Nhận thấy lợi thế, tiềm năng năng có sẵn của quê hương để phát triển kinh tế vườn đồi, cùng tinh thần dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, anh Nguyễn Tiến Hoàng (SN 1987) đã tiên phong trong khai phá đồi hoang làm kinh tế. Vùng đất cây dại mọc kín lối, nay đã trở thành vườn cam hơn 1.000 gốc tươi tốt, trĩu quả, mang lại thu nhập cao.
Nhớ lại những ngày đầu, anh Hoàng chia sẻ: “Năm 2011, hai vợ chồng tôi quyết định bắt tay vào làm kinh tế vườn đồi. Lợi thế của tôi là đất gia đình, không phải mua, nhưng lúc này đất đã để hoang lâu năm, vợ chồng còn trẻ, vốn liếng, kinh nghiệm đều không có nhiều nên thời kỳ đầu rất khó khăn”.
Tuy nhiên, được sự ủng hộ của gia đình và giúp đỡ của các đoàn viên, thanh niên, anh mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cải tạo 1 ha đất đồi hoang để trồng 300 gốc cam, chanh các loại. Cùng với đó, anh chủ động trao đổi, đúc rút kinh nghiệm từ những người đi trước, học hỏi thêm các kỹ thuật chăm sóc cây trồng trên mạng internet, chọn các loại giống tốt để nhân rộng.
Với những tâm huyết và công sức bỏ ra, vườn cam của anh đã cho thu hoạch với sản lượng 9-11 tấn/năm. Năm 2015, vợ chồng anh tăng diện tích trồng cam lên 2ha, đầu tư xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt. Đến nay, khu vườn của anh đã có hơn 1.000 gốc cam chanh, càm bù cùng một số cây ăn quả khác.
Bên cạnh cây cam làm chủ lực, gia đình anh Hoàng còn có thêm 2 hồ cá, nuôi trâu, bò, gà thả đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tổng lãi thu về cho gia đình anh 250 triệu đồng/năm.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu năm 2017, anh đăng ký tham gia mô hình “thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VIETGAP” của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Sau khi được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vườn cam của anh sinh trưởng, phát triển tốt hơn, năng suất tăng 2-3 tấn/ha, đã được kiểm tra, thẩm định chất lượng và công nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp quy trình, cho sản phẩm an toàn.
“Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, đòi hỏi phải không ngừng phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tốt hơn trong sản xuất. Hiện nay, với sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện và Hội Nông dân, tôi đang bước đầu ứng dụng công nghệ giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho vườn cam của mình” – anh Hoàng chia sẻ thêm.
Để liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm, anh Hoàng tham gia thành lập Tổ hợp tác sản xuất cam VietGAP Đức Lĩnh với 10 thành viên. Tại Lễ hội Cam và các sản phẩm Nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất vào tháng 12/2017, Tổ hợp tác đã đạt được giải A về sắc màu và độ ngọt của sản phẩm.
Không chỉ là một thanh niên làm kinh tế giỏi, với cương vị Phó Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN xã Đức Lĩnh, anh Nguyễn Tiến Hoàng luôn là hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào, hoạt động Đoàn, đội, được nhận nhiều giấy khen của tổ chức Đoàn cũng như chính quyền địa phương. Tinh thần nhiệt huyết, mạnh dạn, biết vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương của anh Phó bí thư đoàn rất đáng để thanh niên noi theo.
Theo: Đình Nhất/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã