Phát triển kinh tế vườn đồi là một trong ba khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội của xã Đức An.
Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng, mấy năm gần đây, đời sống của người dân xã Đức An đã được cải thiện đáng kể, nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên khá - giàu ngay trên quê hương.
Là xã vùng trung du miền núi của huyện Đức Thọ, có diện tích 12,62km² nên Đức An xác định kinh tế vườn rừng là một thế mạnh, là “đòn bẩy” để phát triển kinh tế. Những năm qua, chính quyền xã đã xây dựng nhiều đề án, chủ trương và ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế trang trại vùng gò đồi. Sau khi chủ trương được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, cộng với sự tạo điều kiện tối đa của chính quyền địa phương, người dân đã có thêm động lực và niềm tin để phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi. Không những thế, bà con còn làm tốt công tác bảo vệ rừng tự nhiên, khoanh nuôi rừng tái sinh, trồng mới nhiều diện tích rừng kinh tế, kết hợp với xây dựng các mô hình kinh tế, đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất.
Bên cạnh kinh tế vườn rừng, xã Đức An còn xây dựng được cánh đồng mẫu với quy mô 20ha sản xuất lúa chất lượng cao có liên kết với các doanh nghiệp, tổ hợp tác về cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm. Hình thành các mô hình sản xuất lớn, vừa và nhỏ có hiệu quả kinh tế, có liên kết bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi ngày càng phát triển, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Nhiều giống cây trồng có chất lượng cao được đưa vào sản xuất.
Tính đến nay, trên địa bàn Đức An có 20 mô hình trồng trọt, chăn nuôi phân bố rộng khắp trên địa bàn các thôn Đại An, Long Sơn, Hữu Chế, Tân Tiến, Long Hoà…, tất cả đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn; đồng thời tạo đà cho việc thực hiện tiêu chí thu nhập, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Là một trong những hộ gia đình đầu tiên tham gia phát triển kinh tế vườn đồi, hộ ông Đường Xuân Hanh (thôn Long Sơn) có 4,2ha đất áp dụng theo mô hình VAC. Hiện, trang trại của ông thường xuyên nuôi 500-600 con lợn/lứa, 10-15 con bò lai Zê bu; 1.000 con gà thả vườn; trồng 150 gốc cam, chanh và 0,8ha trồng rừng, tổng thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Hanh cho biết: Đất đai ở đây phù hợp với cây công nghiệp như keo, các loại cây ăn quả có múi như cam, bưởi… nên cây phát triển tốt, cho lợi nhuận cao.
Không chỉ gia đình ông Hanh mà nhiều hộ khác cũng phát triển theo mô hình này. Điển hình như gia đình ông Đào Trọng Cần ở thôn Long Sơn nuôi bình quân 500 con lợn/lứa; hộ các ông, bà Nguyễn Xuân Hương, Phan Văn Tuấn, Hà Văn Hương, Nguyễn Song Thao… thường xuyên nuôi 30 - 35 con lợn/lứa, kết hợp với nuôi gà và trồng rừng cũng ăn nên làm ra, thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch UBND xã Đức An, cho biết: “Phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi là một trong những chủ trương lớn của Đảng ta. Nắm bắt được chủ trương này, trong những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn rừng. Nhờ biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật mà nhiều mô hình cho lợi nhuận cao, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương, mở ra hướng làm giàu cho người dân, góp phần giúp Đức An sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;