Tháng 3/2018, ông Nguyễn Tuấn Thành (xã Khánh Thành – Yên Thành – Nghệ An) vận chuyển 3 con lợn nái vào Hà Tĩnh tiêu thụ. Tuy nhiên, ông Thành không chấp hành các quy định trong vận chuyển động vật nhập tỉnh, tự tháo dỡ dây niêm phong phương tiện trong quá trình vận chuyển. Qua quá trình theo dõi, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt hành chính với số tiền 3,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Cẩm Hà – Cẩm Xuyên) bán thuốc thú y nhưng không chấp hành các quy định của Nhà nước về kinh doanh hàng hóa có điều kiện. Theo đó, chủ cơ sở không có sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo dõi xuất nhập hàng. Cuối tháng 6/2018, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử phạt hành chính 2 triệu đồng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, từ đầu năm lại nay, đơn vị đã thành lập 6 đoàn kiểm tra định kỳ, hàng chục cuộc kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra cho thấy, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn chủ yếu là: vận chuyển gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch; buôn bán thuốc thú y, hành nghề thú y không có chứng chỉ hành nghề, không đủ điều kiện theo quy định; kinh doanh thuốc thú y chung khu vực thuốc bảo vệ thực vật… Chi cục đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền 6 trường hợp với tổng cộng 17 triệu đồng.
So với cùng kỳ năm 2017, số vụ vi phạm từ đầu năm lại nay có giảm, song lỗi nặng hơn và phải tăng số tiền nộp phạt. Đặc biệt, thời gian qua, do giá sản phẩm chăn nuôi, nhất là giá lợn giảm sâu nên người dân giảm nuôi. Các cơ sở kinh doanh thuốc thú y cũng giảm đầu tư vào cửa hàng, dẫn đến cửa hàng không đảm bảo vệ sinh, không đảm bảo điều kiện kinh doanh, không gia hạn các loại giấy tờ liên quan… gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, quản lý.
Bên cạnh chủ động kiểm tra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn cử cán bộ tham gia các đoàn phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý hành vi vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ đầu năm lại nay, Chi cục đã phối hợp phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh xử lý vi phạm hành chính 3 trường hợp với tổng số tiền 70 triệu đồng về các lỗi: kinh doanh thuốc thú y cấm sử dụng, không có chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, buôn bán gia cầm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là do công tác nắm tình hình, hoạt động nghiệp vụ của cán bộ phụ trách còn hạn chế. Hơn nữa, các địa phương chưa làm tốt công tác quản lý và phối hợp lực lượng chuyên trách trong kiểm tra, kiểm soát hoạt động chăn nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật. Vì vậy, công tác theo dõi, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chưa triệt để, nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lý theo quy định.
Ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh kiến nghị: “Sở NN&PTNT cần tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, cần có sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong quá trình kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ phụ trách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động”.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;