Trong xu thế đô thị hóa hiện nay, rất ít làng còn giữ được các biểu tượng truyền thống mang tính cổ điển như lũy tre, cây đa, bến nước, sân đình. Thay bằng các sinh hoạt tập thể, các gia đình cũng co cụm trong những ngôi nhà có tường rào bao quanh kín mít. Theo đó, các giá trị đạo đức và văn hóa ứng xử truyền thống của các cá nhân với nhau cũng không còn vẹn nguyên như trước, thậm chí, có nhiều nơi mâu thuẫn giữa làng xóm, láng giềng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Hội làng. Ảnh: Văn Bảy |
Trong ký ức chưa xa, làng quê của tôi êm đềm và gắn kết bởi những sinh hoạt tập thể. Ngay từ sáng sớm, bến sông đã tấp nập người dân ra gánh nước, giặt quần áo, rửa rau, rửa bát. Người làng không chỉ gặp nhau trên bến sông mà còn gặp nhau trên ruộng, trên bãi. Không chỉ làm việc của nhà mình, có khi họ tập hợp thành một nhóm làm việc cho nhà này xong thì tới nhà khác. Thông qua đó, những khó khăn được tháo gỡ, ai có tâm tư gì cũng được sẻ chia và cùng nhau giải quyết. Lúc làm việc đã thế, lúc nghỉ ngơi, dân làng cũng vẫn lại quây quần bên nhau. Địa điểm có khi là sân nhà ai đó, có khi là con ngõ trong lùm tre xanh mát hoặc sân đình. Bên ấm nước chè, đĩa lạc rang, mẻ ngô, mẻ cốm và những câu chuyện tếu táo, người làng tôi trở nên gắn kết và chân tình. Những con ngõ, cổng làng hay bến sông lúc nào cũng xôn xao tiếng người trò chuyện.
Khi cơn gió của nền kinh tế thị trường thổi tới, không gian và tập quán sinh hoạt của làng cũng đã chịu những tác động không nhỏ. Khói bếp không còn bay trên những mái tranh, mỗi nhà tự khoan cho mình một cái giếng, hàng rào bằng dâm bụt hay chè mạn hảo đã được thay bằng gạch xây, việc đồng áng đã làm bằng máy, nhà nào cũng có ti vi… Thực tế đó đã khiến tính chất cố kết cộng đồng trong các ngôi làng trở nên lỏng lẻo. Nếu như trước đây, ngày nào người làng cũng gặp nhau thì nay cả tháng, cả năm có khi chẳng thấy mặt. Họ sống co cụm trong không gian sinh hoạt nhỏ hẹp của gia đình, dòng tộc. Đó cũng là nguyên nhân đánh mất nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các ngôi làng Việt.
Nét quê |
Làng của người Việt vốn được tạo nên bởi mối quan hệ cộng đồng bền chặt, chính vì thế, muốn giữ lấy nếp làng, đầu tiên cần phải xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong toàn dân. Nhiều năm lại nay, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng gia đình văn hóa đã tạo hiệu quả tích cực, đẩy lùi các nguy cơ suy đồi trong đạo đức, lối sống. Từ phong trào đó, vai trò của những người đứng đầu thôn xóm, dòng họ, gia đình được đề cao.
Lãnh đạo thôn xóm phải là đầu tàu, sáng tạo trong việc tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể và khuyến khích bà con duy trì, gìn giữ các sinh hoạt tập thể. Những người chủ gia đình phải biết khuyến khích con cháu tích cực tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Ông Nguyễn Nhàn (Sơn Mỹ - Hương Sơn) cho biết: “Ngày xưa, làng tôi có tục lệ mời uống nước chè xanh nhưng dần dần điều kiện kinh tế từng gia đình khá giả hơn, tục lệ đó đã mất, sự gặp gỡ của bà con lối xóm trở nên thưa dần, tình cảm cũng vì thế mà phai nhạt. Gần đây, nhờ có nhà văn hóa thôn, những người đứng đầu thôn xóm cũng thường tổ chức các buổi gặp gỡ, tập huấn, văn nghệ - thể thao cho bà con nên mối quan hệ trong làng mạc, lối xóm trở nên gắn kết hơn”.
Nếp làng mai một còn bởi một nguyên nhân khác nữa đó chính là sự ly hương của một bộ phận không nhỏ dân cư trong làng. Họ chỉ trở về làng vào các dịp lễ, tết. Chính vì thế, vai trò của người đứng đầu gia đình trong việc hòa nhập các sinh hoạt cộng đồng là rất quan trọng. Ông Phan Văn Thường – Tổ trưởng Tổ dân phố 1 thị trấn Đức Thọ cho biết: “Hàng năm, vào dịp đầu xuân, tổ dân phố thường tổ chức gặp gỡ những người con xa quê, thông qua đó, mối quan hệ giữa những người đi xa và những người ở lại làng gần nhau hơn, thân tình hơn.
Nhiều người thành đạt cũng thông qua buổi gặp mặt đã đóng góp tiền hỗ trợ quê hương, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh trong làng. Truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau của người làng tôi lại được khơi dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều người đang thờ ơ với sinh hoạt này, nguyên nhân chính là bởi người chủ gia đình không định hướng, không khuyến khích, bảo ban con cái mình tham gia”. Vai trò của người chủ gia đình còn thể hiện trong việc dạy dỗ con cháu trong quá trình tiếp cận các xu hướng thời đại. Con trẻ ăn mặc, đi đứng, nói năng, nghe nhìn… như thế nào, phần nhiều là do sự dạy dỗ của cha mẹ.
Nếp làng được gìn giữ hay không còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Nếu ai cũng chỉ chăm chăm chọn lối sống thực dụng, không coi trọng truyền thống “láng giềng tối lửa, tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”… thì chính quyền có nỗ lực bao nhiêu đi nữa cũng bằng thừa. Trong xu thế hội nhập hiện nay, bằng nhận thức của mình, mỗi cá nhân phải tự biết thanh lọc để trong sự tiếp cận những giá trị văn hóa mới vẫn không làm mất đi các giá trị truyền thống. Gần đây, phong trào xây dựng đời sống văn hóa cũng đã khơi dậy trong mỗi cá nhân trách nhiệm đối với việc lưu truyền các thuần phong mỹ tục của làng quê. Những lễ hội cổ truyền, những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh đang ngày càng nhận được sự quan tâm của các cá nhân. Với sự giúp đỡ của chính quyền, dưới hình thức sinh hoạt của các câu lạc bộ, các cá nhân đang có điều kiện thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống.
Xét cho cùng, cá nhân không thể tách khỏi đời sống cộng đồng. Dù thời thế đổi thay, vật đổi sao dời thì các giá trị truyền thống được hình thành từ nếp làng như đoàn kết, thương yêu nhau; tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng vẫn là suối nguồn trong trẻo trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Vấn đề cốt lõi là mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần phải đề cao ý thức, trách nhiệm, vai trò của mình để suối nguồn ấy không bao giờ vẩn đục.
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã