạ tầng thay đổi nhanh chóng là thành quả một thập kỷ xây dựng nông thôn mới (NTM) của Quảng Ninh. Tiếp nối những thành quả đó, “làn gió” NTM đang tiếp tục thổi bùng khát vọng đổi mới, làm giàu, xây dựng những miền quê đáng sống, văn minh, hiện đại ở khắp các vùng quê trong tỉnh.


Chị Phạm Thị Tươi (thôn Tân Hải, xã Dương Huy) phấn khởi khi xây dựng thành công vườn mẫu, tăng thu nhập gia đình.

Thuộc thành phố công nghiệp mỏ sầm uất Cẩm Phả, song nhiều năm trước xã Dương Huy bị “cô lập”, bao quanh bởi rừng núi, đường sá đi lại khó khăn. Nay xã miền núi Dương Huy có sự đổi thay vượt bậc với một phố núi giàu có, hiện đại, văn minh. Xã có 2 tuyến đường thôn kiểu mẫu đoạt giải cấp thành phố, 1 tuyến đường thôn kiểu mẫu đoạt giải cấp tỉnh; 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch; 6/7 thôn có cổng chào do nhân dân đóng góp; 100% đường trục chính của các thôn lắp biển chỉ dẫn, biển cảnh báo, biển tên đường; 100% số hộ dân bám trục đường thôn, xóm có biển số nhà...

Dương Huy có địa hình đa phần là đồi núi cao, độ dốc lớn, chủ yếu phù hợp với trồng cây keo, khó phát triển các vùng trồng cây ăn quả, chăn nuôi tập trung. Khắc phục khó khăn, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xã tích cực vận động nhân dân triển khai các mô hình kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả...

Giờ đây, ở Dương Huy, dưới những tán rừng là hàng cây trĩu quả, bốn mùa xanh tốt. Nhiều trang trại, gia trại thu nhập hàng tỷ đồng được hình thành, như: Trang trại của ông Lý Văn Sinh (thôn Đồng Mậu), trên 8,5ha, thu nhập trên 2,5 tỷ đồng/năm; trang trại của ông Nguyễn Văn Tĩnh (thôn Đá Bạc), 7,6ha, thu nhập trên 3,5 tỷ đồng/năm; gia trại của ông Ninh Văn Đông (thôn Đoàn Kết), 1,5ha, thu nhập trên 800 triệu đồng/năm... Từ năm 2018 đến nay, Dương Huy không còn hộ nghèo. Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người xã đạt 43 triệu đồng, nay đạt trên 60 triệu đồng/năm. Xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.


Lãnh đạo TP Cẩm Phả trao quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Dương Huy đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Ảnh: Bảo Long (CTV)

Nói về chặng đường xây dựng NTM của xã, ông Bùi Hải Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dương Huy, cho biết: Xã có gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với địa phương có nhiều khó khăn như Dương Huy thì thành quả đạt được của chương trình xây dựng NTM là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, người dân. Sự nỗ lực đó đã tạo nên một Dương Huy đổi mới không chỉ ở những công trình hạ tầng, đời sống của người dân, mà còn ở nhận thức của người dân. Giờ đây, mỗi người dân đều phát huy tích cực vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm nay.

Ở khắp các vùng quê của Quảng Ninh hôm nay, những thửa ruộng manh mún trước đây, giờ đã thành những cánh đồng "thẳng cánh cò bay". Những mảnh vườn bốn mùa tươi tốt. Những thôn, xóm, tổ dân phố trù phú, nhà cửa khang trang, đường bê tông sạch đẹp. Đời sống của người dân no ấm, hạnh phúc, vui tươi. Thu nhập của người dân không ngừng nâng cao, đời sống được cải thiện, kinh tế nông thôn phát triển.

Hơn chục năm trước, khi TX Đông Triều vẫn còn những diện tích canh tác 1- 2 vụ, thì nông dân thôn Quảng Mản (xã Bình Khê, TX Đông Triều) đã canh tác quanh năm với 2 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc 1 vụ lúa, 1 vụ màu, 1 vụ hoa, cây cảnh. Nông dân Quảng Mản đã khai thác tốt thế mạnh của địa phương, nhân rộng diện tích canh tác, nâng cao giá trị của đồng đất. Quảng Mản hiện có 30ha trồng hoa, cây cảnh, chiếm 1/3 diện tích đất canh tác của thôn, giá trị canh tác mỗi ha cao gấp 2-3 lần trồng lúa, rau màu. Cùng với thành công canh tác vụ 3, nhiều hộ dân ở đây còn tích cực tham gia chăn nuôi quy mô lớn theo hướng tập trung.

Ông Nguyễn Văn Phạn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quảng Mản, cho biết: Việc chuyển từ canh tác 1-2 vụ sang 3 vụ/năm, chăn nuôi nhỏ lẻ tại nhà sang chăn nuôi tập trung, là một sự thay đổi tư duy sản xuất rất lớn của người dân. Chính sự dám nghĩ, dám làm, dám thử thách là cơ sở để người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Từ nhiều năm qua, thôn không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện thu nhập trung bình của người dân thôn đạt trên 85 triệu đồng/năm. Với sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực của nông dân Quảng Mản đã đưa địa phương nhanh chóng trở thành điển hình “tam nông” của tỉnh. Đây là một trong những nền tảng để Quảng Mản sớm hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cấp đô thị từ thôn lên khu, góp phần hiện thực hóa mục tiêu lên phường của Bình Khê.

Nhân viên HTX Cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn) thu hoạch cam V2.

Xây dựng NTM của Quảng Ninh là hành trình của tiến lên làm giàu trên mỗi vùng quê nông thôn, miền núi, hải đảo; hành trình nhân lên những vùng thôn quê giàu đẹp, văn minh, hiện đại; hành trình đưa những nông dân làm chủ... Dù đã đạt được nhiều thành công trong 10 năm qua, song với Quảng Ninh hành trình xây dựng NTM luôn chỉ khởi đầu, không có điểm kết thúc.

Tỉnh xác định xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Quan điểm xây dựng NTM của Quảng Ninh là tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; người dân là chủ thể, biết, bàn, làm, kiểm tra và thụ hưởng. Phương châm xây dựng NTM là làm đâu chắc đó, làm từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã, từ huyện đến tỉnh; giải pháp là gắn xây dựng NTM với thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình...

Chương trình xây dựng NTM được triển khai, mục tiêu cuối cùng chính là người dân nông thôn có thu nhập cao, đời sống được nâng lên, kinh tế nông thôn phát triển, bộ mặt nông thôn đổi mới, tiệm cận dần với vùng thành thị. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình OCOP... chính là những giải pháp Quảng Ninh tiếp tục thực hiện trong giai đoạn này để đáp ứng tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế trong xây dựng NTM.

Người dân xã Liên Vị (TX Quảng Yên) chăm sóc cây trồng bên tuyến đường liên xã.

Một trong những mục tiêu quan trọng Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra là phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn; đến hết năm 2022, toàn tỉnh không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới...

 

Diện mạo xã nông thôn mới Đại Bình (huyện Đầm Hà).

Nông thôn Quảng Ninh đang mang trong mình sức sống mới, là tiền đề, cơ sở vững chắc để Quảng Ninh hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2023, trong đó 50% số xã đạt NTM nâng cao, 25% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Một nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có đang dần hiện hữu ở Quảng Ninh.

Theo Cao Quỳnh/quangninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập221
  • Hôm nay33,946
  • Tháng hiện tại306,289
  • Tổng lượt truy cập92,683,953
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây