Học tập đạo đức HCM

“Hồi sinh” 7.000 ha keo tràm vùng thượng Kỳ Anh

Thứ năm - 12/04/2018 10:26
(Baohatinh.vn) - Khoảng 70% diện tích trong số hơn 10 ngàn ha keo, tràm bị gãy đổ hoàn toàn sau bão số 10 đã được bà con vùng thượng huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh trồng mới. Màu xanh non của những cánh rừng nguyên liệu đang mang đến sức sống mới cho vùng đất từng xác xơ vì gió bão.

Vừa trồng, vừa mong chính sách hỗ trợ

Điều chúng tôi ghi được trên hành trình trở lại với những cánh rừng vùng thượng Kỳ Anh sau gần nửa năm bão số 10 đi qua là người dân vùng tâm bão dù còn nhiều khó khăn nhưng đã chủ động khôi phục sản xuất. Tận thu những diện tích rừng bị đổ gãy, GPMB để trồng mới, đồng thời chăm sóc, khôi phục những cây trồng còn có khả năng sinh trưởng, người trồng rừng nguyên liệu ở Kỳ Anh ý thức rằng, không thể để “đất chết” lâu hơn trên những diện tích đất núi đồi rộng lớn.

hoi sinh 7 000 ha keo tram vung thuong ky anh

Cán bộ xã Kỳ Thượng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh kiểm tra tiến độ khôi phục diện tích cây lâm nghiệp của người dân địa phương.

“Thuyền to gặp sóng lớn”, những hộ trồng rừng với diện tích hàng chục ha ở vùng thượng Kỳ Anh là những người bị thiệt hại nặng nhất sau bão. Họ cũng là những người sớm tìm cách tận thu và tái đầu tư trồng mới. Gia đình anh Lê Văn Sơn (thôn Lạc Thắng, xã Kỳ Lạc) thiệt hại hơn 7 ha do bão phải mất gần 4 tháng mới thu hoạch, GPMB để khôi phục sản xuất. Theo đó, 5 ha cây keo lá tràm được vợ chồng anh trồng mới gần 1 tháng nay.

Anh Sơn chia sẻ: “Tiền tận thu số cây đổ ngã chỉ vừa đủ làm chi phí nhân công làm lại mặt bằng để tái đầu tư sản xuất. Dù khó khăn nhưng với người Kỳ Lạc chúng tôi, hầu như mọi việc đều nhìn vào rừng, vì vậy, phải khẩn trương tái sản xuất, bởi đất để trống ngày nào là ruột như lửa đốt ngày đó”.

Gia đình chị Trần Thị Thảo (thôn Phúc Thành 2, xã Kỳ Thượng) thuộc diện khó khăn do người chồng mất sức lao động. Dù việc khôi phục 2 ha rừng trồng bị thiệt hại gặp nhiều khó khăn do thiếu cả nhân lực lẫn vật lực, nhưng không thể để “đất chết”, gia đình chị đã vay mượn, trồng lại hơn 1 ha keo lá tràm; số còn lại tạm chuyển sang trồng hoa màu, “lấy ngắn nuôi dài” để đến tháng 9 tới sẽ phủ xanh lại toàn bộ diện tích thiệt hại do bão.

“Giá giống cây hiện nay đắt hơn so với những năm trước và người bị thiệt hại rừng trồng cũng chưa nhận được chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, đây là hướng sản xuất chính của gia đình nên chúng tôi phải cố gắng khôi phục” - chị Thảo chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc Nguyễn Thái Toàn cho biết: Với hơn 3.000 ha cây gỗ nguyên liệu cần trồng lại sau bão, 800 hộ dân bị thiệt hại ở Kỳ Lạc đang khôi phục sản xuất trong muôn vàn khó khăn. Người dân vùng thượng Kỳ Anh mong muốn sớm nhận được nguồn lực tiếp sức từ chính sách theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Gắn kết đầu ra

Phần lớn ý kiến của các địa phương vừa bị thiệt hại về rừng nguyên liệu cho rằng, dù giá trị kinh tế của sản phẩm chưa cao, nhưng cây keo lá tràm phù hợp với điều kiện khí hậu, hạ tầng, năng lực sản xuất ở vùng thượng. Đặc biệt, sản phẩm nhiều năm nay được nhà máy băm dăm gỗ ở KKT Vũng Áng thu mua nên nông dân yên tâm về đầu ra. Anh Lê Văn Cẩm - cán bộ khuyến nông xã Kỳ Hợp cho biết, so với nhiều nơi khác, trồng rừng nguyên liệu ở Kỳ Anh thuận lợi hơn vì gần với đầu mối tiêu thụ, bởi vậy, hiện nay, giá bán chuyển nhượng đất rừng ở đây cao hơn nhiều địa phương khác trong tỉnh.

hoi sinh 7 000 ha keo tram vung thuong ky anh

Những đồi keo đã được bà con các xã vùng Thượng Kỳ Anh trồng lại sau.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn cho biết, huyện đang làm việc với nhà đầu tư để xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu xuất khẩu ra nước ngoài. Nhà máy này sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm từ cây gỗ nguyên liệu (lá, thân, vỏ, rễ) để nén làm nhiên liệu đốt, vì vậy, người trồng rừng sẽ thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi hơn. Gắn với quy hoạch các nhà máy chế biến sản phẩm gỗ, cây keo lá tràm vẫn giữ vị trí là sản phẩm xóa đói nghèo cho người dân vùng thượng. Vì thế, huyện xác định tiếp tục duy trì, phát triển diện tích rừng trồng trên 24 ngàn ha.

Tuy nhiên, để tránh việc thu hoạch ồ ạt, gây khó khăn trong khâu tiêu thụ, đồng thời hạn chế mức độ thiệt hại do thiên tai, trong quá trình đồng hành cùng người dân khôi phục rừng nguyên liệu, ngành chuyên môn khuyến cáo nên phân kỳ các lứa cây trồng cách nhau khoảng 1 năm. Bên cạnh đó, ngoài rừng nguyên liệu, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng rừng lấy gỗ ở các xã: Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc.

Phúc Quang - Mai Thủy
http://baohatinh.vn

 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập979
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại752,458
  • Tổng lượt truy cập93,130,122
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây