Vốn là tỉnh miền núi, biên giới, có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, các nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, trình độ sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn lạc hậu nên việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn. Song, với quyết tâm vượt lên chính mình, Cao Bằng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và quyết định triển khai các giải pháp theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Lễ tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng
Trong 10 năm qua, Tỉnh đã huy động trên 15 nghìn tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn lực này, kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện đồng bộ, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông nông thôn. Cụ thể, Tỉnh đã nâng cấp và xây mới 2.187 km đường, trong đó, 100% các đường đến trung tâm xã và 106 km trục thôn được cứng hóa, ô tô đi lại được quanh năm, 153 km đường ngõ xóm, trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Cũng trong giai đoạn này, 284 công trình thủy lợi được nâng cấp, sữa chữa hoặc đầu tư mới, 2.308 km kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo tưới tiêu chủ động cho trên 43 nghìn ha. Về hạ tầng điện, 100% số xã có điện lưới và 91,06% số hộ được sử dụng điện thường xuyên và an toàn. Các hạ tầng khác như hệ thống trường học các cấp, trạm y tế, các nhà văn hóa và thiết chế văn hóa cơ sở, chợ nông thôn cũng được quan tâm đầu xây dựng theo hướng chuẩn hóa.
Song song với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế khu vực nông thôn có bước tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp thay đổi theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả. Các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung đã, đang hình thành và phát triển, trình độ canh tác của người dân ngày càng hoàn thiện. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích trồng trọt tăng từ 24,15 triệu đồng/ha (năm 2010) lên 39 triệu đồng/ha (năm 2019). Đời sống dân cư khu vực nông thôn từng bước được cải thiện và nâng cao nhờ các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 14,2 triệu/người/năm tăng 7,3 triệu so với năm 2010, tỷ lệ giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2019 bình quân 3,9% mỗi năm.
Sự nghiệp giáo dục, y tế có sự phát triển về cả quy mô, chất lượng. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đều đạt chuẩn của ngành, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,84% (năm 2019). Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đơn giản, tiết kiệm và giảm dần các thủ tục lạc hậu.
Tiêu chí vệ sinh môi trường được quan tâm thực hiện. Phong trào đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở theo chủ chương của Tỉnh vượt mục tiêu đề ra. Việc thu gom và xử lý rác đã được quan tâm đầu tư đạt hiệu quả. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88% năm 2018, tăng 7,52% so với năm 2010.
Kết thúc năm 2018, toàn Tỉnh có 15 xã (bằng 8,47% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 9,61 tiêu chí/xã. Năm 2019, có thêm 5 xã được thẩm định, hoàn thiện hồ sơ để công nhận. Mục tiêu trong năm 2020 phấn đấu sẽ có ít nhất 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn từ 25 xã trở lên.
Nhìn vào những thành quả trên các phương diện kinh tế - văn hóa - xã hội sau 10 năm xây dựng nông mới, có thể khẳng định, Cao Bằng đã có những đổi thay và bước tiến vượt bậc so chính mình. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung ở miền núi phía Bắc thì Cao Bằng vẫn còn khá khiêm tốn cả về tỷ lệ số xã hoàn thành, số tiêu chí/xã và chất lượng của từng tiêu chí. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương thông qua các chương trình, dự án đặc thù, các cấp, ngành của Tỉnh và người dân cần nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là tập trung vào các tiêu chí phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời Cao Bằng cần xây dựng thêm các xã nông thôn mới nâng cao và xác định lợi thế của Tỉnh là lấy du lịch, dịch vụ làm chìa khóa xây dựng nông thôn mới./.
Theo Trung Long//consosukien.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã