Sản phẩm loanh quanh sân nhà
Nếu tính nhu cầu lương thực bình quân 300 kg/người/năm nhân với 1,3 triệu dân, thì số lượng lúa đảm bảo an ninh lương thực đã là 39 vạn tấn, tính thêm số lúa để làm giống và để phục vụ chăn nuôi trên 1 vạn tấn thì sản lượng lúa phục vụ chính những nhu cầu người dân trong tỉnh đã trên 40 vạn tấn.
Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An thu mua lúa DT68 tại xã Thạch Tân (Thạch Hà). |
Mỗi năm, Hà Tĩnh sản xuất được trên 50 vạn tấn lương thực, như vậy, số lúa hàng hóa chỉ còn lại chưa đầy 10 vạn tấn. Tất nhiên, sự luân chuyển sản phẩm vẫn diễn ra nhưng chủ yếu ngay trong nội xã hoặc mở rộng một số vùng lân cận theo kiểu sản phẩm của gia đình có nhân lực lao động và đất sản xuất nhiều hơn bán cho những gia đình hết tuổi lao động hoặc cung cấp cho một số địa phương không có đất làm lúa. Đó là chưa kể đến lúa còn là nguyên liệu để sản xuất một số sản phẩm như bún, bánh, rượu… ở các làng nghề truyền thống khắp cả tỉnh.
Thử nhìn bài toán này ở xã trọng điểm lúa Cẩm Thành (Cẩm Xuyên). Với diện tích lúa khá lớn 550 ha và dân số trên 8.000 người, mỗi năm, sản lượng lương thực của xã đạt khoảng 56.000 tấn, sau khi phục vụ nhu cầu cho con người và phục vụ chăn nuôi, số lượng bán ra thị trường còn lại khoảng 1.500 tấn. Hiện nay, ở Cẩm Thành, giống lúa khang dân đột biến đang chiếm tỷ lệ từ 70-75% diện tích vì theo người dân địa phương, giống lúa này năng suất cao hơn và sản phẩm tiêu thụ khá dễ dàng cho các đầu mối thu mua phục vụ nhu cầu nấu rượu hoặc làm bún, bánh ở một số địa phương khác.
Sản phẩm lúa của nông dân tỉnh ta đang loanh quanh trong lũy tre làng. Thực tế đó vừa phản ánh số lượng lúa để làm hàng hóa chưa nhiều, vừa đặt ra câu hỏi về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, ở một số địa phương đã phát triển các cơ sở, HTX chế biến, cung cấp gạo cho các thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, gạo Hà Tĩnh mới chỉ tiếp cận được thị trường bình dân, các điểm thu mua dự trữ lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực khi xảy ra thiên tai chứ chưa có chỗ đứng ở những thị trường “khó tính”. Khảo sát các đại lý gạo ở TP Hà Tĩnh, chúng tôi nhận thấy, gạo miền Nam và gạo Thái đang chiếm thị phần khá lớn. Gạo trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 30% ở các đại lý cung ứng gạo cho người dân thành phố cho thấy yếu tố chất lượng do những điểm yếu: từ phẩm cấp giống, quy trình sản xuất, khâu bảo quản, chế biến đến giá cả…. khiến sản phẩm lép vế ngay trên sân nhà.
Thu mua sản phẩm doanh nghiệp “chào thua”!
Cẩm Xuyên là địa phương manh nha nền sản xuất hàng hóa sớm nhất tỉnh. Thế nên, không ngạc nhiên khi diện tích giống lúa VTNA2 ngày càng mở rộng trên đồng ruộng. Thứ nhất, nó hợp với nhu cầu sản xuất cũng như sử dụng của người nông dân. Thứ hai, phải nói rằng vào thời điểm này không dễ để tìm thấy một DN nào mạnh hơn Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An trong chiến lược sản xuất lúa hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Vậy mà, thời điểm gần kết thúc đợt thu mua sản phẩm vụ xuân 2013, gần 1.200 ha lúa với sản lượng gần 650 tấn, trầy trật mãi, DN cũng chỉ mua được vẻn vẹn 100 tấn, chưa đầy 20% so với tổng sản lượng.
Khó trong thu mua sản phẩm là vướng mắc chưa dễ tháo gỡ giữa nông dân và DN ở các mô hình liên kết xây dựng cánh đồng mẫu những năm gần đây. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có cả từ 2 phía, nhưng chủ yếu là do nhu cầu sử dụng sản phẩm của nông dân còn lớn nên không thể bán cho DN số lượng đã cam kết.
Gạo địa phương chiếm tỷ lệ khiêm tốn trên thị trường thành phố. |
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP VTNN Hà Tĩnh thẳng thắn: “Sản xuất nông nghiệp của nông dân tỉnh ta là để ăn là chính, có nể lắm mới bán cho DN. Công ty chúng tôi sản xuất 55 ha giống Gia lộc 102 nhưng chỉ mua được 25 tấn thóc thương phẩm (năng suất trung bình của giống là 58 tạ/ha - PV), trong khi tại Quảng Nam với 45,5 ha (năng suất 65 - 70 tạ/ha) chúng tôi có thể mua được 250 tấn lúa”. Năng suất hai điểm chênh lệch không lớn, song khoảng cách về lượng sản phẩm thương phẩm lại quá xa! Cũng theo chia sẻ của ông, sự hợp tác của bà con không đồng đều, có người chỉ sản xuất theo kiểu “được chăng hay chớ” để lợi dụng hỗ trợ của DN khiến cho việc sàng lọc thu mua hết sức khó khăn.
Gỡ điểm nghẽn trong cung - cầu thị trường lúa hàng hóa ở tỉnh ta còn nhiều vấn đề đang đặt ra. Chuyển dịch cơ cấu lao động, tổ chức lại sản xuất, phát triển hình thức sản xuất mới, từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân… Những yêu cầu tất yếu này chỉ đi đến hiện thực với một chiến lược phát triển lúa hàng hóa dài hơi, căn cơ kèm theo những chính sách và nguồn lực thích đáng.
Chủ đại lý kinh doanh gạo Chiến Thắng - đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh: Nhập gạo miền Nam dễ hơn nội tỉnh Đại lý chúng tôi có đầy đủ các mặt hàng, từ gạo nếp Thái Lan, Lào đến gạo trong nước, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong số đó, nhiều hơn cả là gạo miền Nam vì chúng nhiều chủng loại, lại có hàng thường xuyên. Còn gạo nội tỉnh, cửa hàng chúng tôi chủ yếu là sản phẩm cung cấp cho nhu cầu làm hàng như: bún, bánh mướt; còn gạo ăn thì ít hơn vì số lượng nhập có hạn, thường chỉ vào mùa thu hoạch mới có sản phẩm. Hơn thế nữa, về hình thức, gạo “quê” không bắt mắt bằng các loại khác như: hạt không đều, nấu cơm không trắng nên người dân thành phố ít lựa chọn… HTX SXKD giống và chế biến nông sản Đức Lâm: Không đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến Thị trường tiêu thụ sản phẩm mà HTX tiếp cận được hiện nay khá rộng lớn: các đại lý lớn ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang; các đầu mối tiêu thụ ở tỉnh Nghệ An, Hưng Yên, thậm chí còn vươn sang Trung Quốc, Lào. Nhưng khó khăn đặt ra với HTX là dù đã đặt vấn đề với tất cả các địa phương trong tỉnh, chúng tôi cũng không thu mua đủ lúa để chế biến. Mấy tháng nay, chúng tôi phải mở rộng thu mua ở các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An để đáp ứng yêu cầu khách hàng. Dẫu vậy, một số đầu mối tiêu thụ đặt yêu cầu về số lượng lớn, HTX cũng không thể ký kết hợp đồng vì lo ngại vấn đề nguyên liệu. Do thiếu nguyên liệu nên từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX hầu như không phát huy hết công suất của 2 dây chuyền xay xát và chế biến (20 tấn/ngày). |
NHÓM PV KINH TẾ
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã