Nông dân thụ động đón chính sách
Từ cả 3 cấp ngân sách tỉnh, huyện đến xã, khoảng 10 tỷ đồng đã đến với nông dân để mua giống mới, nilon che phủ mạ, nhằm từng bước chuyển đổi cả ý thức hệ về tư duy canh tác trong vụ xuân 2013. Và, có lẽ con số 70% diện tích vụ xuân 2013 là trà xuân muộn và hơn 3.600 ha sản xuất theo cánh đồng mẫu là kết quả khá mỹ mãn của cuộc cách mạng này. Trà xuân sớm được loại bỏ, năng suất lúa đạt kỷ lục từ trước tới nay.
Có chính sách hỗ trợ, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất. |
Sẽ chẳng còn gì phải bàn nếu ở vụ tiếp theo, vụ hè thu 2013, người nông dân vẫn theo bước đà ấy. Sự thực không phải như vậy, tỷ lệ lượng giống bán ra từ các đầu mối mà ngành chuyên môn thống kê nằm trong khoảng 500 -700 tấn, chiếm 1/5 nhu cầu (trong khi lượng giống vụ xuân là 1.500 - 2.000 tấn, phủ kín 1/2 diện tích gieo cấy).
Khi không còn chính sách trợ giá, người dân đã quay trở lại với tập quán tự để giống. Sử dụng thóc nhà sản xuất được từ vụ xuân làm giống cho hè thu, sự lựa chọn này đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) cung ứng giống “thua đậm” trên sân chơi giống vừa mới được khơi dậy sôi động ở vụ xuân. Điều này khiến người ta bắt đầu trăn trở, liệu sự thay đổi ở vụ xuân đã bắt nguồn từ nhận thức hay mới chỉ là sự thành công của chính sách?!
Trở lại chuyện cánh đồng mẫu, lần đầu tiên nông dân biết đến làm ăn tập trung liên kết theo chuỗi giá trị, đồng ruộng, vì thế mà cũng đỡ cảnh “vá chằng, vá đụp”. Đó là bề nổi. Không ít người dân cảm thấy đuối sức trong công cuộc chuyển đổi này. Ông Trần Quốc Tứ (xóm Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) cho biết: “Vụ xuân 2012, gia đình tôi sản xuất theo cánh đồng mẫu với diện tích 1,8 mẫu DT68. Chưa tính công chăm sóc, gia đình tôi phải bỏ ra gần 15 triệu đồng cho đầu vụ, trong khi chỉ thu về 2,5 tấn lúa. Nếu bán hết cho DN thì mới thu về được hơn 16 triệu đồng, chỉ đủ để trừ nợ. Nếu không có sự hỗ trợ của chính sách, nông dân chúng tôi khó mà “bám” chủ trương”.
Cũng vì thế, thay vì sản xuất liên kết khép kín thì không ít nơi lại “sáng tạo” kiểu nơi chỉ mua giống, nơi lại chỉ cần phân bón. Ông Nguyễn Xuân Tùng (Cẩm Phúc - Cẩm Xuyên) cho biết: “Chủ trương của tỉnh không thể không tuân thủ, tuy nhiên, giá đầu vào cao quá, vì thế, tôi sử dụng giống liền vụ VTNA2 cho vụ hè thu này để giảm bớt gánh nặng”.
Thực ra, trong hệ thống chính sách mà tỉnh ban hành như các Quyết định 24, 43, 26, đều có những ưu đãi đối với sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa, nhưng quy mô các mô hình đòi hỏi khá lớn nên người nông dân hầu như không thể tiếp cận. Bởi vậy, có thể nhận thấy người nông dân đang thụ động trước các chính sách khuyến khích phát triển lúa hàng hóa. Đó cũng là lý do khiến sự hỗ trợ họ có được chỉ mang tính cú nhát và nhỏ lẻ, không thể làm nên sự đột phá.
Doanh nghiệp chưa nhiều cơ hội
Phải khẳng định, khi bắt tay liên kết sản xuất lúa gạo, DN tận dụng được cơ hội tiêu thụ lượng giống và phân bón lớn. Đặc biệt, khi chính sách của tỉnh đã bỏ ra 50%, thậm chí nhiều địa phương không tiếc khi đầu tư
Cánh đồng mẫu BTE1 đem lại cho bà con Can Lộc những mùa sản xuất bội thu. |
80-100% chi phí cho mỗi cánh đồng mẫu đã kích cầu thị trường tiêu thụ giống và vật tư, phân bón cho DN. Chỉ tính riêng ở xã Cẩm Bình, trong vụ xuân 2013, tiền bán giống là 300 triệu đồng thì tiền bán phân bón của Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã lên tới gần 2,5 tỷ đồng… Rõ ràng với bài toán thuận này, DN sẽ thu lợi lớn khi cùng nông dân Hà Tĩnh từng bước hướng tới sản xuất lúa hàng hóa.
Tuy nhiên, xây dựng mối liên kết với nông dân quả không dễ. Sản phẩm khó thu mua; tiền giống và phân bón, dù đã cung ứng trước, thu tiền sau nhưng nợ vụ này vẫn nối sang vụ sản xuất sau là chuyện bình thường. DN dựa vào chính sách hỗ trợ nông dân để bước chân vào thị trường tiềm năng nhưng lại đối mặt với những khó khăn lớn hơn.
Ông Trương Văn Hiền - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An thẳng thắn: “Vụ xuân 2013, Công ty đầu tư 19 tỷ đồng cho giống và phân bón trên thị trường Hà Tĩnh. Đến nay, chúng tôi mới chỉ thu được 7 tỷ đồng. Bà con có nhiều sự lựa chọn đầu ra, song đã liên kết làm ăn theo hàng hóa thị trường muốn bền vững thì phải sòng phẳng. Nếu không, không có DN nào đủ bản lĩnh để dấn thân đầu tư vào nơi thiếu an toàn”.
Ông Đào Nghĩa Nhuận - Chủ tịch Hội KHKT nông nghiệp Hà Tĩnh: Chính sách chia nhỏ nên hiệu quả chưa bền vững Trên thực tế, nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật trong sản xuất lúa còn rất hạn chế và nhỏ lẻ. Chỉ tính vụ xuân 2013, với nguồn kinh phí hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay để chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cũng chưa bằng kinh phí xây dựng một công trình thủy lợi nhỏ. Cả chục tỷ đồng nhưng chia đều cho hàng vạn hộ nông dân, mỗi gia đình chỉ giảm được chi phí vài trăm ngàn đồng cho vụ sản xuất. Thực chất, các chính sách hỗ trợ của tỉnh dành cho sản xuất lúa thời gian qua vẫn mang tính tức thời và chia nhỏ nên hiệu quả mang lại chưa bền vững. |
Mới đây, thông tin phiên đấu giá Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh để hình thành một DN chủ đạo trên thị trường giống tỉnh ta bất thành vì khuyết đơn vị dự thầu làm không ít người “té ngửa”. Sau cả năm trời chuẩn bị, hàng chục cuộc họp bàn đã được tổ chức với sự tham gia của những DN SXKD giống lúa có thương hiệu trong cả nước. Thế nhưng, đến lúc tiến hành các phiên đấu giá, các DN ngoài tỉnh lần lượt bỏ cuộc; DN trong tỉnh lại quá nhỏ bé, thiếu tiềm lực và kinh nghiệm để đứng vai trò đầu tàu.
Cho đến nay, đề án tái cơ cấu sản xuất giống lúa đang dẫm chân tại chỗ bởi điểm khởi động đầu tiên là sự ra đời của DN giống chủ lực trên địa bàn còn tắc nghẽn.
Phải chăng, những chính sách đầu tư hỗ trợ của tỉnh cho lộ trình này vẫn chưa thực sự tạo động lực cho DN (nhất là trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay) hay bởi đầu ra của sản phẩm lúa giống ở Hà Tĩnh còn nhỏ hẹp khiến DN “chùn chân”?
Nhóm PV kinh tế
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;