Bước đầu, cây cao su tiểu điền đang tiếp tục khẳng định hướng phát triển sản xuất, xây dựng NTM ở địa phương vốn năng động và nhạy bén trong phát triển kinh tế này
Ảnh: giacaphe.vn |
Cao su là một trong những loại cây trong danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh, có hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, việc đầu tư cũng đòi hỏi chi phí rất lớn. Mặc dù vậy, kể từ khi xã có chủ trương phát triển cây cao su đến nay, đã có 20 hộ dân Bắc Sơn mạnh dạn bỏ vốn tham gia sản xuất với tổng diện tích gần 50 ha. Với sự thích nghi đối với đất rừng địa phương, cây cao su phát triển rất nhanh. Chỉ sau hơn 1 năm tuổi, cây cao su đã cao gấp đôi đầu người, tán lá xanh đậm.
Ông Dương Đình Thái, một người trồng cao su ở xóm Kim Sơn, xã Bắc Sơn cho biết: “Trước đây, mới bắt đầu trồng cao su, chúng tôi rất lo, không biết đất đai của mình có phù hợp với cây cao su hay không, nhưng nay với sự phát triển như thế này, có thể khẳng định chắc chắn, cây cao su hoàn toàn thích nghi được với đất rừng Bắc Sơn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng tôi là nguồn vốn. Trồng cao su đòi hỏi vốn rất lớn, nếu không có vốn không những không thể trồng mới thêm diện tích mà còn khó khăn trong khâu chăm sóc”.
Là địa phương có nguồn đất rừng dồi dào với gần 2.000 ha, Bắc Sơn đã tuyên truyền, vận động và có chính sách khuyến khích nhân dân tận dụng triệt để diện tích để phát triển kinh tế vườn rừng. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, Bắc Sơn đã chọn cây cao su để cơ cấu thành cây trồng chủ lực và lâu dài trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Từ những kết quả bước đầu, với gần 50 ha cao su hiện nay, Bắc Sơn đang tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích; phấn đấu đến năm 2015, diện tích cao su của xã sẽ đạt từ 300 ha trở lên, góp phần GQVL cho hàng trăm lao động.
Bên cạnh cao su đại điền, cần đẩy mạnh phát triển tương xứng cao su tiểu điền |
Ông Trần Bá Hoành - Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn khẳng định: “Với tiềm năng đất rừng dồi dào, bên cạnh phát triển các loại hình kinh tế vườn rừng khác, xã sẽ huy động mọi nguồn lực để vận động nhân dân phát triển nhanh diện tích cao su để tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Mặt khác, khi địa phương có diện tích cao su đủ lớn, sau này, khâu thu hoạch cũng dễ dàng, thuận lợi hơn”.
Để có thể khai thác mủ, tuổi đời cây cao su ít nhất phải đạt đến 7 năm. Trong thời gian này, khi cây chưa khép tán, người dân Bắc Sơn vẫn có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày trên đất cao su để lấy ngắn nuôi dài, giải quyết được vấn đề thu nhập trước mắt. Khó khăn lớn nhất của người trồng cao su tiểu điền không liên kết, đó là vấn đề nguồn vốn. Nếu không có vốn, thứ nhất là sẽ khó mở rộng được diện tích; thứ nữa là người dân không đủ điều kiện để chăm sóc cho cây phát triển theo đúng yêu cầu về quy trình kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, người dân Bắc Sơn rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền để yên tâm phát triển cây cao su, góp phần GQVL, nâng cao thu nhập.
VŨ DŨNG
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã