Năm 1991, thời điểm tách tỉnh, Hà Tĩnh mới chỉ có 8 đô thị, trong đó có 1 thị xã và 7 thị trấn. Đến nay số đô thị đã tăng gấp đôi, diện mạo các đô thị đã có nhiều thay đổi. Tốc độ đô thị hóa chuyển biến khá tích cực, rõ nét.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn |
Tuy nhiên các đô thị trên địa bàn còn nhiều điểm hạn chế như: Hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị chưa xứng tầm, nhiều nơi chưa đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị.
Định hướng của tỉnh về phát triển đô thị trong thời gian tới là xây dựng các đô thị văn minh, hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển thương mại dịch vụ, tạo sự sự kết nối vùng, liên vùng, khu vực. Nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đô thị được xác định là nguồn tổng hợp, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, hiện đại, tạo được cảnh quan môi trường.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng tốc độ đô thị hóa gắn chặt với phát triển kinh tế, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư, trong đó chú trọng thu hút các dự án sản xuất, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Cùng với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phải tập trung nguồn lực để phát triển đô thị, quá trình xây dựng đô thị phải quy hoạch phân khu rõ ràng, bố trí quỹ đất, không gian đô thị hợp lý để phát triển cảnh quan; chú trọng quy hoạch, xây dựng phát triển các đô thị ven biển để khai thác tiềm năng du lịch.
Kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn khẳng định: Thời gian qua, phát triển đô thị ở Hà Tĩnh đã có bước tiến tích cực, đến nay tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 27,35%, đây là con số đáng khích lệ.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, tỉnh đã quan tâm, chú trọng tới công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song nhìn chung việc phát triển đô thị chưa xứng tầm.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn khẳng định: Phát triển đô thị là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nếp sống văn minh. Theo đó để xây dựng, phát triển đô thị xứng tầm cấp ủy, chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, có những cách làm mới, sáng tạo; tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Mục tiêu của đô thị đó là đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh, phát triển bền vững. Vì vậy quá trình xây dựng đô thị, các ngành, các địa phương phải có tầm nhìn dài hạn, huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Nam Trung/http://hatinhtv.vn