Na dai được bán trên sàn thương mại điện tử Đông Triều Mart.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo trước tình hình vụ na tại TX Đông Triều nếu không có giải pháp tốt sẽ có nguy cơ tồn đọng hàng nghìn tấn quả. Từ kế hoạch, kịch bản phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ phòng chống dịch, TX Đông Triều đã chủ động phân luồng ưu tiên cho xe tải vào địa bàn thu mua na, cấp logo ưu tiên xe chở na dai Đông Triều đi tiêu thụ, thực hiện triển khai xét nghiệm gộp mẫu cho thương lái, lái xe, trả kết quả xét nghiệm qua mạng... Đặc biệt, thị xã nhanh chóng xây dựng, đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử của riêng địa phương là Đông Triều Mart (http://dongtrieumart.vn); đồng thời, tổ chức bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội.
Song song với đó, thị xã đã phối hợp với đơn vị liên quan kêu gọi các cơ quan, đơn vị chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Điển hình: Tổng Công ty Đông Bắc tiêu thụ 1,2 tấn na; hỗ trợ bán từ 2,5-3 tấn na/ngày tại các chuỗi siêu thị VinMart/VinMart+ ở các tỉnh thành phía Bắc và khu vực Hà Nội... Đến nay, trên 6.100 tấn na dai đã được tiêu thụ (chiếm khoảng 90% sản lượng na trên địa bàn).
Không riêng na của TX Đông Triều, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp do tác động từ dịch bệnh, các sở, ngành và địa phương đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân. Trong đó, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh, UBND các địa phương kết nối tiêu thụ 90.896,5 tấn sản phẩm nông sản, thủy sản; Sở Công Thương phối hợp đưa 41 mặt hàng OCOP vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị; Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công đoàn các cấp kêu gọi đoàn viên đăng ký tiêu thụ nông sản...
Cùng với việc tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, Quảng Ninh cũng chú trọng tìm kiếm, tiếp cận, kết nối với thị trường xuất khẩu đối tác lớn Trung Quốc, Đài Loan, Singapore...
Nhân viên Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ thu mua tôm của các hộ nuôi xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên).
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết, xây dựng chuỗi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản đã phát huy hiệu quả. Nổi bật là mô hình liên kết của Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ (Cụm Công nghiệp Nam Sơn, huyện Ba Chẽ). Nhận thấy lợi thế về phát triển thủy sản theo hướng bền vững của Quảng Ninh, Công ty đã lựa chọn đầu tư lĩnh vực chế biến thủy sản, trong đó chú trọng phát triển liên kết sản xuất nhằm kết nối các đơn vị nuôi trồng, giải bài toán đầu ra cho thủy sản, tạo chuỗi sản xuất chất lượng cung ứng cho thị trường. Công ty đã ký hợp đồng thu mua tôm, hàu với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Công ty CP Nhật Long, Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương, Công ty CP Thủy sản BIM... và 100 hộ nuôi trồng tại các địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên. Sản lượng thu mua từ 450-500 tấn thủy sản/tháng. Đồng thời, trao đổi, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ nuôi trồng về kinh nghiệm lựa chọn con giống, nuôi, thu hoạch. Cách làm này đã phát huy hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất giữa đơn vị và các doanh nghiệp, cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Ngọc Ấm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ, cho biết: Nhằm tăng cường chuỗi liên kết sản xuất giữa Công ty với doanh nghiệp, cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, thời gian tới, Công ty hướng dẫn một số đơn vị về kỹ thuật đảm bảo theo tiêu chuẩn của đơn vị, mở rộng hệ thống nhà máy chế biến thực phẩm chất lượng cao tại Cụm Công nghiệp Nam Sơn giai đoạn 2025-2030, nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm từ hàu tại Vân Đồn để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàu của địa phương.
Dịch bệnh gây ra không ít khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương và người dân không ngừng mở rộng kênh phân phối cũng như đổi mới cách thức tiếp cận với thị trường, ứng dụng công nghệ thay cho những cách thức quảng bá, giới thiệu, bán hàng truyền thống tiếp tục được phát huy.
Theo Hạ An/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã